'Li ti' là từ Hán Việt hay thuần Việt ?
Độc giả Lê Thị Hường (giáo viên tiểu học, huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa) hỏi: 'Xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, li ti là từ thuần Việt hay từ Hán Việt và đây có phải là từ láy không?'.
Trả lời:
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Trung tâm Từ điển học Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt), không chú chữ Hán cho mục từ li ti.
Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) xếp li ti vào loại từ láy và giảng như sau: - “LI TI tt. Rất nhỏ, như những chấm rất bé. Chữ viết li ti như con kiến. Mặt li ti đầy vết tàn nhang. Những giọt sương li ti long lanh trên thảm cỏ; "Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa” (Mai Văn Tạo)”.
Như vậy, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - sách đã dẫn), không coi li ti là từ Hán Việt, còn Từ điển từ láy tiếng Việt xếp li ti vào loại từ láy.
Tuy nhiên, li ti 釐絲 là từ ghép đẳng lập, trong đó, cả hai thành tố li và ti đều là từ Việt gốc Hán, có khả năng độc lập trong hành chức (xét dưới cái nhìn đồng đại). Cụ thể: Chữ li tự hình 釐, có nghĩa là một phần ngàn của lượng, hoặc một phần ngàn của thước. Trong tiếng Việt, li hoàn toàn có thể hành chức độc lập trong những trường hợp như: Cẩn thận từng li từng tí;Sai một li đi một dặm.
Với chữ ti, đây cũng là một từ Việt gốc Hán, có tự hình là 絲, nghĩa là một phần rất nhỏ của độ dài, hoặc trọng lượng; nghĩa bóng của ti, chỉ những gì rất nhỏ bé. Trong tiếng Việt, ti xuất hiện độc lập trong một số trường hợp như: Trông nó bằng cái tí cái ti thế này thì ăn nhằm gì; Băm xương nhỏ ti ra; hay “Bữa cơm chiều ở ngoài sân vui vẻ quá. Canh cá nấu chua. Rau chẻ nhỏ ti, xoăn tít.” (Ma Văn Kháng). Ti còn xuất hiện với tư cách là thành tố trong từ ghép đẳng lập, như: Mình thì bằng cái tí ti/ Người đi dưới đất bóng đi trên trời (Câu đố về con rươi).
Xét gốc Hán, li và ti có một số nghĩa hữu quan, mà Hán ngữ đại từ điển giảng như sau:
- Li 釐: 1- Đơn vị số lượng, dùng để đo độ dài, bằng một phần ngàn của thước. [nguyên văn 數量單位.用於長度,為尺的千分之一]; 2- Đơn vị số lượng, dùng để tính trọng lượng, bằng một phần ngàn của lượng ngày xưa. [nguyên văn 數量單位.用於重量,為舊制兩的千分之一]; 3- Đơn vị số lượng, dùng tính diện tích đất, bằng một phần trăm của mẫu. [nguyên văn 數量單位,用於地積,為畝的百分之一].
-Ti 絲, thì Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa 10 là: “Lượng từ. Là một phần nhỏ của độ dài, hoặc trọng lượng. Mười hốt là một ti, mười ti là một hào.” [nguyên văn 量詞. 長度或重量的微量. 十忽為一絲,十絲為一毫].
Như vậy, cả li và ti đều là những từ Việt gốc Hán, vốn dùng để chỉ số lượng ở mức rất nhỏ. Chúng tôi không thấy Hán ngữ đại từ điển và Hán điển ghi nhận từ ghép đẳng lập li ti 釐絲. Theo đây, có thể li ti là một từ Hán Việt Việt tạo (từ không có trong tiếng Hán, mà được người Việt tạo ra từ các thành tố gốc Hán, cụ thể ở đây là li và ti).
Chữ li 釐 trong từ li ti, cũng chính là chữ li trong từ li lai.
Từ điển từ láy tiếng Việt xếp li lai vào loại từ láy, thuộc phương ngữ (ph.), giảng là “Xê xích chút ít, không đáng kể” và lấy ví dụ “Chỉ li lai có mấy phân." “Con mụ ấy (...) ghi vô số từng luống rau gốc chè, cấm có li lai được một tẹo” (X Thiều). “Chỉ còn li lai nữa thì xe đè nghiến anh ta”. (VNQĐ, 2-82)”.
Tuy nhiên, li lai là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: li 釐 là một phần mười phân, hoặc chỉ phần rất nhỏ (như Thất chi hào li, sai dĩ thiên lí - 失之豪釐, 差以千里 = Sai một li đi một dặm; Một tấc không đi, một li không rời; Tính toán từng li từng tí); lai là một phân, nghĩa bóng chỉ những cái nhỏ nhất, không đáng kể (ví dụ: chiếc nhẫn vàng năm lai; một li một lai cũng không cho).
Chữ ti trong li ti, cũng cùng nghĩa với ti trong ti hào. Mà từ tơ hào, vốn do ti hào 絲毫, chữ Hán có nghĩa là nhỏ bé. Hán ngữ đại từ điển giảng ti hào là “những cái nhỏ bé nhất. Ti, hào, đều biểu thị cực nhỏ hoặc cực ít.” [nguyên văn 絲毫: 細微之至. 絲, 毫都表示極小或極少].
Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt cho ta thấy, tơ hào trong tiếng Việt, vốn được nói và viết ti hào. Ví dụ, Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng ti hào là “Một ti một hào. Nói về số rất nhỏ” và lấy ví dụ: “Không lấy một ti hào gì của dân”. Hay Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng ti hào là “Con số rất nhỏ, không đáng kể” và lấy ví dụ “Có vợ đẹp mà không tốn một ti hào nào cả”.
Hiện nay, trong tiếng Việt, tơ hào có nghĩa: “1 lấy một phần rất nhỏ, không đáng kể của công hay của người khác làm của riêng; 2 tơ màng đến, dù chỉ thoáng qua.” (Từ điển Hoàng Phê).
Như vậy, li ti là từ Hán Việt Việt tạo và là từ ghép đẳng lập, chứ không phải từ láy. Nghĩa Hán Việt của li và ti chúng ta còn thấy xuất hiện trong một số từ ghép như li lai, ti hào/tơ hào, tí ti,...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/li-ti-la-tu-han-viet-hay-thuan-viet/28413.htm