Lịch sử là lịch sử của đàn ông?
Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại trong mọi giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, trong xã hội Nho giáo thì lịch sử ít khi thuộc về phụ nữ mà phần lớn là thuộc về đàn ông.
Việc đàn ông chiếm hữu khái niệm “lịch sử” là một hiện tượng phổ biến giống y như việc đàn ông chiếm hữu, sử dụng phụ nữ trong nhiều nền văn hóa trải dài trong nhiều giai đoạn phát triển của loài người.
Ở khía cạnh chính trị, lịch sử là cách phát ngôn của phe chiến thắng thì ở khía cạnh giới, lịch sử và sử học là kênh phát ngôn của đàn ông - kênh phát ngôn của phái luôn chiếm thế thượng phong vì họ cho rằng mình là người có quyền phát ra những thông điệp của giới tính mình. Sự bất bình đẳng về giới trong xã hội đã phản chiếu thành sự chênh lệnh giọng nói giới tính trong hoạt động biên chép lịch sử.
Đếm nhanh tên tuổi của các sử thần trong một nghìn năm chép sử ở Việt Nam, chúng ta không hề thấy một nữ sử gia nào, khởi đi từ Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, cho đến Lê Hy, Lê Quý Đôn, Cao Xuân Dục, Đặng Xuân Bảng,...
Từ nửa sau thế kỷ XX, dần dà xuất hiện những nhà sử học phái yếu nhưng về cơ bản, khi lịch sử và sử học là một diễn trường của cánh đàn ông thì các nữ sử gia khi tham gia vào diễn trường này đều phải nương theo các đại tự sự do đàn ông kiến tạo. Bởi lẽ, đàn ông là một loại giống đực có tính chính trị, phụ nữ tham gia các thảo luận lịch sử ắt hẳn là cũng phải cùng tham dự những thảo luận chính trị của đàn ông, dù có thể đó là những đối thoại hay hòa âm trộn điệu.
Bỏ sách xuống, dừng việc đọc sách, ta thử ngó ra ngoài đường mà xem, các quán trà vỉa hè đầy rẫy các chuyện gẫu chính trị của các anh xe ôm, bốc vác, công chức nhà nước, còn chị em thì chỉ mải miết với chợ búa, dưa cà, lo lắng từng bữa ăn, từng manh áo. Họ rôm nhất là những lúc chia sẻ trải nghiệm shopping và buồn nhất là khi tâm sự về chuyện mấy ông chồng. Lịch sử chẳng nằm ở những sách vở giáo điều, lý thuyết này nọ mà hiển hiện trong từng khoảnh khắc thường nhật, trong nếp ăn nếp nghĩ hằng ngày.
Nhìn lại vào những trang sử bút, dáng hình của những người phụ nữ cũng khuất lấp nhạt nhòa, có khi còn tô vẽ, điểm trang. Họ chỉ được cánh sử thần đàn ông chép lại khi là vợ ông vua này, mẹ ông chúa kia. Và chỉ được đặt trang trọng trong những phần “liệt nữ” ở các bộ sử quan phương nhằm ca ngợi và minh họa cho chủ trương chính trị - đạo đức của triều đình.
Ví dụ, hình ảnh bà Dương Thái hậu thế kỷ X, vốn chỉ được chép bằng tước hiệu và tên họ của họ tộc đằng ông đằng cha (Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha). Bà được sử gia chép lại chỉ bởi bà là mẹ của phế đế Đinh Toàn, đồng thời lại là vợ của hai ông vua lẫy lừng: Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Hành động tự nguyện khoác áo long bào cho Lê Hoàn, dưới ngòi bút của sử thần Nho gia, là một biểu hiện của sự phản bội văn hóa gia tộc, đi ngược với quan niệm chính thống - tiết hạnh do cánh đàn ông dựng nên. Vì thế, bà bị bôi xấu, mắng mỏ, bị bêu riếu như là tấm gương tày liếp cho sự vi phạm đạo vợ chồng để nghìn đời soi chung.
Hay một ví dụ khác là nàng Mỵ Ê - vương phi của vua Chăm. Nàng đã phải quấn chăn trầm mình xuống sông tự sát để cự tuyệt lời mời chăn gối cùng vua Lý.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân”.
Chi tiết lịch sử này cho thấy, phụ nữ đã được sử dụng như là một thứ chiến lợi phẩm của đàn ông trong các cuộc chiến tranh. Phụ nữ không tồn tại như con người, mà chỉ là vật sở hữu trao truyền từ tay phe đàn ông này sang phe đàn ông khác. Những kẻ đàn ông thắng trận cho mình cái quyền sử dụng thân xác đàn bà của bên thua trận. Cứ thử tưởng tượng, vua Lý thấy Mỵ Ê tự tử, ông sai sử quan khen nàng là người có trinh tiết và phong cho mỹ hiệu để lập đền thờ.
Ở đây, nhìn từ góc độ chép sử, chúng ta thấy không có lời phê phán nào từ phía sử quan về hành động của vua Lý. Dường như, việc một hoàng đế cho vời phi tần của kẻ thất bại đến thị tẩm không vi phạm vấn đề hệ thống đạo đức hiện dụng của thời đại. Bởi trong những cơn can qua khói lửa, bên thắng trận nào cũng có quyền làm những việc như thế và họ coi đó là một việc bình thường.
Ta cũng biết, trong những lần đánh phá Thăng Long sau này, các vua Chăm cũng đã bắt không biết bao đàn bà con gái người Việt đem về Chăm Pa. Song sử liệu trên cũng cho thấy, vua Lý trước một cái chết oan khuất, có lẽ cũng đã rờn rợn bởi quan niệm ma oan ma trẻ - ma khỏe hơn thường nên đã lập tức phong thần cho nàng là phu nhân, và ban phong mỹ tự là “Hiệp Chính Hựu Thiện”. Mỹ tự có nội dung là mong muốn thần sẽ “cùng giúp sức phù hựu cho nền chính trị và các điều thiện lành”.
Tức là vua Lý (người gây ra cái chết) đang muốn thoát khỏi sự bám riết của một oan hồn báo oán (ác quỷ?) bằng cách đưa Mỵ Ê vào trong thần điện của triều đình chăng? Nếu thế, ông vua chẳng những có quyền đối với sinh mệnh người đang sống mà còn có quyền quản giám bách thần?
Lý do “trinh tiết” được đưa ra là nhằm ca ngợi cho chủ trương và chính sách đạo đức của triều đình dành cho phái nữ. Mỵ Ê, như thế, đã trở thành biểu tượng trinh tiết đầu tiên của phụ nữ được dựng nên trong dòng bút sử của cánh đàn ông. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy đàn ông đã chiếm hữu thân xác phụ nữ khi họ còn sống và tiếp tục sử dụng cả hình ảnh của họ sau khi chết để phục vụ cho quyền lợi và công tác chính trị của mình.
Một biểu hiện khác của hiện tượng “lịch sử là của đàn ông”, đó là trường hợp thông hôn chính trị. Thông hôn chính trị là một thủ pháp thường thấy trong lịch sử, khởi đầu từ thời Đinh - Tiền Lê, đến Lý - Trần, qua đến Lê - Trịnh và nhà Nguyễn sau này mà công cụ dùng để thông hôn chính là thân phận những người phụ nữ: từ Ngô Hoàng hậu, Đinh Công chúa, Huyền Trân Công chúa, đến Ngọc Khoa công nữ, Ngọc Hân Công chúa...
Sau khi tiêu diệt 500 con cháu nhà Ngô và các thứ sử nhà Ngô, ba bố con Đinh Bộ Lĩnh đã kết hôn với ba mẹ con Ngô Nhật Khánh. Đinh Bộ Lĩnh lấy Ngô Hoàng hậu, Đinh Liễn lấy Ngô Công chúa và Đinh Công chúa lấy Ngô Nhật Khánh.
Ở khía cạnh tích cực, Đinh Bộ Lĩnh đang cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở khía cạnh khác, ông đang dùng hôn nhân để phục vụ công tác chính trị. Ba bố con bên chiến thắng kết hôn với ba mẹ con bên chiến bại là một hình thức hợp lý hóa “tính chính thống” của bên thắng trận, nhằm xoa dịu mâu thuẫn trong nước và phục vụ công tác ngoại giao với nhà Tống.
An Vương Ngô Nhật Khánh (vua thứ tư nhà Ngô, cháu nội của Ngô Quyền, con trai Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn) sau khi đầu hàng đã trở thành phò mã nhà Đinh. Thực tế, ba mẹ con nhà Ngô là chiến lợi phẩm của nhà Đinh, dù có thể đã có thỏa thuận song phương.
Song ở đây, ta thấy ba thân phận phụ nữ của cả bên thắng lẫn bên thua đang được đàn ông sắp đặt trong cuộc chơi chính trị của mình. Họ hoàn toàn không tên tuổi, không có tiếng nói, cũng chẳng thấy tiếng khóc, tiếng kêu than.
Ngô Hoàng hậu chỉ hiện lên trong lý lịch phản bội của ông con Ngô Nhật Khánh khi ông này đem viện binh Chiêm Thành tấn công Hoa Lư và chết chìm ngoài của biển Đại Ác. Sử gia đời sau nhìn bà không phải với tư cách là nạn nhân của chiến tranh mà là nguyên nhân của sự phản quốc. Phò mã Ngô đã “đem voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn” bố vợ, thế thì mẹ Khánh được coi là “kẻ thù trong kẽ nách” của nhà Đinh (lời của Ngô Thì Sĩ).
Còn ở chiều ngược lại, Đinh Công chúa cũng chỉ là nạn nhân của cuộc hôn nhân chính trị cưỡng bức. Ngô Nhật Khánh, dù “bên ngoài cười nói như không” (chữ của Toàn thư), nhưng bên trong không quên mối thù dòng họ.
Nên đã đem Đinh Công chúa trốn đến cửa biển Nam Giới, cầm dao rạch mặt vợ mà nói rằng: "Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta".
Như thế, Đinh Bộ Lĩnh khi gả con gái cho Nhật Khánh nhằm “dập hết lòng oán vọng” của Khánh để phòng việc Khánh làm phản. Ông cũng đã tính toán nước cờ “hai đổi một” vì đã có thêm hai con tin giữ bên phía nhà Đinh (Ngô Hoàng hậu và Ngô Công chúa). Nhưng, Khánh đã bỏ mặc số phận của cả ba người phụ nữ này.
Trong những dòng bút sử, Đinh Công chúa bị rạch mặt mà không có một tiếng khóc than. Tương truyền, Ngô Hoàng hậu đã phải xuống tóc đi tu (nay là chùa Bà Ngô, Hoa Lư, Ninh Bình), còn Ngô Công chúa thì hoàn toàn biến mất khỏi dòng bút sử. Những nhát dao trên mặt Đinh Công chúa là một cách trả thù của Khánh dành cho Đinh Tiên Hoàng. Phá hủy dung nhan thực chất vẫn là việc đàn ông sử dụng thân thể của phụ nữ để trả thù những người đàn ông khác.
Có thể nói, trong những dòng sử bút của đàn ông, những gương mặt phụ nữ hiện lên nhạt nhòa và khuất lấp, không có họ cũng chẳng có tên, họ chỉ đính kèm cùng với chồng hoặc với con. Cơ thể của họ là của đàn ông, số phận của họ nằm trong tay cánh đàn ông, họ tồn tại hay không tồn tại đều là bởi đàn ông và vì đàn ông. Khi sống, họ chỉ là những nạn nhân của trò chơi chính trị và khi chết, trong khá nhiều trường hợp họ cũng chỉ là những biểu tượng đã được tô vẽ để đàn ông phụ họa cho mục đích chính trị của mình.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/lich-su-la-lich-su-cua-dan-ong-549246/