Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023, 3 phương án được đề xuất
Sau 2 tuần Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến góp ý, tổng cộng có ba phương án nghỉ Tết được đưa ra: 7 ngày (từ 29 đến hết mùng 5/1); 8 ngày (từ 28 đến hết mùng 5/1, làm bù thứ bảy) và 9 ngày (từ 30 đến hết mùng 8/1).
Bộ Tài chính đề xuất nghỉ Tết 9 ngày
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất và góp ý về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính chọn phương án 9 ngày thay vì 7 ngày như các bộ Nội vụ, Giao thông Vận tải.
Theo cơ quan này, nghỉ từ 30 tháng chạp đến hết mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023) vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức chủ động có thêm thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng phương án dịp nghỉ Tết trong 7 ngày nhằm đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết Nguyên đán.
Đối với người lao động khác, cơ quan này lưu ý người sử dụng lao động, doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế để bố trí lịch nghỉ Tết Quý Mão và nghỉ Quốc khánh 2023. Phương án nghỉ của doanh nghiệp phải công khai ít nhất 30 ngày trước khi thực hiện.
Cơ quan này cũng khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng lịch nghỉ như công chức viên chức. Căn cứ Bộ luật lao động năm 2019, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào Tết Nguyên đán hoặc Quốc khánh 2-9 được hưởng ít nhất 300% lương, chưa bao gồm tiền lương làm việc ngày này.
Như vậy, sau hai tuần Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến góp ý, tổng cộng có ba phương án nghỉ Tết được đưa ra: 7 ngày (từ 29 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng); 8 ngày (từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng, làm bù thứ bảy) và 9 ngày (từ 30 tháng chạp đến hết mùng 8 tháng giêng).
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án mới nghỉ 8 ngày. Cụ thể, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ Tết từ thứ Năm ngày 19/1/2023 dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão); đi làm vào thứ Sáu ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 tháng Chạp) và làm bù thứ Bảy ngày 28/1/2023 dương lịch (tức ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Mão).
Theo Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thời gian nghỉ Tết là khoảng thời gian nghỉ rất quan trọng trong năm của đoàn viên, người lao động cũng như người dân nói chung. Để vui xuân, đón Tết, công tác chuẩn bị mua sắm Tết và nhu cầu di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác là rất lớn.
Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến phần lớn đoàn viên, người lao động đón Tết trong điều kiện hạn chế đi lại. Vì vậy, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ trước Tết dài hơn để chuẩn bị, di chuyển về quê, giảm áp lực giao thông.
Đối với nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Bộ Tài Chính đã chọn phương án 1 là nghỉ 2 ngày theo quy định, trong đó, nghỉ ngày 2 tháng 9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước ngày 2 tháng 9.
Công chức, viên chức được nghỉ từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023. Như vậy, với phương án này, dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 công chức, viên chức sẽ được nghỉ 4 ngày (bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 1 ngày nghỉ hằng tuần và 1 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động).
Việc lựa chọn phương án này, theo Bộ Tài chính sẽ phù hợp với điều kiện và thời gian nghỉ hài hòa, đảm bảo theo quy định, đồng thời tránh dịp nghỉ lễ Quốc khánh trùng với lịch khai giảng năm học mới vào ngày 5/9/2023.
Nghỉ Tết sớm không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho người lao động nghỉ Tết sớm 1 – 2 ngày sẽ có lợi hơn, giảm áp lực về giao thông, còn với doanh nghiệp cũng không tác động nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh…
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng, thực tế, kỳ nghỉ Tết chỉ có ý nghĩa nhiều với những người làm ăn xa xứ, người ở quê ra thành phố, người miền Bắc vào miền Nam lập nghiệp. Tết là dịp để họ về quê, tụ họp gia đình, gặp gỡ người thân bạn bè.
"Hai luồng di chuyển chủ yếu dịp Tết là từ thành thị về nông thôn và từ miền Nam ra miền Bắc. Số người ở quê đến thành phố lập nghiệp là rất lớn và số lao động từ Bắc vào Nam làm việc cũng rất đông. Nếu đến ngày 29, 30 âm lịch mới được nghỉ Tết thì e là sẽ gây áp lực quá lớn lên hệ thống giao thông vận tải. Bản thân người lao động cũng khó cảm thấy thoải mái khi 30 Tết mới về đến nhà, chẳng có nhiều thời gian chuẩn bị. Tôi cho rằng cần nghỉ Tết sớm hơn", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh chia sẻ.
Nếu cho nghỉ muộn quá, công nhân có thể tự xin nghỉ trước một vài ngày, doanh nghiệp cũng khó cản do tránh tranh chấp và tránh tình trạng lao động không trở lại nhà máy sau Tết.
Đồng tình với phương án nghỉ Tết sớm hơn từ 28 tháng Chạp, ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, lý giải nếu nghỉ sát Tết sẽ rất vất vả đối với người lao động, nhất là với những lao động xa quê. Ông Sinh cho rằng phương án cho người lao động nghỉ Tết sớm như đề xuất của tổ chức công đoàn là hợp lý, có lợi hơn cho người lao động. Việc nghỉ Tết sớm 1 - 2 ngày cũng không tác động nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước đó, lý giải về việc đưa ra phương án nghỉ Tết kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn thì chính các doanh nghiệp cũng muốn cho người lao động nghỉ Tết sớm.
“Nhiều chủ doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng nếu không cho người lao động nghỉ sớm, không về Tết được thì họ cũng không yên tâm làm việc. Như vậy, có thể còn gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.