Lịch sử kênh đào Panama và nước cờ táo bạo của Tổng thống Trump

Kênh đào Panama, tuyến đường biển huyết mạch kết nối hai đại dương quan trọng nhất là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, từng có vai trò then chốt giúp Mỹ trở thành cường quốc toàn cầu trong thế kỷ 20. Khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump coi việc giành lại quyền kiểm soát kênh đào này là ưu tiên hàng đầu.

Đại công trường đẫm mồ hồi và máu

Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là hai vùng biển đông đúc, sầm uất nhất thế giới, nhưng chỉ có hai hải trình tự nhiên kết nối hai đại dương này là tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi, điểm cực Nam của châu Phi) hoặc mũi Horn (Chile, điểm cực Nam của Nam Mỹ), kéo dài hàng chục ngàn km và tiêu tốn cả tháng lênh đênh trên biển. Đối với tàu bè xuất phát từ vùng Bắc Mỹ, tuyến đường ngắn nhất là đi qua mũi Horn.

Vị trí kênh đào Panama. Ảnh: Google/BBC

Vị trí kênh đào Panama. Ảnh: Google/BBC

Theo CNN, trong khoảng 3 thế kỷ từ thời điểm những người Hà Lan thực hiện hành trình đầu tiên qua tuyến đường này vào năm 1616, hơn 10.000 thủy thủ đã bỏ mạng cùng hàng ngàn con tàu, mà nhiều chiếc trong số đó đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Năm 1878, Colombia khi đó đang kiểm soát và coi Panama là một bang, ký thỏa thuận với Pháp để khởi công dự án xây dựng một con kênh chạy vắt ngang Panama, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, với tham vọng rút ngắn quãng đường và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, do thiếu máy móc và quản lý tài chính yếu, dự án của Pháp phá sản năm 1899 với tổn thất khổng lồ khi có đến 22.000 công nhân bỏ mạng vì tai nạn lao động, sốt rét, sốt vàng da và các bệnh nhiệt đới khác.

Phương tiện cơ giới được sử dụng để đưa vật liệu ra vào công trường xây kênh đào Panama trong thời kỳ xây dựng (1903-1914). Ảnh: GettyImages

Phương tiện cơ giới được sử dụng để đưa vật liệu ra vào công trường xây kênh đào Panama trong thời kỳ xây dựng (1903-1914). Ảnh: GettyImages

Pháp rút lui, nước Mỹ - quốc gia vừa chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha và đang đà mở rộng ảnh hưởng trên khắp Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe, nhìn thấy cơ hội và đề xuất tiếp tục dự án nhưng bị Colombia thẳng thừng từ chối. Tổng thống Mỹ khi đó là Theodore Roosevelt gây áp lực bằng cách đưa tàu chiến áp sát Panama từ cả hai bờ đại dương, đồng thời hậu thuẫn phong trào ly khai Panama khai khỏi Colombia.

Mỹ cũng soạn sẵn dự thảo hiến pháp để Panama công bố ngay khi tách rời khỏi Colombia, cho phép Mỹ “có quyền can thiệp vào bất cứ nơi nào ở Panama nhằm thiết lập hòa bình và trật tự”. Cuối cùng, Panama tuyên bố độc lập vào tháng 11/1903. Ngay sau đó, chính quyền mới ở Panama ký với Mỹ Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, với nội dung Washington trả Panama 10 triệu USD cùng khoản tiền thường niên 250.000 USD để toàn quyền tiếp cận dải đất rộng 16km vắt ngang Panama để đào kênh.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng kênh đào Panama. Ảnh: GettyImages

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng kênh đào Panama. Ảnh: GettyImages

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng kênh đào Panama. Ảnh: GettyImages

..

Trong 11 năm, hàng trăm ngàn người đã làm việc không ngừng nghỉ. Họ đào đất bằng cuốc xẻng, dùng mìn phá đá, ngăn sông thành hồ chứa nước, di dời hàng ngàn ngôi làng, tạo ra đại công trường lớn nhất lịch sử lúc bây giờ. Năm 1914, kênh đào Panama hoàn thành, dài 82 km, gồm nhiều cống ngăn kết nối với các hồ chứa để đưa tàu bè từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại, do Mỹ toàn quyền quản lý.

Tổng chi phí xây dựng kênh là gần 380 triệu USD, trở thành công trình xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm đó. Ngoài ra, số liệu chính thức cho thấy có thêm 5.600 người nữa chết khi xây dựng kênh từ 1903-1914, nâng tổng số người bỏ mạng tại đại công trường này lên tới gần 27.000. Chưa có bất cứ công trình xây dựng nào lại gây tổn thất lớn như thế về sinh mạng.

Bàn đạp giúp Mỹ mở rộng ảnh hưởng

Dù tổn thất, nhưng thành quả con kênh mang lại rất đáng kể. Kênh đào Panama được mô tả là một trong những thành tố giúp Mỹ mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ở thế kỷ 20. Về thương mại, kênh đào Panama đã “cách mạng hóa” ngành vận tải biển vì rút ngắn hơn 12.800 km trong quãng đường giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương theo tuyến qua mũi Horn, tương đương 22 ngày di chuyển. Nó giúp hàng hóa đến và đi hai bờ Đông, Tây nước Mỹ nhanh chóng và an toàn.

Chiến hạm USS Iowa của Mỹ di chuyển qua kênh đào Panama năm 1992. Ảnh: GettyImages

Chiến hạm USS Iowa của Mỹ di chuyển qua kênh đào Panama năm 1992. Ảnh: GettyImages

Ngày nay, khoảng 5% tổng thương mại toàn cầu “chảy” qua kênh đào Panama, phần lớn là hàng hóa đi lại giữa bờ Đông nước Mỹ sang châu Á. Khoảng 40% container của Mỹ đi qua kênh này và 74% hàng hóa đi trên kênh Panama tới hoặc đi từ Mỹ.

Ngoài ra, kênh đào giúp tàu hải quân của Mỹ di chuyển từ Đông sang Tây nhanh chóng. New York Times mô tả Mỹ có một “hải quân hai đại dương”, nghĩa là việc bố trí chiến hạm trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương được tính toán để đảm bảo chúng có thể nhanh chóng tiếp cận phía bên kia trong trường hợp khẩn cấp qua kênh Panama.

Trong Thế chiến II, kênh Panama trở thành tuyến đường phục vụ đắc lực của quân Đồng minh. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, vật tư phục vụ chiến sự của Mỹ được chuyển từ bờ Đông Mỹ qua kênh đào gần như mỗi ngày. Và ở giữa cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong Chiến tranh Lạnh, hàng ngàn binh sĩ Mỹ được huy động từ bờ Tây qua kênh đào để đến vùng Caribe. Suốt thế kỉ qua, hầu hết chiến hạm của Mỹ được thiết kế để đảm bảo đi qua được kênh đào Panama, ngoại trừ các tàu sân bay cỡ lớn.

Hàng dài tàu bè xếp hàng chờ vào kênh đào Panama. Ảnh: CFR/GettyImages

Hàng dài tàu bè xếp hàng chờ vào kênh đào Panama. Ảnh: CFR/GettyImages

Tuy nhiên, việc Mỹ đơn phương vận hành kênh đào Panama suốt 6 thập kỉ đầu tiên đã châm ngòi căng thẳng giữa hai bên. Các cuộc bạo loạn nhiều lần nổ ra ở Panama, đòi chính quyền Panama phải giành lại quyền kiểm soát con kênh từ Mỹ. Từ năm 1967, hai bên mở đàm phán về kênh Panama, trải qua một số biến cố, đến năm 1977 thì công bố hai hiệp ước, thứ nhất là Hiệp ước Trung lập Vĩnh viễn, cho phép Mỹ có quyền hành động để đảm bảo kênh đào luôn hoạt động và an toàn, và Hiệp ước Kênh đào Panama, ấn định Mỹ và Panama cùng quản lý kênh đào và Washington sẽ chuyển giao toàn quyền kiểm soát cho Panama tháng 12/1999. Ngày 31/12/1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã thực hiện đúng cam kết, trao lại con kênh cho Panama.

Tháng 12/1999, Mỹ trao lại kênh đào cho Panama. Ảnh: GettyImages

Tháng 12/1999, Mỹ trao lại kênh đào cho Panama. Ảnh: GettyImages

Trong 25 năm qua, dưới sự quản lý của Panama, kênh đào tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong dòng chảy thương mại quốc tế. Panama từ 2007 đến 2016 tiến hành một dự án mở rộng con kênh, giúp nó tiếp nhận tàu hàng cỡ lớn hơn. Năm 2024, doanh thu của kênh đào này là 5 tỷ USD, chiếm gần 5% GDP Panama. Các mặt hàng được vận chuyển chủ yếu qua kênh là kim loại, khoáng sản, dầu, ngũ cốc và hóa chất, chủ yếu là hàng hóa đến và đi Mỹ.

Panama đang tìm cách ứng phó với hạn hán để tránh tình trạng mực nước trên các hồ chứa và dòng kênh chính xuống thấp, khiến tàu bè khó qua lại.

Lựa chọn của Tổng thống Trump

Là quốc gia có lưu lượng hàng hóa đi qua kênh đào Panama lớn nhất, Mỹ phải trả hàng tỷ USD chi phí cho Panama mỗi năm. Sau khi thắng cử năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Panama tính phí một cách “vô lý” và “cắt cổ” đối với tàu bè Mỹ, bao gồm tàu quân sự, cho rằng việc Washington trao kênh đào này cho Panama là một sai lầm “ngu ngốc”, khẳng định Washington cần giành lại quyền kiểm soát nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc giành lại kênh đào Panama là một ưu tiên. Ảnh: iiss

Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc giành lại kênh đào Panama là một ưu tiên. Ảnh: iiss

Đầu tháng 1/2025, ông Trump cho biết, ông không loại trừ sử dụng biện pháp kinh tế và quân sự để đạt mục tiêu. Trong bài phát biểu đầu tiên khi nhậm chức sáng 21/1 (giờ Hà Nội), ông tái khẳng định việc đưa kênh Panama về dưới quyền kiểm soát của Mỹ là một ưu tiên. “Kênh đào Panama là một món quà mà không bao giờ nên được trao tặng; và lời hứa của Panama với chúng tôi đã bị phá vỡ. Mục đích của thỏa thuận và tinh thần của hiệp ước của chúng tôi đã bị vi phạm hoàn toàn”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng đưa ra con số gây tranh cãi, khi cho rằng 35.000-38.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng kênh Panama.

Theo giới quan sát, ngoài việc không hài lòng về mức phí, ông Trump có nhiều lí do để muốn kiểm soát kênh đào Panama, trong đó có mục tiêu đảm bảo nó không “rơi vào tay kẻ xấu” như ông từng nói; đồng thời giúp Mỹ nâng ưu thế trong cuộc cạnh tranh với dự án Vành đai và con đường của Trung Quốc và Tuyến đường biển Phương Bắc mà Nga thúc đẩy.

Trong các tuyên bố của mình, ông Trump chỉ trích Panama đã để Trung Quốc quản lý kênh đào. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc và Nhật Bản đứng sau Mỹ trong danh sách các nước có lưu lượng tàu bè đi qua kênh Panama, chiếm lần lượt 21% và 14%.

Tàu bè di chuyển qua kênh Panama. Ảnh: CCP

Tàu bè di chuyển qua kênh Panama. Ảnh: CCP

Panama bác bỏ cáo buộc của ông Trump, khẳng định họ đối xử công bằng với tất cả các tàu đi qua kênh Panama và rằng Trung Quốc không can dự gì vào việc quản lý con kênh. Tổng thống Panama Jose Raul Mulino sáng 21/1 tuyên bố đất nước ông đã quản lý kênh đào một cách có trách nhiệm và rằng kênh “sẽ tiếp tục là của Panama”.

Truyền thông Mỹ cho biết, ông Trump là người táo bạo nhất khi nói đến kênh đào Panama, nhưng không phải chính trị gia duy nhất tại Mỹ muốn giành lại con kênh.

Trong quá trình tranh cử, Tổng thống thứ 40 của nước Mỹ Ronald Regan, người đã chiến thắng áp đảo trước đối thủ Jimmy Carter (ông Carter ký hiệp ước trao kênh đào Panama cho Panama), khẳng định, Mỹ là “chủ sở hữu hợp pháp” của kênh đào Panama, bởi “chúng tôi đã mua nó, trả tiền cho nó và xây dựng nó”. Các thành viên đảng Cộng hòa trong nhiều thập kỉ cũng phản đối các hiệp ước mà Mỹ ký với Panama về việc trao lại quyền kiểm soát con kênh.

Hiện chưa rõ ông Trump giành kiểm soát kênh Panama bằng cách nào, nhưng chắc chắn đó là một bài toán không dễ. Ngoài kênh đào Panama, Mỹ rất cần quan hệ tốt đẹp với Panama, coi nước này là một “chốt chặn” quan trọng nhằm ngăn dòng chảy ma túy và người di cư trái phép từ phía Nam; còn Panama xem Mỹ là đồng minh quan trọng và lâu đời nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất.

Ông Trump được cho là sẽ sử dụng ưu thế về thương mại để gây sức ép lên Panama giống như với các đối tác khác, hoặc chi một khoản tiền để mua lại quyền kiểm soát con kênh, dù chưa rõ con số. Lựa chọn còn lại ít khả thi hơn là can thiệp quân sự. Theo truyền thông Mỹ, năm 1989, tức 10 năm trước khi Mỹ giao lại con kênh cho Panama, Washington đã tiến hành một cuộc can dự quân sự, đưa 27.000 binh sĩ Mỹ vào Panama để lật đổ chính quyền Manuel Noriega mà sau đó đã dẫn đến việc Panama phải giải giáp quân đội và chỉ duy trì một lực lượng bán quân sự quy mô nhỏ.

Thiết giáp Mỹ trên đường phố Panama năm 1989. Ảnh: J. Elliot

Thiết giáp Mỹ trên đường phố Panama năm 1989. Ảnh: J. Elliot

Dù thành công hay không, giới quan sát tin rằng, trước áp lực từ ông Trump, chính quyền Panama gần như chắc chắn sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ, ví dụ như giảm phí cho tàu bè Mỹ qua lại, bao gồm tàu quân sự. Ngoài ra, Panama cũng sẽ buộc phải cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi mở rộng hợp tác với các nước mà Mỹ coi là đối thủ, trong đó có Trung Quốc, quốc gia gần đây đầu tư rộng khắp ở Panama và trở thành nước có vốn đầu tư lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Rộng hơn trên phương diện quốc tế, bên nào kiểm soát kênh đào Panama khó có thể khiến dòng chảy thương mại tổng thể qua đây bị ảnh hưởng, nhưng các diễn biến gần đây sẽ thúc đẩy các bên tìm ra những con đường khác để vận chuyển hàng hóa giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Năm 2013, chính phủ Nicaragua từng ký một thỏa thuận với một công ty Trung Quốc để xây dựng một kênh đào xuyên qua quốc gia Trung Mỹ này. Dù kế hoạch đã bị hủy năm 2024, nhưng Nicaragua vẫn để ngỏ khả năng xây dựng kênh đào trong tương lai nếu có nhà đầu tư phù hợp.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/lich-su-kenh-dao-panama-va-nuoc-co-tao-bao-cua-tong-thong-trump-i757300/