Lí do doanh nghiệp vẫn phải đóng Quỹ BVMT để xử lý rác thải 'lậu'
Bộ TN&MT cho biết, sẽ ban hành Thông tư về quy chế sử dụng khoản tiền được đóng góp vào Quỹ BVMT bởi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, để đảm bảo tính minh bạch.
Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT - ông Phan Tuấn Hùng: “Để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân Việt Nam, như mọi công dân trên thế giới, Luật BVMT 2020 với nhiều cải cách đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, dựa trên nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền để khắc phục hậu quả”.
Từ đó, EPR được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.
Nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của EPR sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải (zero waste). EPR được kỳ vọng sẽ giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa hiện nay.
Bộ TN&MT cho rằng, EPR là công cụ chính sách rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và EPR cũng khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ông cho biết thêm, trong năm nay Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư về quy chế sử dụng khoản tiền được đóng góp bởi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu vào Quỹ BVMT, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và được dùng đúng mục đích.
Về vấn đề đóng góp vào Quỹ, đại diện từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam bày tỏ ý kiến, hai năm vừa qua doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, để đóng góp 60 đồng/sản phẩm khi tái chế là rất nhỏ, song với số lượng lớn đóng ngay trong một lần, con số có thể lên tới hàng chục tỉ.
Hơn nữa, về vấn đề sử dụng Quỹ, Hiệp hội Thuốc lá cho biết thị trường vẫn còn tồn tại tình trạng thuốc lá nhập lậu, chiếm khoảng 10-15% tổng tiêu thụ, vậy chi phí để thu mua vỏ bao, đầu lọc thuốc lá lậu về để tái chế, làm sao để phân chia rạch ròi với các doanh nghiệp hợp pháp là điểm còn chưa rõ ràng.
Trả lời điều này, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, 60 đồng là mức phí thấp hơn so với các nước trên thế giới, Bộ TN&MT đã phải tham khảo và so sánh rất nhiều để đưa ra con số hợp lý này. Hơn nữa, thuốc lá là sản phẩm không thân thiện với môi trường bởi có chứa nhựa, mẩu thuốc lá khi sử dụng xong có thể bị vứt ở khắp nơi, rất khó cho công tác thu gom.
Việc số tiền doanh nghiệp đóng góp được chi trả cho công tác thu gom, kể cả các sản phẩm kể không phải do mình sản xuất là có. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ TN&MT, Quỹ BVMT được quy định sử dụng hỗ trợ trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt của người dân, nên việc này là đúng Luật.
Mặt khác, ông giải thích thêm, đây chỉ là hỗ trợ một phần từ doanh nghiệp, bởi phần lớn sẽ được sử dụng từ tiền của Ngân sách và thuế từ người dân để phục vụ cho việc này.
Bên cạnh đó, chủ yếu rác thải hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, khiến chúng ta mất rất nhiều đất và sử dụng kinh phí khổng lồ cho việc này mỗi năm. Do vậy, “Việc nhà sản xuất có sự chia sẻ một phần cho công tác này là điều nên làm”, ông nhấn mạnh.
Đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng mục đích
Theo đó, ông Đỗ Xuân Thuấn, chuyên gia Quỹ BVMT Việt Nam thông tin thêm, khoản đóng góp tài chính thực hiện tái chế, xử lý chất thải của doanh nghiệp không phải là thuế, phí hay là khoản thu ngân sách Nhà nước. Khoản đóng góp này chỉ được dùng để hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải theo đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật.
Cụ thể, khoản đóng góp sẽ dùng để hỗ trợ chi phí tái chế sản phẩm, bao bì; tài trợ dự án thực hiện hoạt động thu gom, tái chế sản phẩm bao bì; tài trợ cho cho các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng sáng chế về xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tài trợ kinh phí triển khai sáng kiến thu gom, phân loại chất thải rắn.
Việc hỗ trợ phải được thực hiện đúng đối tượng, kinh phí hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích và phải được giải ngân theo tiến độ thực hiện. Văn phòng EPR quốc gia có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động được hỗ trợ trong quá trình triển khai để đảm bảo đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.
Việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí của Văn phòng EPR quốc gia được thực hiện theo quy định tại Quy trình nghiệp vụ hỗ trợ thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu và các quy định của pháp luật có liên quan.