Lí do lao động muốn 'nhảy việc' dịp đầu năm
Thời điểm đầu năm nhiều người lao động có tâm lý nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới. Điều gì khiến họ có quyết định như vậy?
Tìm việc ít áp lực vì gia đình
Sau khi cảm thấy công ty cũ có những chế độ khắt khe về thưởng phạt, cùng với mức tiền thưởng của năm cũ không như mong muốn, chị Ngọc Lan (Lai Châu), đã có một quyết định mà cho đến giờ chị thấy rất đúng đắn là nghỉ việc.
Chị Lan chia sẻ: “Có nhiều lý do khiến tôi chọn thời điểm đầu năm để nghỉ việc. Xuất phát là từ chế độ và mức thưởng ở công ty cũ khiến tôi cảm thấy chưa xứng đáng cho những gì mà tôi đã cống hiến trong suốt những năm qua. Tôi làm ở công ty đó đã hơn 4 năm. Tôi luôn nỗ lực, hoàn thành các dự án lớn mà công ty giao cho, thường xuyên tăng ca và đem việc về nhà làm. Sự chăm chỉ ấy đã lấy đi thời gian của tôi với gia đình. Thậm chí, tôi và chồng đã nhiều lần cãi nhau, bỏ bê con cái. Thế nhưng, đổi lại tôi không có cơ hội thăng tiến, vẫn là nhân viên bình thường với mức lương 12 triệu đồng hàng tháng. Những dự án mà tôi lấy về cho công ty lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng tôi chỉ được thưởng theo mức chung của công ty”.
Chị Lan phân tích thêm, khi chọn nghỉ việc vào thời điểm đầu năm bởi đây là thời điểm nhiều người có tâm lý chung “nhảy việc”. Vì thế, các công ty cũng sẽ phải gấp rút tìm người thay thế để đảm bảo tiến độ công việc mà người vừa nghỉ để lại. Chưa kể, đây là thời điểm mà các tổ chức đã hoàn thành xong những kế hoạch phát triển kinh doanh cho năm mới và có thể sẽ cần thêm nhân lực để thực hiện. Tình trạng thiếu nhân sự vào thời điểm đầu năm sẽ là cơ hội để tôi tìm kiếm việc làm mới thuận lợi hơn.
Thời điểm hiện tại, chị Lan chỉ mong muốn có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, nên chị đã chọn những công việc làm nhân viên văn phòng, ngày 8 tiếng để nộp hồ sơ ứng tuyển. Trong thời gian chờ công việc mới, chị Lan dành hết thời gian cho gia đình, bù đắp cho con.
Theo tiêu chí của bản thân
Cũng như chị Lan, chị Minh Diệp (Hà Nội) chọn thời điểm đầu năm để đi tìm việc làm mới, khác hẳn so với nghề trước đó chị làm.
Chị Diệp cho hay: “Ở công ty cũ, tôi thường xuyên bị sếp “đì”, dù tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng khi bình xét thi đua tôi chỉ được ở mức hoàn thành. Trong công việc, chỉ cần một lỗi sai “nhỏ như con kiến” cũng khiến sếp cũ lấy đó làm cớ biến nó thành to đùng. Do đó, hàng ngày đi làm tôi rất áp lực. Áp lực dần dần khiến tôi sợ phải gặp lỗi. Tôi bị ám ảnh, luôn giật mình cả trong giấc ngủ. Do đó, sau 2 năm cố gắng gắn bó với công việc, tôi đã đưa ra quyết định táo bạo là nghỉ việc để tìm một việc mới, hoàn toàn khác với nghề mà tôi đang làm”.
Theo chị Diệp, dù nộp hồ sơ xin việc từ trước Tết nhưng sau Tết, các nhà tuyển dụng mới gọi điện hẹn đến phỏng vấn. “Phần lớn các công ty tôi chọn đều là làm việc theo ca bởi tôi chưa có gia đình, nên rất muốn thời gian có thể linh động được chứ không cố định thời gian hành chính. Tôi muốn được đi làm đẹp, đi cà phê với bạn bè mở rộng mối quan hệ,… vào những ca không phải làm việc. Ví như hôm nào làm ca sáng từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều, sau đó được nghỉ tôi sẽ làm những việc mình thích. Hay hôm nào làm ca chiều từ 14 giờ đến 20 giờ thì buổi sáng tôi được “ngủ nướng”. Do đó, những công ty có công việc phù hợp nhưng thời gian không hợp lý tôi sẽ loại bỏ ngay, chỉ hướng đến công ty phù hợp với tiêu chí mình đặt ra thôi”, chị Diệp chia sẻ.
Nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự báo, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động theo hướng tích cực, tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Quy mô dân số Việt Nam năm 2023 ước đạt 100 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người tham gia thị trường lao động, đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
Tại TPHCM, theo một khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, ngay sau Tết, gần 500 doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.300 lao động chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc da giày, điện tử, hóa nhựa... Riêng trong quý I năm nay, dự báo nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 79.000 - 87.000 người.
Tại Hà Nội, trong phiên giao dịch việc làm online kết nối 10 tỉnh, thành phố phía Bắc, tổng số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng là 158 với 55.759 chỉ tiêu. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 44.789 chỉ tiêu, tiếp đến là các địa phương như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình đều có nhu cầu tuyển dụng trên 2.400 lao động.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/li-do-lao-dong-muon-nhay-viec-dip-dau-nam-post626366.html