Lịch sử không chỉ là ký ức
Hiểu về lịch sử không chỉ để tự hào mà còn để sống xứng đáng với những gì cha ông đã đánh đổi, để lịch sử không chỉ là ký ức.

Nhân dân Sài Gòn vui mừng trong ngày chiến thắng 30/4/1975 (ảnh tư liệu)
Ngày 30/4 năm ấy, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc, khi đất nước nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp, giang sơn thu về một mối. Trang sử hào hùng ấy, dù đã lùi xa nửa thế kỷ vẫn không hề mờ phai trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là chiến thắng của một chiến dịch quân sự mà là kết tinh của lòng yêu nước, của ý chí độc lập, tự chủ, là biểu tượng cao đẹp cho tinh thần quật cường của cả một dân tộc không bao giờ khuất phục trước bạo tàn.
Chiến thắng ấy là công lao của cả dân tộc, không phân biệt già - trẻ, Bắc - Nam, hậu phương - tiền tuyến. Đó là máu xương của hàng triệu người đã ngã xuống, là giọt nước mắt của mẹ già tiễn con ra trận không ngày trở về, là bao tháng năm cơ cực của nhân dân ta trong mưa bom đạn lửa vẫn kiên gan một lòng vì Tổ quốc. Đó còn là ý chí gang thép của những chiến sĩ trên đường hành quân, của những cô gái thanh niên xung phong xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mang theo tuổi xuân đẹp nhất để góp phần viết nên khúc hùng ca thống nhất.
Chiến thắng 30/4 không chỉ là chiến công của người Việt Nam mà còn là niềm tự hào chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, khi làn sóng đấu tranh chống thực dân, đế quốc dâng cao ở nhiều quốc gia, chiến thắng của Việt Nam đã tiếp thêm niềm tin cho các dân tộc bị áp bức trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, đất nước Việt Nam đã bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, vươn mình phát triển. Những thành tựu hôm nay chính là sự tiếp nối tinh thần 30/4 dũng cảm, đoàn kết và không ngừng vươn tới.
Chiến thắng ấy là sự hy sinh của bao lớp người đi trước, những người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, khi mộng ước còn dang dở. Họ ra đi không đòi hỏi một sự ghi công, không mong được nhớ đến bằng tên gọi mà chỉ khắc khoải một điều, đất nước phải độc lập, nhân dân phải tự do, con cháu mai sau phải được sống trong hòa bình và hạnh phúc.
Chính vì thế, mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay càng phải khắc ghi và biết ơn lịch sử. Dù có theo đuổi bất kỳ ngành nghề nào, dù sống nơi thành thị phồn hoa hay miền quê yên bình thì vẫn phải hiểu rằng gốc rễ của tất cả những điều đó là lịch sử, là máu xương, là mồ hôi nước mắt của cả dân tộc trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước.
Lớp trẻ hôm nay không sống trong thời chiến, không nghe tiếng súng bom, không thấy cảnh chia ly bi tráng nhưng lịch sử vẫn hiện diện trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Hiểu về lịch sử không chỉ để tự hào mà còn để sống xứng đáng với những gì cha ông đã đánh đổi. Đó cũng là cách để lịch sử không chỉ hóa thành ký ức mà luôn sống động, lan tỏa.
Chúng ta đã và đang tiếp nối con đường mà cha ông đã mở - con đường của độc lập, tự do và phát triển. Dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng với tinh thần đại thắng mùa xuân, với niềm tin sắt son vào sức mạnh dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế trên trường quốc tế như cách chúng ta đã làm cách đây 50 năm.
Tháng tư lại về. Trên những con đường rợp bóng cờ hoa, trong ánh mắt rạng ngời của những người lính già, trong từng câu chuyện lịch sử được kể lại cho thế hệ trẻ, chúng ta cảm nhận rõ ràng rằng mốc son 30/4/1975 mãi sống động trong từng nhịp đập của hiện tại.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ gìn và phát huy giá trị của chiến thắng ấy bằng lòng yêu nước, bằng sự đoàn kết, bằng khát vọng vươn lên và tinh thần tự cường dân tộc.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lich-su-khong-chi-la-ky-uc-409399.html