Lì xì sách - nét đẹp mới của những ngày xuân

Một trong những điểm nhấn của Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 (diễn ra từ ngày 7-2 đến hết ngày 14-2) là chương trình 'Lì xì sách' lần đầu tiên được tổ chức. Dẫu không phải mới được 'khơi' lên, nhưng câu chuyện lì xì sách vẫn đang là mối quan tâm chung của nhiều cá nhân và đơn vị.

Mọi thứ đều sẵn sàng

Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhiều đơn vị xuất bản đã cùng nhau tạo ra “mùa sách tết” với những ấn phẩm không chỉ có giá trị về nội dung mà còn “ghi điểm” về hình thức. Mặc dù không thực hiện sách tết như một số đơn vị, nhưng năm nay, NXB Trẻ lại có ý tưởng độc đáo, khi tạo ra những giỏ quà sang trọng và bắt mắt, với những bộ sách có giá trị, để có thể tặng đúng người cần.

Theo chia sẻ của chị Đào Mai Ly, phụ trách truyền thông của NXB Trẻ, trong tình hình kinh tế khó khăn, mọi người cần sự động viên và chỗ dựa từ gia đình, những giá trị nền tảng, cần phát triển bản thân để thích nghi...

“Việc tặng sách là điều vừa dễ vừa khó. Dễ vì sách hiện nay rất nhiều, dễ mua nhưng khó là làm sao chọn đúng sách phù hợp cho người nhận, và phải có tít tựa, chủ đề mang thông điệp may mắn, tươi sáng theo quan điểm người Việt vào đầu năm”, chị Mai Ly cho biết.

 Những giỏ quà tết được tạo nên từ những cuốn sách là ý tưởng độc đáo của NXB Trẻ trong dịp tết năm nay

Những giỏ quà tết được tạo nên từ những cuốn sách là ý tưởng độc đáo của NXB Trẻ trong dịp tết năm nay

Hai đơn vị Saigon Books và Zenbooks cùng kết hợp thực hiện chương trình “Tết lành”, trong đó tập trung vào những bộ sách mang ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Saigon Books, việc đọc sách, tặng sách ngày tết mang một giá trị tinh thần đáng quý trong đời sống hiện đại.

“Sách hay như một người bạn khiến tâm trí chúng ta tạm quên đi những bộn bề, giúp xoa dịu tâm hồn ở thời đại quá nhiều biến động liên quan sức khỏe và sự bình an”, ông Quỳnh bày tỏ.

Từ năm 2014, NXB Kim Đồng bắt đầu truyền đi thông điệp “Mừng tuổi bằng sách” đến phụ huynh và các em nhỏ mỗi dịp xuân về tết đến. Kể từ đó, mỗi năm, ngoài ấn phẩm Nhâm nhi Tết, đơn vị này còn thực hiện loạt sách về tết với hơn 10 tựa/bộ sách như: Đúng là Tết! (cùng bản tiếng Anh This is Tết!); Bên cửa mùa xuân; Mỗi tuổi mỗi tài - 12 con giáp; Kể chuyện Tết Nguyên đán; Những ngày Tết Ta; Những ngày Tết Tây; Quà Tết của rừng xanh; Tết ơi, Tết đâu rồi?; Tết xưa thơ bé… Nhiều ấn phẩm trong số này được tái bản nhiều lần, trở thành món quà đầu năm mới được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

 Hai ấn phẩm "Tết xưa thơ bé" và "Nhớ ơi là Tết" do NXB Kim Đồng ấn hành, được tái bản đều đặn vào mỗi dịp tết

Hai ấn phẩm "Tết xưa thơ bé" và "Nhớ ơi là Tết" do NXB Kim Đồng ấn hành, được tái bản đều đặn vào mỗi dịp tết

Khi tham gia Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn, tất cả người dân, du khách và bạn đọc đều có cơ hội được lì xì sách. Ban Tổ chức đã chuẩn bị 6.000 cuốn sách thuộc nhiều thể loại (chưa tính sách điện tử từ hai đơn vị Voiz FM và Fonos), để lì xì cho bạn đọc.

Đừng chỉ dừng lại ở phong trào

Có thể thấy, lì xì sách không chỉ đơn thuần là trao cho nhau một cuốn sách mà còn tạo ra một nét đẹp văn hóa và ý nghĩa không chỉ trong gia đình mà cho toàn xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động lì xì sách trở nên hiệu quả, đi vào đời sống thường nhật, không chỉ dừng lại ở phong trào, là vấn đề được nhiều người quan tâm hơn cả.

Trong chương trình giao lưu với chủ đề “Mừng tuổi sách” được tổ chức tại Đường sách TPHCM mới đây, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy hiến kế: “Thay vì tặng sách trực tiếp, ở gia đình của mình, tôi thường tặng cho các cháu bé cơ hội đến thư viện, nhà sách để các cháu tự do phát triển sự lựa chọn, tư duy độc lập của chính mình thông qua việc chọn những quyển sách mình yêu thích”.

 Nhà văn Văn Thành Lê và Đặng Nguyễn Đông Vy (từ phải qua) trong chương trình giao lưu "Mùng tuổi sách"

Nhà văn Văn Thành Lê và Đặng Nguyễn Đông Vy (từ phải qua) trong chương trình giao lưu "Mùng tuổi sách"

Còn nhà văn Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, cho rằng, không chỉ đợi đến dịp tết thì mới lì xì hay mừng tuổi bằng sách. Theo anh, mỗi dịp sinh nhật hay bất cứ dịp nào cần trao nhau quà tặng, đều có thể nghĩ đến sách. Có thể người nhận chưa quen với việc nhận sách thì cùng với quà tặng khác có thể đính kèm thêm sách.

“Cùng với phong bao lì xì là một cuốn sách, người tặng sách cũng cần “đầu tư” tìm hiểu xem đối tượng mình sẽ tặng hào hứng với chủ đề, đề tài, câu chuyện gì để chọn sách phù hợp. Đồng thời, không chỉ tặng sách xong rồi thôi, nếu người nhận sách chưa có thói quen đọc sách, cần tương tác thêm với người được tặng về cuốn sách sau thời gian tặng. Để hình thành thói quen không thể trong ngày một ngày hai, mà cần có thời gian, phải mưa dầm thấm lâu chứ không thể mưa rào thấm nhanh”, nhà văn Văn Thành Lê nói thêm.

Không phải là thực dụng, nhưng nếu được lựa chọn, thay vì sách, các em nhỏ chắc chắn sẽ bị thu hút bởi những chiếc phong bao đỏ chói, bên trong chứa những tờ tiền mới cứng. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết: “Tôi thường lì xì sách bên cạnh lì xì một số tiền may mắn. Vừa có được lộc may mắn về mặt tri thức, bên cạnh lộc may mắn về mặt tài chính. Đó có vẻ như một lời chúc trọn vẹn cho một người trong dịp năm mới”.

HỒ SƠN - THANH TRÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/li-xi-sach-net-dep-moi-cua-nhung-ngay-xuan-post726121.html