Lịch học kín mít của học sinh lớp 1 gây 'choáng'
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền dòng chia sẻ không xác định danh tính về lịch học kín mít của học sinh lớp 1. Dòng chia sẻ đã làm nổ ra nhiều tranh luận trong giới phụ huynh và cả các chuyên gia giáo dục.
Giáo viên, phụ huynh nói gì?
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền dòng chia sẻ không xác định danh tính về lịch học của học sinh lớp 1.
Nội dung chia sẻ: "Lịch bạn nhà mình học lớp 1: Sáng và chiều đi học trên trường, 4h30 đón về; 5h học luyện chữ đến 7h về; 7h đi học thêm đến 9h30 về; 22h làm bài tập về nhà trên lớp; làm bài tập thêm ở sách nâng cao ngoài đến 0h đi ngủ.
Nếu đợt nào có kiểm tra, luyện đề cô cho đến 1-2h sáng mới đi ngủ.
Sau 1 năm học: Giải nhất Trạng Nguyên cấp tỉnh; giải nhất Olympic cấp quốc gia; 4 huy chương vàng cấp tỉnh và quốc gia môn tiếng Việt và toán.
Vậy mà chưa là gì so với các bạn trong lớp và trường".
Cô Nguyễn Thị Tuyền, giáo viên tiểu học tại Hà Nội nhận định, nội dung chia sẻ này không có độ tin cậy. Lý do cô Tuyền đưa ra là rất hiếm lớp học thêm nào thiết kế thời gian 2 tiếng đồng hồ cho trẻ lớp 1 và chắc chắn việc học thêm liên miên, dày đặc như thế này thì khó học sinh nào trụ nổi.
Đồng thời, việc cha mẹ để cho trẻ luyện đề đến 1-2h sáng là hiếm gặp.
Tuy nhiên, cô Tuyền thừa nhận, tình trạng trẻ tiểu học ở Hà Nội đi học thêm các môn khá phổ biến. Thậm chí, học sinh học thêm tất cả các buổi trong tuần hoặc cả cuối tuần vẫn diễn ra.
Chị Huy Thị Định, một giáo viên tiểu học khác ở Hà Nội chia sẻ, nhiều phụ huynh có quan niệm, học thêm là học toán, tiếng Việt và các môn học khác trong nhà trường. Còn học các môn ngoài chương trình như ngoại ngữ, nhạc, mỹ thuật, các môn phát triển thể chất như bóng rổ, bơi,… không phải là học thêm.
Cô Định cho rằng, nhiều học sinh đến các lớp học ngoại khóa hoặc giáo viên ngay sau giờ tan trường, chỉ kịp ăn vội trên xe rồi đến lớp.
"Có em học tiếng Anh 2 buổi/tuần, luyện chữ 1 buổi/tuần, học bơi 2 buổi với giáo viên/ tuần, học bóng rổ 2 buổi/tuần, học đàn 2 buổi/tuần, tổng cộng 9 buổi học ngoại khóa/tuần. Nhưng phụ huynh nói rằng cháu học không gì nhiều"- cô Định chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm nay con chị vào một trường tư có tiếng ở Hà Nội. Vì muốn cho con vào lớp “chọn” gồm các bạn học sinh giỏi, nên chị đã cho con học thêm suốt từ khi đi học hồi tháng 8 đến nay.
“Thực ra không ai áp lực cả mà chính là mong muốn của phụ huynh muốn cho con vào một lớp tốt, trường tốt nên ngay từ tiền tiểu học, con đã phải học thêm suốt tuần. Nếu không học nhiều thế này thì không thể vào được”- phụ huynh nói.
Chị Nguyễn Thị Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước năm học mới con chị chỉ học thêm môn duy nhất là tiếng Anh với 2 buổi nhưng ngày nào cũng phải hơn 10h tối mới đi ngủ.
"1 tuần con tôi có 2 buổi về nhà lúc hơn 8h tối vì học thêm tiếng Anh ở trung tâm xa nhà, những ngày còn lại về nhà vào 5h-6h chiều. Buổi tối, để làm hết bài tập cô giao, vì không tập trung, con thường mất 1-2 tiếng. Cháu viết chậm và viết sai nhiều nên giáo viên nhắc nhở, con áp lực một mẹ còn bị áp lực hơn”- chị Hoàng chia sẻ.
Cũng theo chị Hoàng, vào lớp 1 được một 1 tháng, hầu như ngày nào cháu cũng học đến 11h mới xong bài. Bài làm nhiều trên các ứng dụng học tập khác nhau nên bố mẹ phải ngồi cùng và hướng dẫn con. Có hôm, bố mẹ đi làm về muộn nên dạy học con muộn, phải lên đến 11h đêm. Tổng thời gian học ở trường lẫn ở nhà có khi lên đến 8-9 tiếng là có, nhưng không phải thường xuyên.
“Hiện tại, để giảm áp lực cho mình, tôi đành nhờ tìm giáo viên kèm thêm cho con vào những hôm không học thêm tiếng Anh. Hy vọng, con sẽ làm bài tập nhanh hơn và đỡ áp lực cho phụ huynh, giảm thời lượng con học liên miên từ lớp đến về nhà”- chị Hoàng chia sẻ.
“Kết quả giáo dục không thể chỉ đo bằng những bộ sưu tập huy chương”
PGS.TS Trần Thành Nam- Hiệu phó trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tính xác thực của câu chuyện cần được khẳng định. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, ông Nam cho rằng, chúng ta cần quan ngại về những vấn đề sau.
Thứ nhất, là vấn đề sức khỏe toàn diện của học sinh liệu có đang bị lạm dụng và bỏ quên bởi chính phụ huynh. Với độ tuổi của trẻ lớp 1, thời gian ngủ trung bình theo khuyến cáo của Y tế từ 7-9h/ ngày để phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Căng thẳng trường diễn và thiếu ngủ kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch và tinh thần của trẻ.
"Ngay chính nhà trường cũng phải giảm tải chương trình học theo tính tích hợp; tạo ra những quy định để quản lý việc học thêm, dạy thêm để bảo vệ học sinh khỏi sự quá tải do kỳ vọng của người lớn về thành tích học tập"- PGS Trần Thành Nam.
Ngoài ra, áp lực về thành tích và khối lượng học tập khổng lồ này cũng có thể gây ra lo âu, căng thẳng tâm lý, làm mất hứng thú và động lực học tập về lâu dài. Thứ hai, cần xác định lại mục tiêu giáo dục cho trẻ để trưởng thành trong thế giới hiện nay không phải là “giờ học dài” mà là “giờ học chất lượng”.
“Kết quả giáo dục không thể chỉ đo bằng những bộ sưu tập huy chương, giải thưởng mà phải là sự phát triển nhân cách toàn diện với các năng lực, phẩm chất để thích ứng với bối cảnh thay đổi của xã hội. Nó bao gồm cả những kỹ năng sống, năng lực cảm xúc xã hội, sức khỏe thể chất và tinh thần; là ước mơ, là khát vọng cống hiến, là trách nhiệm tự thân với các vấn đề của xã hội và cuộc sống”- ông Nam nói.
Ông Nam chia sẻ thêm, cha mẹ thay vì biến giáo dục trở thành cuộc đua khắc nghiệt với con cái, cần phải biến nó thành cuộc dạo chơi trong khu vườn kiến thức.
Khuyến khích các em tự học và tự định hướng khám phá thay vì bị ép như hiện nay. Phụ huynh cần nhận thức rõ được những hậu quả dài hạn của áp lực quá tải học tập đến sự phát triển toàn diện của con để tự điều chỉnh kỳ vọng của mình, đưa ra một lịch trình giúp con cân bằng giữa cuộc sống và học tập phù hợp với lứa tuổi.
Mặt khác, cha mẹ cần tự đấu tranh với những niềm tin khuôn mẫu của mình về “thành công” để đảm bảo con cái có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tham gia các hoạt động vui chơi, vận động thể chất và phát triển các kỹ năng mềm ngoài giờ học kiến thức qua đó giúp trẻ phát triển toàn diện: khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần và giỏi về các kỹ năng sống.
Ngay chính nhà trường cũng phải giảm tải chương trình học theo tính tích hợp; tạo ra những quy định để quản lý việc học thêm, dạy thêm để bảo vệ học sinh khỏi sự quá tải do kỳ vọng của người lớn về thành tích học tập. Chúng ta cần một cơ chế quản lý việc dạy thêm học thêm một cách minh bạch để bảo vệ các em.