Libya đóng cửa mỏ dầu do các hoạt động quân sự leo thang

Ngày 27/11, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) đã thông báo đóng cửa mỏ dầu El-Feel tại miền Nam Libya do các hoạt động quân sự tại đây.

Cảng dầu Zawiya ở Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng dầu Zawiya ở Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla nêu rõ đã có những cuộc không kích nhắm mục tiêu là lối vào mỏ dầu El-Feel và bên trong tổ hợp văn phòng - nhà ở dành cho các nhân viên công ty. Mặc dù các nhân viên NOC đã được bảo vệ trong khu vực an toàn, song họ không thể làm việc. NOC nêu rõ công tác sản xuất sẽ tạm ngưng cho đến khi hoạt động quân sự chấm dứt và tất cả các nhân viên quân sự rút khỏi khu vực hoạt động của NOC.

Trước đó, người phát ngôn của Quân đội miền Đông Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Hafta cáo buộc một nhóm vũ trang của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã tấn công mỏ dầu El-Feel. Các máy bay chiến đấu của LNA đã mở cuộc không kích nhằm vào nhóm vũ trang này, phá hủy 5 xe quân sự và một xe chở đạn dược. Tuyên bố của LNA xác nhận nhóm vũ trang này hiện đã rút khỏi khu vực sau cuộc không kích.

Theo NOC, mỏ dầu El-Feel có công suất khai thác tối đa là 75.000 thùng dầu thô/ngày, trong khi sản lượng quốc gia mỗi ngày là hơn 1,2 triệu thùng.

Cùng ngày, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự đang diễn ra gần mỏ dầu El-Feel. UNSMIL đã kêu gọi các bên ngừng ngay hoạt động quân sự tại đây, bảo vệ các nhân viên dân sự và cơ sở hạ tầng, tái khẳng định rằng tài nguyên thiên nhiên là thuộc sở hữu của tất cả người dân Libya và không được phép trở thành nhân tố trong cuộc xung đột hiện nay. Tuyên bố của UNSMIL nhấn mạnh cơ sở hạ tầng dầu khí của Libya chỉ nên nằm dưới sự kiểm soát của NOC.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng của Tướng Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/libya-dong-cua-mo-dau-do-cac-hoat-dong-quan-su-leo-thang-20191128093317488.htm