Lịch sử những lần đổi tên, chia tách, sáp nhập vùng đất Trà Vinh

Trước đây, vùng đất Trà Vinh còn được gọi là 'xứ Trà Vang'. Tên 'Trà Vang', mà dân gian thường gọi là 'T'rah - Păng'. Tên gọi ấy phản ảnh đặc điểm chính cảnh quan thuở xa xưa của một miền châu thổ mới bồi, ven sông, ven biển, có nhiều ao hồ...

Nghị định số 174/NĐ-51, ngày 27/6/1951 của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ (tư liệu từ Trung tâm lưu trữ quốc gia III)

Nghị định số 174/NĐ-51, ngày 27/6/1951 của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ (tư liệu từ Trung tâm lưu trữ quốc gia III)

Năm 1732, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu quyết định thành lập một đơn vị hành chính là dinh Long Hồ, thuộc phủ Gia Định. Lãnh thổ dinh Long Hồ là một vùng đất rộng mênh mông, trong đó có vùng đất Trà Vang.

Đến năm 1802, chúa Nguyễn Ánh xưng Hoàng đế, hiệu Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Vua Gia Long đã thực hiện việc sắp xếp và phân định lại các đơn vị hành chính trên toàn quốc; đổi Gia Định phủ thành Gia Định trấn. Lãnh thổ Gia Định trấn có 4 dinh và một trấn phụ, gồm: (1) Dinh Phiên Trấn; (2) Dinh Trấn Biên; (3) Dinh Vĩnh Trấn; (4) Dinh Trấn Định và trấn Hà Tiên. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc dinh Vĩnh Trấn.

Năm 1804, vua Gia Long đổi tên dinh Vĩnh Trấn thành dinh Hoằng Trấn. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc dinh Hoằng Trấn. Năm 1808, đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành, dinh Hoằng Trấn thành trấn Vĩnh Thanh. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1825, vùng đất Trà Vinh được vua Minh Mạng lập thành phủ Lạc Hóa, gồm hai huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ. Phủ Lạc Hóa lúc mới thành lập không thuộc trấn Vĩnh Thanh mà trực thuộc Gia Định thành.

Năm 1832, trấn Vĩnh Thanh được đổi tên là trấn Vĩnh Long. Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng bỏ chức Tổng trấn thành Gia Định, đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh (thường gọi là Nam Kỳ lục tỉnh), gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Phủ Lạc Hóa (gồm hai huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ) được sáp nhập thuộc tỉnh Vĩnh Long, trở thành một phủ của tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi đánh chiếm Vĩnh Long (20/6/1867), An Giang (22/6/1867), Hà Tiên (24/6/1867), Chuẩn đô đốc De la Gran-dìere, được cử làm làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ (25/6/1867).

Ngày 26/6/1876, De la Gran-dìere ra tuyên bố: kể từ nay, Triều đình Huế không còn quyền hạn gì đối với Nam Kỳ lục tỉnh, một chính quyền duy nhất tồn tại ở Nam Kỳ đó là chính quyền của người Pháp.

Tháng giêng năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Dupré ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (Circonscription administrative), gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc. Mỗi khu hành chính lớn đó lại chia thành nhiều khu vực hành chính nhỏ (arrondissement administratif), thường goi là tiểu khu. Trên cơ sở đó, khu vực hành chính lớn Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc). Tiểu khu Trà Vinh (arrondissement administratif de Tra Vinh) là tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này.

Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Doumer ký nghị định đổi tên gọi tiểu khu (arrondissement administratif) thành tỉnh (province). Từ đây, Nam Kỳ lục tỉnh cũ được phân chia lại thành 10 tỉnh mới; tỉnh Vĩnh Long được tách ra thành 3 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Nghị định này chính thức thi hành từ ngày 01/01/1900. Tên tỉnh Trà Vinh chính thức được sử dụng trên các văn bản tiếng Pháp là Province de Tra Vinh.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), thực hiện theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II, tháng 5/1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Trung ương Cục quyết định phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh với mục đích tạo cho mỗi tỉnh một chiến trường tương đối rộng lớn và có vùng căn cứ. Trên cơ sở đó, ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ban hành Nghị định số 174/NĐ-51 sáp nhập tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà.

Sông Long Bình (thành phố Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI

Sông Long Bình (thành phố Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI

Ngày 20/7/1954, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Tháng 10/1954, Bộ Chính trị ra Quyết định giải thể Trung ương Cục, thành lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Sau khi được thàn lập, Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy miền Tây quyết định tổ chức lại địa bàn các tỉnh. Tỉnh Vĩnh Trà được tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Đối với chính quyền ngụy, ngày 09/02/1956, ngụy quyền Sài Gòn ban hành Sắc lệnh số 16-NV lập tỉnh Tam Cần gồm hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh và hai huyện Trà Ôn và Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long. Đến ngày 03/01/1957, ngụy quyền ban hành Sắc lệnh số 3-NV/HC/NĐ đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình, đồng thời giải thể tỉnh Tam Cần, sáp nhập 3 huyện của tỉnh Tam Cần là Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Ôn và huyện Vũng Liêm của Vĩnh Long sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Bình.

Để lãnh đạo sâu sát cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy, Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy Khu Tây Nam Bộ cũng quyết định thành lập tổ chức bộ máy của tỉnh Tam Cần. Sau khi ngụy quyền giải thể tỉnh Tam Cần, ta cũng giải thể tổ chức bộ máy của tỉnh Tam Cần.

Ngày 20/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW “Về việc bỏ khu, hợp tỉnh”. Ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ra Quyết định số 349-QĐ/TW “Về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam” và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định Về việc giải thể khu, điều chỉnh hợp nhất tỉnh ở miền Nam. Theo đó, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh hợp nhất lấy tên là tỉnh Vĩnh Trà.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa VI, từ ngày 24/6 đến ngày 03/7/1976, Quốc hội quyết nghị đổi tên Vĩnh Trà thành tỉnh Cửu Long.

Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Cửu Long, tái lập lại hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh chính thức hoạt động từ ngày 05/5/1992. Tỉnh Trà Vinh thời điểm tái lập có 08 đơn vị hành chính gồm thị xã Trà Vinh và 07 huyện: Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Duyên Hải, với 76 xã, phường; có diện tích tự nhiên 2.363,03km², dân số 894.575 người, tỉnh lỵ là thị xã Trà Vinh.

Ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 934/NQ/UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải để thành lập thị xã Duyên Hải và 02 phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 3/2025, tỉnh Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính gồm: thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 07 huyện: Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Duyên Hải.

Ngày 28/02/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 127-KL/TW “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, trong đó có nội dung “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Như vậy, tới đây Trà Vinh thêm một lần sáp nhập với 01 hoặc 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh khác để hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính lần này theo chủ trương của Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Đồng thời, giúp tăng cường tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền; tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh chóng, thuận lợi hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Chúng ta tin tưởng với sự sáp nhập lần này, khu vực tỉnh Trà Vinh hiện nay trong đơn vị hành chính mới sẽ tiếp tục được Trung ương và lãnh đạo tỉnh mới quan tâm đầu tư phát triển để mang lại ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân tỉnh mới nói chung, khu vực Trà Vinh nói riêng.

TRẦN BÌNH TRỌNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/lich-su-nhung-lan-doi-ten-chia-tach-sap-nhap-vung-dat-tra-vinh-44656.html