Libya đứng giữa ngã ba đường
Hội nghị quốc tế nhằm hướng tới thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe phái ở Libya dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Đức cuối tháng 1 vừa rồi đã không đem đến kết quả như mong đợi. Cục diện Libya lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Đống đổ nát thời hậu Gaddafi
Thời gian là thước đo cho mọi tranh cãi và những gì đang diễn ra ở Libya chính là bằng chứng rõ ràng nhất khẳng định rằng: Sự can thiệp của phương Tây tại quốc gia Bắc Phi này là sai lầm. Hơn 8 năm sau khi tiến hành cuộc chiến lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi, điều gì đang xảy ra ở Libya?
Từ một đất nước giàu có ở Bắc Phi, Libya ngày nay chỉ còn hoang tàn đổ nát. Miền đất đã từng thanh bình đó bị đọa đày trong hỏa ngục chiến tranh và xung đột. Libya sau cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi rơi vào vòng xoáy của những cuộc nội chiến liên miên giữa đủ mọi phe phái, bộ tộc, cùng sự xâm nhập của những mạng lưới khủng bố hay tội phạm quốc tế; để rồi rơi vào trạng thái vô chính phủ, vô luật pháp và trở thành một gánh nặng đối với chính những nước phương Tây từng muốn thay đổi nó.
Thực sự, cho đến lúc này, các chính phủ phương Tây trực tiếp tham chiến ở Libya khi đó vẫn không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng cho quyết định của mình. Libya dưới thời ông Gaddafi có thể không phải là đồng minh thân thiện của Anh hay Pháp và các nước phương Tây khác nhưng họ vẫn là một đối tác làm ăn lớn có uy tín trong thời gian dài. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Libya không còn ở phe đối địch với phương Tây nữa, dầu mỏ của họ đến với châu Âu và nhiều hợp đồng lớn đã được ký.
Người ta vẫn không quên hình ảnh cái bắt tay thân thiện của ông Gaddafi với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào năm 2007, khi nhà lãnh đạo này đến thăm chính thức nước Pháp. Ấy vậy mà chỉ 4 năm sau, chính vị Tổng thống Pháp đó đã ra lệnh cho quân đội tấn công trực tiếp vào các lực lượng trung thành của ông Gaddafi, dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo đất nước giàu có nhất Bắc Phi trong suốt 42 năm này.
Sau cái chết ấy, những gì diễn ra ở Libya lại hoàn toàn đúng như ông đã từng tiên đoán: Lybia đã bị biến thành “Somalia ở Địa Trung Hải”. Thay vì duy trì đồng thuận để cùng thành lập chính phủ mới, các phe phái nổi dậy đã nhanh chóng quay lại “chĩa mũi giáo vào nhau”. Sau nhiều nỗ lực của phương Tây, lần lượt các chính phủ lâm thời được lập nên nhưng không chính phủ nào tồn tại được quá một năm.
Hơn 8 năm kể từ ngày ông Gaddafi bị lật đổ, một đất nước Libya mới vẫn không thể xây dựng được hiến pháp mới cho mình. Libya từ chỗ thống nhất bị chia thành các khu vực nhỏ dưới sự quản lý của các nhóm vũ trang cát cứ. Các nhóm vũ trang này không tuân theo chính quyền trung ương, họ sống bằng nguồn thu từ dầu mỏ và các hoạt động phi pháp khác.
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ, Libya trở thành một điểm trung chuyển người vượt biên trái phép sang châu Âu với số lượng lớn. Các nhóm Hồi giáo cực đoan, sau khi bị đánh bật khỏi Afghanistan và Trung Đông, đang tìm tới Libya như một “căn cứ địa” mới gây nên nỗi lo ngại lớn với các nước trong khu vực.
Ai Cập và Saudi Arabia đã vài lần đề cập đến khả năng mang quân đội trực tiếp vào Libya để tiêu diệt các nhóm khủng bố này nhưng không được Liên Hiệp Quốc cho phép. Tình hình hỗn loạn đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong một bài phát biểu đầu năm 2018, cũng lên tiếng chỉ trích NATO vì đã can thiệp vào Libya để lại hậu quả nghiêm trọng của ngày hôm nay.
Một sự hối hận muộn màng.
“Chết đuối vớ được cọc”
Sau cái chết của ông Gaddafi, không một nhân vật nào có đủ uy tín để tập hợp đội ngũ, đoàn kết các phe phái. Phương Tây có thể giúp Libya thành lập chính phủ nhưng để kiếm được người có đủ khả năng điều hành dường như là điều bất khả. Libya thời hậu Gaddafi càng hỗn loạn, các nước phương Tây càng mất uy tín, họ thực sự cần một người có thể giúp họ giải quyết rắc rối này. May cho họ là cuối cùng cũng có một người xuất hiện - tướng Khalifa Haftar.
Có thể với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, cái tên Khalifa Haftar không để lại nhiều thiện cảm. Ông được biết đến như là đồng minh cũ của cựu lãnh đạo Gaddafi. Tướng Haftar vốn là bạn chiến đấu bên cạnh ông Gaddafi từ thời còn hoạt động trong phong trào sĩ quan tự do chống lại chính quyền Hồi giáo bảo thủ của Libya từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Sau khi ông Gaddafi lên nắm quyền, ông Haftar từng giữ chức Tổng chỉ huy quân đội Libya trong một thời gian dài. Tướng Haftar là người chỉ huy quân đội Libya trong các chiến dịch quân sự lớn cùng Ai Cập chống Israel năm 1973, hay tấn công Tchad năm 1986. Tuy nhiên sau thất bại ở Tchad, tướng Haftar đã có những bất đồng với ông Gaddafi rồi bỏ sang Mỹ và gần như biến mất khỏi chính trường.
Mới trở về Libya trong thời gian gần đây nhưng thật bất ngờ tướng Haftar lại nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của quân đội và nhiều phe nhóm ở Libya, dẫn đến sự thành lập Quân đội quốc gia Libya (LNA) mà ông là người đứng đầu. Lực lượng LNA tuy chống lại Chính phủ đoàn kết (GNA) được Liên Hiệp Quốc thừa nhận nhưng lại nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khối Arab và Nga.
Ông Haftar từng học quân sự ở Liên Xô trước đây, lại đã từng trực tiếp chiến đấu bên cạnh quân đội Ai Cập chống Israel nên dành được rất nhiều tình cảm từ đất nước láng giềng này. Nên nhớ, hiện nay Tổng thống Ai Cập Al-Sisi cũng xuất thân là một tướng lãnh quân đội. Cả hai ông Haftar và Al-Sisi đều có quan điểm cứng rắn chống lại Hồi giáo cực đoan, nên cũng đều nhận được không ít sự ủng hộ từ phương Tây. Nước Pháp, vốn bảo trợ cho chính quyền ở Tripoli, nay cũng quay sang ủng hộ tướng Haftar.
Nhờ vậy, LNA đã nhanh chóng lớn mạnh. Kết thúc năm 2019, LNA kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya, bao vây thủ đô Tripoli. Đáng lẽ, LNA đã nhanh chóng đánh bại GNA, thống nhất đất nước để tiến tới ổn định tình hình, nếu... không có một kẻ thích can thiệp khác.
Nhân tố nguy hiểm
Kẻ can thiệp mới ở đây là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng Haftar không phải là không có đối thủ. Trong trường hợp này, đối thủ của ông lại chính là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Có sự đối đầu này là bởi tướng Haftar là người theo chủ nghĩa thế tục chống lại những tư tưởng Hồi giáo bảo thủ. Ông thường xuyên chỉ trích việc xa rời chủ nghĩa thế tục của Tổng thống Erdogan.
Tướng Haftar từng tuyên bố ông Erdogan muốn trở thành "một Sultan thế kỷ 21", một câu nói sau đó được phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên sử dụng. Điều này đã đẩy ông sang phía đối nghịch với thế lực đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông hiện nay.
Tháng 11 năm ngoái, đứng trước nguy cơ chính quyền GNA sụp đổ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp nhảy vào tham chiến ở Libya, một động thái chưa từng có trong lịch sử. Lấy lý do bảo vệ chính quyền được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng máy bay và những trang bị hiện đại của mình đánh lui phe LNA của tướng Haftar.
Mới đây, sau khi tướng Haftar từ chối ký vào một thỏa thuận ngừng bắn tại Moskva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Libya để bảo vệ chính quyền GNA. Nếu điều này thực sự xảy ra, quân đội LNA sẽ không có có hội chiến thắng, đồng thời đây lại là động thái thách thức mạnh mẽ khối Arab của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Một hành động sẽ khiến cho tình hình trở nên hết sức phức tạp.
Nhìn nhận tình hình ở Libya lúc này, chúng ta thấy rõ sự chia rẽ. Nga và khối Arab ủng hộ LNA đang chiếm ưu thế trên thực địa. Bản thân phương Tây cũng không còn muốn can thiệp vào Libya nữa, nên ủng hộ LNA mau chóng giải quyết tình hình. Nhưng GNA vẫn là chính quyền được Liên Hiệp Quốc thừa nhận còn Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đang muốn tạo thêm ảnh hưởng sau thắng lợi của họ tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là thế lực đang lên ở khu vực, giữa họ với phương Tây và Nga đều có những mối quan hệ hợp tác quan trọng sẽ khiến cho những quốc gia này phải cân nhắc. Sự đan xen các mối quan hệ giữa các nước bên ngoài đang ảnh hưởng lớn đến quyền tự quyết của chính người Libya cho tương lai đất nước của họ.
Lại một lần nữa, Libya đứng trước ngã ba đường.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/libya-dung-giua-nga-ba-duong-581422/