Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài 4: Vươn ra biển

Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên - 3 đô thị mang 3 vai trò riêng biệt: Trung tâm hành chính, cửa ngõ biên mậu và đô thị du lịch. Mỗi nơi một thế mạnh, nhưng khi kết nối lại tạo thành thế chân kiềng vững chắc, góp phần thúc đẩy Kiên Giang phát triển toàn diện. Những dự án lấn biển ở Rạch Giá, mở rộng hạ tầng giao thông ở Phú Quốc hay nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chính là những điểm nhấn định hình diện mạo mới cho vùng cực Tây Nam Tổ quốc.

THÀNH PHỐ, MỘT KHÁT VỌNG

Ai có thể ngờ nơi từng là một vùng đất sình lầy, nhỏ hẹp ngày xưa giờ đây TP. Rạch Giá đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò đầu não về hành chính, chính trị của tỉnh Kiên Giang. Rạch Giá hôm nay vừa là trung tâm chỉ đạo, điều phối mọi hoạt động phát triển của tỉnh vừa là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ quan trọng. Thành phố biển này giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng 9,41% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Trong chuyến công tác tháng 3-2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn xúc động thốt lên: “Rạch Giá đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những đô thị năng động nhất vùng Tây Nam bộ”. Đây là thành quả của cả một quá trình dài đầy nỗ lực của Rạch Giá.

TP. Phú Quốc - viên ngọc quý giữa biển khơi, nơi mà người Kiên Giang vẫn tự hào gọi là “đầu tàu kinh tế” của tỉnh trong nhiều năm qua. Thành phố đảo duy nhất của Việt Nam, nơi mỗi năm góp hơn một nửa ngân sách toàn tỉnh, đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế. Phú Quốc tăng trưởng sản xuất trung bình hơn 38% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2024, một con số khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng. Đón gần 6 triệu lượt du khách, thu ngân sách đạt gần 9.000 tỷ đồng trong năm 2024, Phú Quốc thật sự là một đầu tàu không thể thay thế.

Một góc TP. Rạch Giá nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH DƯ

Một góc TP. Rạch Giá nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH DƯ

Tại lễ công nhận đô thị loại I cho Phú Quốc vào tháng 3-2025, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu: “Chúng ta đang chứng kiến một đô thị biển, đảo vươn mình mạnh mẽ”, chúng tôi cảm nhận rõ niềm tự hào không chỉ của người dân nơi đây, mà của cả vùng đất Kiên Giang. Giờ đây, Phú Quốc còn đứng trước cơ hội “vượt sóng” lớn hơn khi được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2027. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc Trần Minh Khoa cho biết thành phố đã đi khảo sát các dự án, nhất là gấp rút mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vì quá tải. “Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch, xử lý vấn đề đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường thỏa đáng cho người dân để tạo quỹ đất sạch thực hiện mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc, vì đây được xem là cửa ngõ quan trọng để tổ chức thành công APEC 2027”, ông Khoa nói. Sau khi nâng cấp, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có thêm đường băng thứ hai dài 3,3km, nhà ga quốc tế, nhà ga VIP, bãi đỗ máy bay với 70 vị trí... Tất cả đang được chuẩn bị để đưa Phú Quốc lên tầm cao mới, xứng đáng với tầm vóc của một thành phố mang vai trò cửa ngõ quốc tế.

Không “bùng nổ” như Phú Quốc, cũng không sôi động như Rạch Giá, Hà Tiên chọn cho mình hướng đi riêng, chậm rãi, vững chắc và đầy bản sắc. Hà Tiên hôm nay đã trở thành đô thị loại III, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Nhưng hơn cả, thành phố này vẫn giữ được linh hồn của mình, nét đẹp vừa cổ kính vừa phóng khoáng, gắn liền với biên giới và biển, đảo. Với vị trí nằm ngay cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, trên trục hành lang ven biển phía Nam, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm thương mại, du lịch vùng biên, là điểm trung chuyển hàng hóa nối liền với Campuchia và khu vực ASEAN.

Kiên Giang đang đặt mục tiêu lớn, đến năm 2030, trở thành tỉnh có chất lượng sống cao, là trung tâm kinh tế biển của cả nước. Trong tầm nhìn ấy, Rạch Giá - Phú Quốc - Hà Tiên chính là tam giác động lực, 3 đô thị, với 3 vai trò riêng biệt nhưng luôn gắn bó, bổ trợ cho nhau. 3 thành phố, 3 nhịp sống, 3 sắc màu. Một Rạch Giá hiện đại, nhịp nhàng trong vai trò trung tâm điều phối. Một Phú Quốc bừng sáng giữa biển trời, vươn ra thế giới bằng du lịch và kinh tế biển, đảo. Một Hà Tiên sâu lắng, kiên định trên con đường trở thành đầu mối giao thương và du lịch vùng biên. Tôi gọi đó là “tam giác vàng”, không chỉ vì tiềm năng phát triển, mà bởi 3 thành phố ấy đang cùng viết nên giấc mơ chung, đưa Kiên Giang vươn mình ra biển lớn, vững vàng giữa sóng gió hội nhập.

LẤN BIỂN, MỞ LỐI RA KHƠI

Chiều buông trên đường Tôn Đức Thắng (TP. Rạch Giá), ánh hoàng hôn dát vàng mặt biển. Ông Trần Văn Sang, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá), vừa chạy bộ vừa chỉ tay về những dãy nhà khang trang, công viên ven biển và những quán ăn nhộn nhịp khách. Ông Sang nói giọng đầy tự hào: “Nơi này ngày xưa là lau sậy, sình lầy. Ai mà tin được hôm nay lại là khu đô thị sầm uất như vậy”.

Nhắc lại mốc thời gian năm 1999, ông Sang không giấu được xúc động. Khi ấy, giữa lúc Rạch Giá còn chật hẹp, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra một quyết định táo bạo, lấn biển để mở rộng đô thị. Với sự tham vấn của các chuyên gia, kỹ sư đầu ngành, dự án lấn biển được khởi công đầu năm 1999, mở ra một cột mốc lịch sử, khai mở một kỷ nguyên phát triển mới cho thành phố. “Lúc đó, thấy công nhân bắt đầu đắp kè, bơm cát, lấn dần ra biển, tụi tui còn bán tín bán nghi. Chuyện lấy đất lấp cả khu vực rộng lớn này tưởng như “dã tràng xe cát”. Nào ngờ chỉ vài năm, những con đường rộng, những dãy nhà khang trang, công viên ven biển... dần hiện ra từ nơi từng chỉ có sình lầy”, ông Sang nói.

Dự án lấn biển Rạch Giá chính thức khởi công năm 1999. Hơn 420ha mặt nước được bồi đắp thành đất liền, tạo dựng nên khu đô thị hiện đại đầu tiên “mọc lên từ biển” ở Việt Nam. Dự án không chỉ cung cấp chỗ ở cho khoảng 64.000 người mà còn tạo hàng ngàn việc làm, trở thành “mảnh đất hứa” cho những người mưu sinh, lập nghiệp. Từ khu lấn biển này, những hộ dân chuyển từ nghề nông sang dịch vụ, buôn bán, mở tiệm. Một nhịp sống đô thị hiện đại hình thành ngay trên vùng đất mới.

Không dừng lại ở thành công của dự án lấn biển đầu tiên, TP. Rạch Giá tiếp tục triển khai hàng loạt dự án lấn biển quy mô lớn như khu đô thị Phú Cường (khoảng 166ha), Phú Cường Hoàng Gia (68,6ha), khu đô thị Phú Quý (gần 100ha), khu đô thị Tây Bắc Rạch Giá (gần 100ha)... Những khu đô thị này không chỉ làm thay đổi diện mạo thành phố mà còn thu hút hàng chục ngàn cư dân về sinh sống, mở ra không gian sống hiện đại, tiện nghi. Dự án lấn biển Rạch Giá trở thành biểu tượng của quyết tâm “mở rộng về phía đại dương” của Kiên Giang, đồng thời là minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo tỉnh.

Tháng 3-2025, trong lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Rạch Giá là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá: “Công tác quy hoạch, phát triển đô thị TP. Rạch Giá đã đạt được những kết quả quan trọng. Dự án lấn biển đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Khu lấn biển rộng hơn 420ha không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn là biểu tượng đổi mới, sáng tạo, dám quyết, dám làm của địa phương”. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá Bùi Trung Thực, trong định hướng phát triển đến năm 2040, thành phố sẽ tiếp tục lấn biển mở rộng thêm 5 khu vực, với tổng diện tích 1.090ha. Ngoài ra, TP. Rạch Giá sẽ phát triển 3 khu vực đảo nhân tạo, với tổng diện tích lên tới 2.350ha, gồm khu đô thị thương mại, dịch vụ sân golf, khu đô thị dịch vụ - du lịch và khu vực sân bay

Sở hữu bờ biển dài hơn 200km và vùng biển nông, Kiên Giang có tiềm năng lớn để mở rộng diện tích đất thông qua các dự án lấn biển. Không chỉ Rạch Giá, tỉnh còn tiếp tục “mở đất” ở nhiều địa phương ven biển khác, trong đó có TP. Hà Tiên. Ngoài một số dự án lấn biển đang triển khai, theo quy hoạch đến năm 2040, Hà Tiên ngoài việc phát triển trên đất liền dự kiến sẽ lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực mặt biển rộng hơn 24.750ha nằm giữa xã đảo Tiên Hải và đất liền, trong đó phần diện tích lấn biển và đảo nhân tạo sẽ chiếm khoảng 11.300ha.

Tất nhiên, hành trình chinh phục biển không phải lúc nào cũng êm ả. Những lo ngại về môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái biển luôn là mối quan tâm thường trực. Nhưng dường như, thử thách càng lớn, khí phách và bản lĩnh của người Kiên Giang càng bộc lộ rõ nét. Với quy hoạch hợp lý, sự đồng thuận của người dân và các bài toán kỹ thuật được giải quyết, Kiên Giang đã biến điều tưởng chừng như viển vông thành hiện thực. Lấn biển, với người Kiên Giang không chỉ là chuyện “bồi đất lên biển” mà là hành trình đi tìm không gian sống mới, kiến tạo tương lai và một khát vọng vươn mình về phía đại dương.

TÚ LY

Bài 1: Ký ức một hành trình mở đất

Bài 2: Đổi thay từ ý chí vượt khó

Bài 3: Những công trình làm nên tầm vóc

Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/kien-giang-50-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-bai-4-vuon-ra-bien-26026.html