Lịch sử hơn 100 năm cây cà phê đến với thủ phủ Đắk Lắk

Vào năm 1922, hơn một thập kỷ trôi qua thì từng đó năm cây cà phê được người phương Tây di thực đến vùng đất Đắk Lắk.

Với chiều dài hơn 100 năm lịch sử, cây cà phê khi bén duyên trên vùng đất đỏ bazan rộng lớn đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, trở thành thủ phủ của loại cây trồng này ở Việt Nam.

Hiện nay người dân đã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, hái chọn lóc trái chín để sản xuất cà phê đặc sản. Ảnh: Ngô Minh Phương

Hiện nay người dân đã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, hái chọn lóc trái chín để sản xuất cà phê đặc sản. Ảnh: Ngô Minh Phương

Địa chỉ đỏ của cây cà phê

Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được kết quả đó, ngành cà phê ở Đắk Lắk đã trải qua không ít thăng trầm.

Khởi đầu là vào năm 1922, người Pháp đặt ách thống trị xuống Đắk Lắk thì vùng đất đỏ bazan này nhanh chóng được phủ một màu xanh bạt ngàn cà phê. Đồn điền CADA là một trong những vựa cà phê lớn nhất thời bấy giờ với diện tích khoảng 2.000ha.

Ngày nay, đồn điền cà phê CADA là địa chỉ đỏ và rất dễ tìm thấy. Đồn điền CADA nằm ven Quốc lộ 26, từ thành phố Buôn Ma Thuột đi thành phố Nha Trang. CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagne Argicole D’Asie (Công ty Nông nghiệp Á Châu).

Theo tư liệu, CADA là đồn điền do Pháp lập nên trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương và tại tỉnh Đắk Lắk, là nơi hình thành nên giai cấp công nhân đầu tiên của tỉnh.

Vào tháng 5.1945, tại Đồn điền CADA đã xây dựng được chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí Phan Kiệm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, nguyên quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn) phụ trách.

Trong đó, chi bộ đã tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ nơi đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã được nhân rộng ra các đồn điền khác trong tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Đồn điền Cà phê CADA là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Phan Tuấn

Đồn điền Cà phê CADA là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Phan Tuấn

Một trong những dấu ấn đậm nét nhất là vào sáng 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban Cách mạng lâm thời của đồn điền.

Mặt khác, nơi đây ghi dấu sự ra đời và trưởng thành vững chắc của chính quyền Việt Minh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ở tỉnh Đắk Lắk.

Sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã sớm quan tâm đến việc phát triển cà phê. Ngày 12/11/1975, UBND cách mạng tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai ở các đồn điền, đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến tặng gần 2.000ha đất cà phê. Trên cơ sở đó thành lập cà phê Thắng Lợi, Ea hồ, 10-3, Đức Lập do Công ty Quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Đồng thời một loạt các công ty quốc doanh thuộc Trung ương quản lý cũng ra đời.

Từ sau 1986 nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương trồng mới, thâm canh rộng rãi cà phê trong nhân dân. Từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, Krông Pắk, Krông Năng và các huyện lân cận.

Ngày 26/1/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng công nhận Đồn điền Cà phê Cada là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nâng cao hiệu quả cho cây cà phê

Trong suốt lịch sử hơn trăm năm xuất hiện tại Việt Nam, cà phê đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước. Theo thống kê, khu vực Tây Nguyên hiện có hơn 603.000ha cà phê đang cho thu hoạch.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất toàn vùng với gần 210.000ha, chiếm 62,06% tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo công ăn việc làm cho hơn 500.000 người.

Trong bối cảnh lợi nhuận của cây cà phê không còn cao như trước thì các ngành chức năng và người dân đã và đang thực hiện chương trình tái canh cà phê hiệu quả. Tính lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011-2021 toàn vùng Tây Nguyên được hơn 166.579ha. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hơn 40 năm nay, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích hơn 200.000ha.

Theo Để đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất và phát triển ngành hàng cà phê, điều quan trọng nhất là phải tìm cách giảm chi phí đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần khai thác, phát triển các sản phẩm có giá cao hơn như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê có chứng nhận.

Chí Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lich-su-hon-100-nam-cay-ca-phe-den-voi-thu-phu-dak-lak-244927.html