Lịch sử đáng kinh ngạc của Concorde - chiếc máy bay có thể bay từ London đến New York chỉ trong 3 giờ

Tưởng tượng bạn chỉ cần vỏn vẹn 3 giờ để bay từ London đến New York, trong khi những chuyến bay thương mại thông thường phải mất gấp đôi thời gian. Đó chính là kỷ lục mà Concorde – chiếc máy bay phản lực siêu thanh – đã lập nên, một biểu tượng của sự tiến bộ vượt bậc trong ngành hàng không.

Máy bay Concorde thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 2/3/1969. Ảnh: ATI

Máy bay Concorde thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 2/3/1969. Ảnh: ATI

Bắt đầu phục vụ vào năm 1976, Concorde không chỉ mang lại tốc độ “không tưởng” mà còn là dấu ấn đỉnh cao của công nghệ và thiết kế. Bay cao hơn và nhanh hơn bất kỳ chiếc máy bay thương mại nào khác, huyền thoại Concorde không chỉ là một phương tiện giao thông, mà là một trải nghiệm của sự tinh túy, xa xỉ và không giới hạn. Hành trình của những chiếc máy bay này – từ những ngày đầu đầy thử thách đến đỉnh cao vinh quang – chính là câu chuyện của khát vọng chinh phục bầu trời.

Concorde bay nhanh đến mức hãng hàng không British Airways tự hào quảng cáo rằng hành khách có thể “đến trước khi bạn rời đi” – bởi chiếc máy bay này bay nhanh đến mức vượt qua cả sự thay đổi của múi giờ. Và trải nghiệm ngồi trên chiếc máy bay sang trọng, khách hàng sẽ phải chi trả khoảng 12.000 USD cho mỗi chuyến bay khứ hồi vào cuối những năm 1990.

Nhưng đáng tiếc, Concorde chỉ bay được 27 năm. Chiếc máy bay này đã nghỉ hưu từ năm 2003 và hiện chỉ có thể được tìm thấy trong các bảo tàng. Vậy điều gì đã xảy ra với những chiếc Concorde? Hãy khám phá lịch sử hấp dẫn của chiếc máy bay phản lực siêu thanh này!

Nhanh hơn tốc độ âm thanh

Màn hình trong cabin của Concorde hiển thị tốc độ của máy bay. Ảnh: Alamy

Màn hình trong cabin của Concorde hiển thị tốc độ của máy bay. Ảnh: Alamy

15 năm sau khi phi công Chuck Yeager phá vỡ rào cản âm thanh, Pháp và Anh đã hợp tác để phát triển một chiếc máy bay chở khách thương mại có khả năng bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Năm 1962, hai bên đã đạt được thỏa thuận chính thức và đặt tên cho dự án là “Concorde”, đánh dấu mối quan hệ hợp tác quốc tế lịch sử.

Dự án Concorde đã chứng minh thành công vượt trội so với phiên bản Tu-144 của Liên Xô. Được phát triển từ năm 1965, Concorde là kết quả của nỗ lực hợp tác giữa Sud Aviation (nay là một phần của Airbus) và British Aircraft Corporation. Chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 2/3/1969 tại Toulouse, Pháp. Một tháng sau, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Anh đã được thực hiện gần thành phố Bristol.

Buổi ra mắt chính thức của nguyên mẫu Concorde vào năm 1967. Ảnh: ATI

Buổi ra mắt chính thức của nguyên mẫu Concorde vào năm 1967. Ảnh: ATI

Phản ứng về chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Anh khá trái ngược. Mặc dù tờ New York Times ca ngợi những tính năng tiên tiến của Concorde, cùng khả năng bay từ New York đến London chỉ trong khoảng 3 giờ, nhưng họ cũng không quên nhận xét rằng “ngoại hình của Concorde khi cất cánh giống như một con ngỗng vụng về đang chạy trốn”.

Tuy nhiên, Concorde được kỳ vọng sẽ khiến cả thế giới phải kinh ngạc – nhưng chỉ khi bạn đủ khả năng chi trả chi phí hoạt động cho chiếc máy bay này.

Thời hoàng kim của Concorde

Chiếc máy bay Concorde cất cánh từ Sân bay Heathrow của Anh năm 1987. Ảnh: Wikimedia Commons

Chiếc máy bay Concorde cất cánh từ Sân bay Heathrow của Anh năm 1987. Ảnh: Wikimedia Commons

Concorde bay rất nhanh và có thể đạt đến những độ cao đáng kinh ngạc. Không chỉ cung cấp cho hành khách dịch vụ tuyệt vời, thiết kế của máy bay còn được ví như một tác phẩm nghệ thuật.

Khác biệt hoàn toàn so với những chiếc máy bay thông thường, Concorde sở hữu thiết kế độc đáo với thân máy bay mỏng, mũi cụp xuống đặc trưng và đôi cánh rộng, cong giống như tàu con thoi. Trang bị động cơ phản lực mạnh mẽ, Concorde có thể bay với tốc độ lên tới 2.173 km/h và đạt độ cao 18.000 mét. Dù cửa sổ trên Concorde khá nhỏ, nhưng chúng lại mang đến cho hành khách một tầm nhìn tuyệt vời, cho phép họ chiêm ngưỡng độ cong tuyệt đẹp của Trái đất.

Chỉ có 20 chiếc Concorde được sản xuất, và chúng chỉ được sử dụng bởi Air France và British Airways – hai hãng hàng không do nhà nước điều hành vào thời điểm đó, nên không có sự lựa chọn nào khác. Trong suốt 27 năm, Concorde chủ yếu thực hiện các chuyến bay từ New York đến London và Paris, đồng thời có thể băng qua Đại Tây Dương chỉ trong khoảng 3 giờ.

Vào cuối những năm 1990 và đầu 2000, giá vé khứ hồi của Concorde dao động quanh mức 12.000 USD (hơn 20.000 USD theo giá trị hiện tại). Dù mức giá này rất cao, nhưng đối với những hành khách giàu có, đó là một trải nghiệm xứng đáng. Họ không chỉ được thưởng thức trứng cá muối và rượu sâm panh trong chuyến bay ngắn mà còn có cơ hội trải nghiệm một hành trình ngắn đặc biệt, điều mà hầu hết mọi người chỉ có thể mơ ước.

Trong bài viết trên tạp chí Smithsonian năm 2004, mgười phụ trách bảo tàng Smithsonian Robert van der Linden đã kể lại trải nghiệm đầy ấn tượng của mình trên chiếc Concorde: “Giữa các chặng bay, tôi nhìn lên và thấy rằng chúng tôi đã đạt đến tốc độ Mach 2 - 2.173km/giờ, nhanh hơn tốc độ quay của Trái đất”.

“Chúng tôi đã ở trên độ cao dao động từ 15.850 đến 17.983 mét, cao hơn nhiều so với các phương tiện bay khác. Tôi nhận thấy rằng cửa sổ khá ấm và tôi có thể cảm thấy nhiệt tỏa ra từ thân máy bay, lớp vỏ nhôm của máy bay đã nóng lên tới hơn 120 độ C. Bầu trời phía trên chúng tôi có màu tím sẫm tuyệt đẹp”, Smithsonian nói thêm.

Cảnh quan từ máy bay Concorde. Ảnh: Wikimedia Commons

Cảnh quan từ máy bay Concorde. Ảnh: Wikimedia Commons

Vậy tại sao Concorde lại ngừng hoạt động sau 27 năm phục vụ?

Thảm kịch đáng tiếc

Concorde, chiếc máy bay siêu thanh huyền thoại, đã phải ngừng hoạt động vì những lý do không thể tránh khỏi.

Đầu tiên, chi phí vận hành quá cao. Mỗi chuyến bay tiêu tốn gần 26.500 lít nhiên liệu, một khoản chi phí mà ngay cả giá vé đắt đỏ cũng không thể bù đắp. Hơn nữa, nhiều chiếc Concorde không bay hết công suất, khiến cho việc duy trì hoạt động không còn hiệu quả.

Thứ hai, những chiếc máy bay này vô cùng ồn ào. Không khó để hiểu vì sao những chuyến bay chủ yếu giới hạn ở các thành phố cảng như New York, London và Paris. Khi Concorde phá vỡ rào cản âm thanh, nó tạo ra một tiếng nổ siêu thanh đủ mạnh để làm vỡ kính cửa sổ ở các tòa nhà dưới mặt đất.

Những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay 4590 của Air France. Ảnh: Wikimedia Commons

Những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay 4590 của Air France. Ảnh: Wikimedia Commons

Lớn, ồn ào và có tác động xấu đến môi trường, những dự báo không mấy lạc quan về Concorde đã bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 21. Và rồi, một thảm kịch đã xảy ra.

Ngày 25/7 /2000, chuyến bay số hiệu 4590 của hãng Air France, một chiếc Concorde, đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris. Toàn bộ 109 hành khách trên máy bay và 4 người trên mặt đất đều thiệt mạng.

Một cuộc điều tra của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau đó xác định nguyên nhân tai nạn là một mảnh kim loại nhỏ từ một máy bay khác, đã làm vỡ một lốp của Concorde. Mảnh kim loại này gây ra một vụ nổ ở bình nhiên liệu, khiến nhiên liệu rò rỉ và làm hỏng một trong những động cơ của máy bay.

Chuyến bay số hiệu 4590 của Air France là tai nạn duy nhất trong lịch sử của Concorde, nhưng vào thời điểm đó, máy bay siêu thanh này đã dần được coi là không còn bền vững. Concorde thực hiện chuyến bay thương mại cuối cùng vào ngày 24/10/2003, và những chiếc máy bay huyền thoại này, từng bay cao đến tầng bình lưu, giờ đây chủ yếu được trưng bày trong các bảo tàng.

Dù đã nhiều thập kỷ trôi qua, Concorde vẫn tiếp tục là một biểu tượng, là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ, sự tinh tế và sang trọng – một sản phẩm của một thời đại đã qua.

Ông Richard Quest của CNN, người đã có vinh dự bay trên Concorde 5 lần, chia sẻ: “Các tiếp viên hàng không yêu thích công việc trên chiếc máy bay này. Hành khách cũng cảm thấy đặc biệt khi ở trên đó. Bạn biết rằng mình là một phần của một nhóm rất nhỏ, những người đủ may mắn và đặc quyền để được trải nghiệm Concorde”.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/lich-su-dang-kinh-ngac-cua-concorde-chiec-may-bay-co-the-bay-tu-london-den-new-york-chi-trong-3-gio-20241220114152253.htm