LHQ lo quân đội Myanmar phạm tội ác chống lại loài người

Chuyên gia LHQ cho rằng quân đội Myanmar có khả năng phạm tội ác chống lại loài người khi ít nhất 70 người biểu tình đã bị sát hại kể từ ngày 1-2.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar - ông Thomas Andrew nói rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar đang thực hiện các tội ác chống lại loài người, bao gồm hành động giết người, cưỡng bức mất tích, bắt bớ, tra tấn.

Thêm bảy người biểu tình thiệt mạng

Bảy người biểu tình thiệt mạng tại Myanmar hôm 11-5 khi lực lượng an ninh nổ súng vào các cuộc biểu tình phản đối chính biến, nhân chứng và truyền thông địa phương cho biết.

Theo hãng tin Reuters, sáu người thiệt mạng tại thị trấn Myaing, miền trung Myanmar khi lực lượng an ninh nổ súng vào một cuộc biểu tình. Thông tin này do một người tham gia biểu tình và giúp đưa thi thể tới bệnh viện nói với Reuters qua điện thoại.

Những người biểu tình rút lui khi cảnh sát chống bạo động bắn bom âm thanh và đạn cao su ở Yangon. Ảnh: AP

Những người biểu tình rút lui khi cảnh sát chống bạo động bắn bom âm thanh và đạn cao su ở Yangon. Ảnh: AP

Một nhân viên y tế ở đó xác nhận tất cả sáu người tử vong.

“Chúng tôi biểu tình hòa bình. Chúng tôi không thể tin được họ làm chuyện đó” – người đàn ông 31 tuổi nói.

Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin một người khác thiệt mạng ở quận North Dagon của TP Yangon.

Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực chết người chống lại người biểu tình, nói rằng nhiều vụ giết người được ghi nhận chẳng khác nào vụ giết người phi pháp.

“Đây không phải là những hành động quá khích, các sĩ quan đã đưa ra quyết định tồi tệ. Đây là những chỉ huy ngoan cố dính líu vào tội ác chống lại loài người, triển khai binh sĩ và phương pháp giết người một cách công khai” – Giám đốc ứng phó khủng hoảng tại tổ chức Ân xá quốc tế Joanne Mariner nói.

Những bài đăng trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình tuần hành ở thị trấn Tamu thuộc bang Chin hôm 11-3 hô vang: “Chúng ta sẽ nổi dậy hay phục vụ họ? Chúng ta sẽ nổi dậy”.

Một nhân chứng nói với Reuters rằng có một cuộc biểu tình nhỏ xảy ra ở khu vực Sanchaung của Yangon. Đây là nơi lực lượng an ninh trong tuần này nổ súng và sử dụng lựu đạn gây choáng khi họ lùng sục từng ngôi nhà để truy tìm người biểu tình.

Đêm qua, người dân bất chấp lệnh giới nghiêm tổ chức những buổi cầu nguyện ở Yangon và ở Myingyan, phía tây bắc TP Mandalay.

Một phát ngôn viên quân đội từ chối bình luận.

Quân đội cáo buộc bà Suu Kyi tham nhũng 600.000 USD

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Naypyidaw, phát ngôn viên quân đội Myanmar – Chuẩn tướng Zaw Min Tun cáo buộc nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi nhận vàng và các khoản tiền trái phép trị giá 600.000 USD khi đương nhiệm.

Ông Min Tun nói thông tin này đã được xác minh và nhiều người đang được thẩm vấn.

Ông Min Tun nói rằng Tổng thống Win Myint cùng một số thành viên nội các cũng liên quan tới tham nhũng. Ông Min Tun cáo buộc ông Win Myint gây sức ép lên ủy ban bầu cử để ủy ban không mở điều tra cáo buộc bất thường trong bầu cử mà quân đội đưa ra.

Chuyên gia LHQ: Quân đội Myanmar có khả năng phạm tội ác chống lại loài người

Hôm 11-3, phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Thomas Andrews – chuyên gia của LHQ về tình hình nhân quyền tại Myanmar nói rằng quân đội Myanmar có khả năng phạm tội ác chống lại loài người. Ông cho biết ít nhất 70 người được cho đã bị sát hại kể từ ngày 1-2.

Những người biểu tình phản đối chính biến nấp sau những hàng rào tạm bợ khi xe tải chở cảnh sát chống bạo động đến TP Yangon (Myanmar). Ảnh: AP

Những người biểu tình phản đối chính biến nấp sau những hàng rào tạm bợ khi xe tải chở cảnh sát chống bạo động đến TP Yangon (Myanmar). Ảnh: AP

Ông Andrews nói Myanmar đang bị một chính quyền giết người và trái phép.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar đang thực hiện các tội ác chống lại loài người, bao gồm hành động giết người, cưỡng bức mất tích, bắt bớ, tra tấn” – chuyên gia nhân quyền nói.

Trong khi nhấn mạnh những hành vi phạm tội như vậy chỉ có thể được xác định tại tòa án, ông Andrews nói rằng có bằng chứng rõ ràng rằng những tội ác của chính quyền quân sự Myanmar là “phổ biến”, “có hệ thống” và là một phần của chiến dịch phối hợp.

Ông Andrews còn nói những tội ác trên được thực hiện với “tri thức của giới lãnh đạo cấp cao”, trong đó có Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.

Quân đội Myanmar trước đây từng nói họ hành động hết sức kiềm chết trong việc xử lý những gì họ mô tả là cuộc biểu tình của những người biểu tình bạo động. Quân đội cáo buộc người biểu tình tấn công cảnh sát, gây tổn hại an ninh quốc gia và sự ổn định của đất nước.

Liên Hợp Quốc lên án cuộc trấn áp biểu tình của quân đội Myanmar đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, bắt giữ hơn 2.000 người. Ảnh: AFP

Liên Hợp Quốc lên án cuộc trấn áp biểu tình của quân đội Myanmar đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, bắt giữ hơn 2.000 người. Ảnh: AFP

Phát biểu từ xa trước Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 11-3, Chan Aye, Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Myanmar nói rằng nhà chức trách đã hết sức kiềm chế khi ứng phó các cuộc biểu tình bạo lực.

Tuy nhiên theo ông Andrews, lực lượng an ninh đã sát hại ít nhất 70 người kể từ ngày 1-2, hầu hết là những người trong độ tuổi dưới 25.

Tính đến tối 10-3, chính quyền quân sự Myanmar đã tùy tiện bắt giữ hơn 2.000 người. Ông Andrews nói bạo lực chống lại người biểu tình, bao gồm bạo lực nhằm vào những người ngồi yên tại nhà đang tăng lên đều đặn.

Ông Andrews nhớ lại, ngay cả trước khi nổ ra chính biến, giới lãnh đạo hiện tại ở Myanmar đối mặt với những cáo buộc “tội ác tàn bạo” và “diệt chủng” trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì việc đối xử của họ với người Hồi giáo Rohingya.

“Kể từ cuộc chính biến, quân đội Myanmar đã tấn công và buộc hàng ngàn thành viên của các dân tộc thiểu số ra khỏi nhà họ một cách vũ lực” – ông Andrew nói.

Ông Andrews nói rằng trước bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar phạm tội ác tàn bạo chống lại chính người dân của họ nên cần có hành động khẩn cấp.

Tuần trước, chuyên gia Andrews hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và trừng phạt có mục tiêu vào quân đội Myanmar.

Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có Trung Quốc – nước ủng hộ truyền thống của Myanmar- là thành viên, không hưởng ứng lời kêu gọi, mà chỉ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Myanmar.

Ông Andrews mô tả tuyên bố trên là “hoàn toàn không đủ”, cho rằng người dân Myanmar không chỉ cần những lời động viên mà còn cần hành động ủng hộ.

“Họ cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế ngay lúc này” – ông Andrews nói.

THIÊN THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/lhq-lo-quan-doi-myanmar-pham-toi-ac-chong-lai-loai-nguoi-971846.html