Lịch sử Phật giáo Tích Lan (Sri Lanka) – Quốc đảo Phật giáo
Phật giáo ở Tích Lan không chỉ là một tôn giáo mà còn là bản sắc, một phần niềm tin không thể tách rời của dân tộc đất nước này.
Cư sĩ Phúc Quang dịch, tổng hợp
Phần I. Tổng quan
Sau khi Phật giáo được hình thành và phát triển tại Ấn Độ, quốc gia đầu tiên mà Phật giáo du nhập tiếp theo là Tích Lan, rồi tiếp tục sau đó, từ Tích Lan và Ấn Độ, Phật giáo mới tiếp tục lan truyền sang các quốc gia lân cận khác nhau như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc, các quốc gia khác ở Đông Á và Đông Nam Á.
Phật giáo được truyền sang Tích Lan một cách tự nhiên theo sự di cư bản địa, tinh thần của Phật giáo thâm nhập vào hệ thống tư tưởng con người thông qua những giáo lý đậm tính từ bi, trí tuệ, và đặc biệt là sự kiện giáo đoàn Phật giáo tới Tích Lan để truyền đạo, chính là bước ngoặt lớn tạo tiền đề cho Phật giáo trở thành tôn giáo chính thống và lớn mạnh nhất quốc đảo này.
1. Một vài nét cơ bản về Tích Lan
Tích Lan là tên Việt hóa, được sử dụng từ xưa của người Việt Nam. Đây là một quốc đảo có tên chính thức là Sri Lanka, đầy đủ là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka.
Quốc đảo này nằm ở Ấn Độ Dương, ngay phía nam của Ấn Độ, phía tây nam Vịnh Bengal và phía đông nam biển Ả rập. Vịnh Mannar và eo biển Palk ngăn cách đảo này với tiểu lục địa Ấn Độ. Phía bắc, cách khoảng 30 km từ bờ biển phía đông nam của Ấn Độ qua eo biển Palk và Vịnh Mannar. Phía đông, tây và nam, giáp với Ấn Độ Dương. Tích Lan nằm giữa vĩ độ khoảng 5°55' đến 9°51' Bắc và kinh độ từ 79°41' đến 81°53' Đông. Thủ đô hành chính của quốc gia này là Sri Jayawardenepura Kotte, thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế là Colombo.
2. Lịch sử hình thành loài người tại Tích Lan
Dấu mốc xuất hiện loài người tại vùng đất Tích Lan được các nhà nghiên cứu chỉ ra là có từ cách đây khoảng 120.000 – 130.000 năm, tức thuộc thời tiền sử, và đồ đá. Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ không đi sâu về quá lâu lịch sử loài người, mà chúng ta sẽ chỉ lật lại lấy dấu mốc từ khi vùng đất Tích Lan cổ được xác lập là có nền văn minh, văn hóa sinh hoạt.
Dấu mốc này không hoàn toàn chính xác nhưng được cho rằng là khoảng từ cách đây 10.000 năm, (tức vào đâu đó là năm 8.000 TCN – trước Công nguyên), các nhà nghiên cứu đã ghi nhận những dấu tích khai quật chứng minh rằng Tích Lan có thành lập các bộ lạc thời kỳ đồ đá, được biết đến với nền văn hóa gọi là “Balangoda”. Những bộ lạc này mới chỉ có săn bắt, hái lượm để sinh tồn, được coi là người Tích Lan bản địa.
3. Sự hình thành cấu trúc chính trị sơ khai
Trong khoảng những năm từ 8.000 TCN cho đến 3.000 TCN, vùng đất Tích Lan được ghi nhận là mang dấu ấn của sự phát triển từ đồ đá tới quá trình thành lập nhiều bộ lạc, cộng với sự xuất hiện của cộng đồng định cư, xây nhà, làm nông, chăn nuôi thủ công nghiệp sơ khai. Các nhóm cộng đồng này dần dần tổ chức thành những bộ lạc lớn, cộng đồng to hơn để bảo vệ và chia sẻ thức ăn cho nhau như một cách để giúp đỡ nhau có cuộc sống tốt hơn. Mô hình này, dần dần được lan rộng ra khắp cả đảo.
Chính yếu tố này, các bộ lạc bắt đầu nhận ra việc nguy hiểm nếu như mình ở cạnh những bộ lạc lớn hơn, và rồi sự liên kết để tạo ra liên minh nhằm tự bảo vệ mình, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn mối đe dọa từ bên ngoài. Sự liên minh này chính là tiền đề cho sự thành lập, thống nhất vương quốc sau này.
Sự phân tầng xã hội
Vào khoảng những năm 600 TCN, xã hội Tích Lan bắt đầu phân tầng, đã có sự nổi lên của những thủ lĩnh, những người đứng đầu liên minh, kiểm soát nguồn tài nguyên và có tham vọng giàu có hơn. Sự phân tầng này khiến cho xã hội bước vào giai đoạn hệ thống chính trị phức tạp hơn nữa.
Trong gian đoạn này, các thủ lĩnh bộ lạc, liên minh thể hiện quyền lực thông qua việc kiểm soát nông nghiệp, xây dựng các hệ thống kênh rạch để phát triển nông nghiệp, sự phân hóa gia tăng, nhu cầu quyền lực gia tăng, xã hội tiến tới giai đoạn cần một người đứng đầu, người có năng lực để phát triển chung cho toàn quốc đảo, đây là những bước đi đánh dấu quá trình hình thành các thành phố và cuối cùng là sự thống nhất tạo thành vương quốc.
4. Sự thành lập vương quốc Anuradhapura
Theo truyền thuyết và các tài liệu lịch sử như "Mahavamsa", vua Vijaya, một hoàng tử người Ấn Độ từ vương quốc Sinhapura (thuộc Ấn Độ ngày nay), đã đến Tích Lan vào khoảng năm 543 TCN. Ông và đoàn tùy tùng đã chiếm lấy vùng đất và thành lập thủ đô tại Anuradhapura, đặt nền móng cho vương quốc đầu tiên trên đảo.
Vijaya được coi là vị vua đầu tiên của Tích Lan, và ông cùng các hậu duệ đã cai trị vùng đất này trong nhiều thập kỷ. Dưới thời Vijaya và các vua kế vị, vương quốc Anuradhapura đã phát triển thành một trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo lớn.
Sự hình thành hệ thống cai trị vương quốc
Sự chuyển đổi từ chế độ bộ lạc sang chế độ vương quốc đồng nghĩa với sự phát triển của một hệ thống cai trị tập trung và cấu trúc nhà nước phức tạp hơn. Vua trở thành nhân vật trung tâm trong hệ thống này, với quyền lực không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt tinh thần và tôn giáo.
Các vua của Anuradhapura đã xây dựng nhiều công trình quan trọng, bao gồm các hệ thống thủy lợi phức tạp để hỗ trợ nông nghiệp, các đền chùa, và bảo tháp lớn. Họ cũng thiết lập các liên minh chính trị với các vương quốc láng giềng ở Ấn Độ và Đông Nam Á, mở rộng tầm ảnh hưởng của Tích Lan.
5. Tín ngưỡng, tôn giáo người Tích Lan cổ đại
(1). Thiếu vắng bằng chứng về tín ngưỡng tôn giáo
Không có nhiều bằng chứng rõ ràng và cụ thể về tôn giáo hoặc tín ngưỡng của người Balangoda (những cư dân bản địa/ cổ đại đầu tiên của Tích Lan). Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học và nhân chủng học đã đưa ra một số giả thuyết dựa trên các bằng chứng khai quật hang động và so sánh cùng thời điểm với những tộc người tiền sử nói chung trên thế giới và những tộc người tiền sử nói riêng xung quanh khu vực đó.
Các hiện vật khảo cổ từ thời kỳ Balangoda chủ yếu bao gồm các công cụ đá và xương động vật, nhưng không có các hiện vật tôn giáo rõ ràng như tượng thần, bàn thờ, hay các cấu trúc dành cho nghi lễ tôn giáo.
Điều này không có nghĩa là họ không có tín ngưỡng, mà có thể là các tín ngưỡng của họ không để lại những dấu tích vật chất rõ ràng, hoặc có thể các nghi lễ tôn giáo của họ không sử dụng đến các biểu tượng tôn giáo có thể dễ dàng nhận biết.
(2). Các nghi lễ chôn cất
Một trong những bằng chứng có thể gợi ý về tín ngưỡng của người Balangoda là các nghi lễ chôn cất. Một số bộ xương được tìm thấy trong tư thế nhất định, ngay ngắn, hoặc có những dấu vết cho thấy rằng họ có thể đã thực hiện nghi thức chôn cất ví như các bộ xương bị chôn vùi rất sâu, có vị trí chất chôn cất cách nhau một cách có sự tương đồng. Tập quán chôn cất có thể cho thấy họ có niềm tin vào thế giới bên kia hoặc ít nhất là có sự tôn trọng đặc biệt đối với người chết, một yếu tố thường gắn liền với các tín ngưỡng sơ khai.
(3). Tín ngưỡng tự nhiên
Dựa trên sự so sánh với các nhóm săn bắt hái lượm khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng người Balangoda có thể đã theo các tín ngưỡng tự nhiên, tôn thờ các yếu tố thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, các ngọn núi, sông ngòi, hoặc linh hồn của động vật.
Thờ cúng thiên nhiên
Người dân bản địa tại Tích Lan cũng tương tự như những người dân ở khu vực lân cận (đó là văn minh sông Ấn), họ không lý giải được những hiện tượng như mưa, lũ lụt, hạn hán, đói kém, mất mùa,… vì thế họ cho rằng có những vị thần quyền năng hơn con người, quyết định những việc đó. Vì thế mà như một bản năng tự nhiên, họ suy nghĩ tới việc phải thờ cúng để thần linh không hành hạ mình, và giúp đỡ mình có cái ăn, được sống,…Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng người dân bản địa Tích Lan cũng thờ các vị thần liên quan tới hoạt động cụ thể như nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, bảo vệ cộng đồng. Những vị thần này được coi là ảnh hưởng tới sự thành công và an lành của cuộc sống lao động.
Khả năng thiếu các nghi lễ phức tạp
Do lối sống săn bắt hái lượm và sự tập trung vào việc sinh tồn, người Balangoda có thể không phát triển các nghi lễ tôn giáo phức tạp như các nền văn minh nông nghiệp sau này. Các tín ngưỡng của họ, nếu có, có thể rất đơn giản và gắn liền với đời sống hàng ngày, vì lẽ đó mà những dấu tích để lại không thật sự rõ nét.
Tầm ảnh hưởng của các nhóm di cư sau này
Khi Vijaya cùng những người Ấn-Aryan đến Tích Lan khoảng năm 600 TCN, họ mang theo các tôn giáo và tín ngưỡng từ Ấn Độ, bao gồm Hindu giáo và là sự mở đường cho Phật giáo sau này. Điều này dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong tôn giáo và tín ngưỡng trên đảo, làm lu mờ hoặc thay thế các tín ngưỡng trước đó của người Balangoda.
Sự kiện Người Ấn – Aryan từ miền Bắc Ấn Độ di cư đến Tích Lan được xem như là một phần quan trọng của lịch sử hình thành văn hóa và xã hội tại quốc đảo này, không chỉ ở thời điểm đó mà tạo ra kết quả kéo dài tới tận ngày nay.
Nguyên nhân di cư tới Tích Lan: Xét về nguyên nhân của sự kiện người Ấn – Aryan tới vùng đất Tích Lan cũng tương đồng với nguyên nhân của quá trình di cư của người Aryan tới châu thổ sông Ấn khoảng năm 1.500 TCN.
Vì dấu mốc lịch sử là quá lâu, những bằng chứng không thật sự rõ nét, vì thế mà nguyên nhân của sự kiện này cũng được tách làm 2 luận điểm như sau:
(1) - Người Ấn – Aryan mở rộng và bành trướng lãnh thổ cho riêng mình, mang hơi hướng của sự xâm lăng, đồng hóa các chủng người.
(2) - Người Ấn – Aryan di cư một cách tự nhiên do nhu cầu về địa lý, dân cư đông lên, dân số cứ thế trải dài một cách bình thường mà không có chủ đích của sự xâm lăng.
Làn sóng di cư này bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 600 TCN, kéo dài tới tận khoảng cuối năm 200, đầu năm 100 TCN.
Theo sự ghi chép, hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng mở đầu cho làn sóng này không còn dấu ấn nào khác ngoài sự kiện vua Vijaya đặt chân đến Tích Lan (Khoảng năm 600 TCN).
6. Huyền thoại về vua Vijaya và sự thành lập vương quốc
Theo biên niên sử Tích Lan cổ xưa như "Mahavamsa" (Đại sử thi), vua Vijaya là người đứng đầu nhóm người Ấn-Aryan đầu tiên đến Tích Lan. Ông là con trai của một vị vua ở Bắc Ấn Độ (vùng Bengal hiện nay) và bị đày khỏi vương quốc của mình. Sau đó, ông và khoảng 700 người tùy tùng đến Tích Lan bằng thuyền.
Sự kết hôn với hoàng hậu Kuweni
Khi đến Tích Lan, Vijaya gặp và kết hôn với Kuweni, một phụ nữ thuộc một bộ tộc bản địa. Cuộc hôn nhân này tượng trưng cho sự hợp nhất giữa người Ấn-Aryan di cư và dân bản địa. Tuy nhiên, sau này Vijaya đã bỏ rơi Kuweni để kết hôn với một công chúa từ Ấn Độ, từ đó hình thành dòng dõi hoàng gia Sinhala.
Ngôn ngữ
Sự di cư của người Ấn-Aryan đã mang đến ngôn ngữ Prakrit, mà sau này phát triển thành tiếng Sinhala, ngôn ngữ chính của người Sinhala. Tiếng Sinhala chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ ngôn ngữ Ấn-Aryan và từ từ phát triển thành một ngôn ngữ độc lập với các đặc điểm riêng biệt.
Tôn giáo
Người Ấn-Aryan mang theo tín ngưỡng Vệ Đà, vốn thờ cúng các vị thần như Indra, Agni, và Varuna. Sự kiện Vua Vijaya tới Tích Lan được đánh dấu như một sự mở đường từ sớm để Phật giáo được truyền bá vào đây khoảng thế kỷ 3 TCN, sau này trở thành tôn giáo chính tại Tích Lan. Tuy nhiên, các yếu tố từ tín ngưỡng Vệ Đà vẫn còn tồn tại kể cả khi Phật giáo tới và hòa nhập với Phật giáo.
Hệ thống xã hội
Hệ thống xã hội của người Ấn-Aryan, đặc biệt là sự phân chia giai cấp, đã có ảnh hưởng lớn đến cấu trúc xã hội Tích Lan. Người Ấn-Aryan mang theo ý niệm về giai cấp tồn tại trong xã hội Ấn, theo tư tưởng Vệ - đà, Bà – la – môn áp đặt lên vùng đất này, rồi từ đó, sau này được điều chỉnh và thích nghi trong bối cảnh xã hội của Tích Lan.
Vương quốc đầu tiên, xã hội, văn hóa
Vương quốc Anuradhapura
Đây là một trong những thành tựu lớn nhất của người Ấn-Aryan tại Tích Lan, và vương quốc này được xem là một trong những vương quốc cổ đại đầu tiên trên đảo, vào khoảng thế kỷ 4 TCN. Vương quốc này trở thành trung tâm chính trị và văn hóa của Tích Lan trong nhiều thế kỷ, nối tiếng với các công trình kiến trúc như bảo tháp và hệ thống thủy lợi.
Người Ấn-Aryan đã mang theo các kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp phát triển nền kinh tế nông nghiệp và hệ thống thủy lợi phức tạp. Điều này góp phần vào sự phát triển của các đô thị và trung tâm văn hóa lớn tại Tích Lan. Người Ấn-Aryan đã tương tác với các nhóm dân cư bản địa. Mặc dù người Ấn-Aryan có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và xã hội Tích Lan, nhưng người bản địa vẫn giữ được nhiều yếu tố văn hóa của riêng họ. Sự hòa nhập giữa hai nhóm dân tộc góp phần hình thành một nền văn hóa đa dạng và phong phú tại quốc đảo này, tạo nên một nền văn hóa độc đáo của người Sinhala.
Di sản lớn nhất của sự di cư Ấn-Aryan là sự hình thành, phát triển của ngôn ngữ và văn hóa Sinhala, mà ngày nay vẫn là yếu tố chính của văn hóa Tích Lan. Nền văn hóa và tư tưởng Vệ đà, sau này là cả Phật giáo, được truyền bá từ Ấn Độ đã trở thành tôn giáo chính tại Tích Lan và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc văn hóa của người Sinhala.
Phần II. Lịch sử Phật giáo Tích Lan
1. Bối cảnh lịch sử và văn hóa
Trước khi Phật giáo chính thức được truyền bá mạnh mẽ tại Tích Lan, thì tại đây vẫn ảnh hưởng những yếu tố tâm linh, tôn giáo, hệ tư tưởng của Hindu, tinh thần Vệ - đà bởi sự di cư của người Ấn – Aryan khi mà Phật giáo chưa hình thành, hay như sự thiết lập vương quốc đầu tiên là do người Ấn Độ xác lập nên. Vì thế, mà người dân cũng chịu sự lưu truyền những tín ngưỡng đó một cách tự nhiên. Sự di cư của người Ấn – Aryan được cho là kéo dài xuyên suốt từ năm 600 TCN tới năm 100 TCN.
Tuy nhiên, về sau khi sự kiện các phái đoàn Phật giáo được cử sang Tích Lan vào khoảng năm 250 TCN (Cụ thể mốc thời gian ở đây được một vài tài liệu ghi chép là năm 247 TCN), thì Phật giáo mới được coi là chính thức xuất hiện tại đây, nhờ sự kiện giao hữu và lan tỏa Phật giáo đến từ quốc vương Ashoka của Ấn Độ.
2. Sự tiếp nhận Phật giáo tại Tích Lan
Vào khoảng năm 247 TCN, vị Hoàng tử Mahinda Thera, con trai của Hoàng đế Ashoka từ vương quốc Ấn Độ (người được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới việc mang tư tưởng Phật giáo tới Tích Lan) đã đến hòn đảo này để giao hữu, gặp gỡ vua Devanampiya Tissa của Anuradhapura (Thủ đô Tích Lan thời đó). Vị hoàng tử này khi ấy xuất gia làm một nhà sư Phật giáo, đến Tích Lan với trách nhiệm làm thực hiện chỉ thị của Vua Ashoka (đồng thời cũng là cha mình), vừa làm tròn bổn phận của một nhà tu hành, mang giáo lý của đức Phật Thích ca Mâu ni lan tỏa tới nhiều vùng đất mới.
Cuộc gặp gỡ này được cho là diễn ra trong bối cảnh vua Tissa đang trong một buổi lễ săn bắn, vị vua đã bị ấn tượng bởi lòng từ bi và trí tuệ của Mahinda. Chính vì lẽ đó, mà sau cuộc gặp gỡ này, vua Devanampiya Tissa chấp nhận Phật giáo như một hình thức được pháp luật nước này cho phép chính thống và lan truyền, phổ cập tôn giáo này trong nước.
3. Vài nét về triều đại Maurya và vua Ashoka
Triều đại này là phần quan trọng trong lịch sử Ấn Độ và Phật giáo
(1). Triều đại Maurya (321 - 185 TCN)
Triều đại Maurya được sáng lập bởi Chandragupta Maurya vào năm 321 TCN sau khi ông lật đổ triều đại Nanda. Chandragupta Maurya là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị tài ba, đã xây dựng một đế quốc rộng lớn bao gồm phần lớn Ấn Độ.
Triều đại Maurya là một trong những triều đại vĩ đại và mạnh mẽ nhất trong lịch sử Ấn Độ. Nó nổi bật với sự quản lý trung ương mạnh mẽ, cùng với các chính sách cải cách xã hội và kinh tế. Chandragupta Maurya đã củng cố quyền lực của mình bằng cách thiết lập một hệ thống chính trị chặt chẽ và tổ chức quân đội tinh nhuệ. Ông đã hợp nhất nhiều tiểu quốc thành một đế quốc thống nhất. Vua Bindusara, con trai của Chandragupta, tiếp tục chính sách của cha mình và mở rộng đế quốc. Ông duy trì sự hòa bình và ổn định trong triều đại.
(2). Vua Ashoka (268 - 232 TCN)
Thừa kế
Ashoka, con trai của vua Bindusara, lên ngôi vào năm 268 TCN. Ông là một trong những vua nổi tiếng nhất trong triều đại Maurya và trong lịch sử Ấn Độ nói chung. Ashoka nổi tiếng với việc chuyển đổi từ một nhà cai trị chiến tranh sang một nhà lãnh đạo hòa bình và nhân từ. Ông là một trong những nhà bảo trợ lớn nhất của Phật giáo và đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến Phật giáo không chỉ trong Ấn Độ mà còn ra ngoài biên giới quốc gia.
Biến cố dẫn tới việc Vua Ashoka trở thành vị "lãnh đạo hòa bình"
Trận chiến Kalinga diễn ra vào khoảng năm 261 TCN do tham vọng mở rộng lãnh thổ của Hoàng đế Ashoka, được ghi nhận là trận chiến quan trọng và nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, xảy ra giữa Hoàng đế Ashoka và vương quốc Kalinga (đây là một khu độc lập nằm ở miền Đông Ấn Độ, tương ứng với bang Odisha và một phần của Andhra Pradesh ngày nay).
Theo ghi chép, trận chiến để lại hậu quả với khoảng 100.000 binh lính, dân thường bị giết và hàng trăm nghìn người khác bị thương, hoặc bị bắt làm nô lệ, sau trận Kalinga, Ashoka cảm thấy hối hận về sự tàn phá và đau khổ gây ra trong cuộc chiến này. Ông quyết định theo Phật giáo và truyền bá các giá trị của Phật giáo trong vương quốc của mình.
Chính sách nhân đạo
Ashoka thực hiện nhiều cải cách xã hội và pháp lý dựa trên nguyên tắc của Phật giáo, bao gồm việc giảm bớt các hình phạt tàn nhẫn và thúc đẩy sự từ bi và khoan dung.
Các thạch bia và Stupa (Ngôi tháp thờ xá lợi)
Ashoka đã xây dựng nhiều stupa và các thạch bia để truyền bá các giáo lý của Phật giáo. Các thạch bia này, được khắc các lời tuyên thuyết của vua về đạo đức và pháp luật, là những tài liệu quan trọng về lịch sử, tôn giáo.
Các phái đoàn Phật giáo
Ashoka gửi các phái đoàn Phật giáo đến các quốc gia khác như Tích Lan, để truyền bá Phật giáo. Phái đoàn Phật giáo của Ashoka, dẫn đầu bởi Mahinda Thera.
Di sản và kết thúc triều đại
Ashoka được nhớ đến như một trong những nhà cai trị đáng kính và nhân đạo nhất trong lịch sử. Di sản của ông bao gồm không chỉ sự lan rộng của Phật giáo mà còn các chính sách nhân đạo và hòa bình. Sau cái chết của Ashoka vào năm 232 TCN, triều đại Maurya bắt đầu suy yếu. Sự suy yếu này dẫn đến sự phân chia và cuối cùng là sự sụp đổ của triều đại vào năm 185 TCN.
4. Vài nét về vua Devanampiya Tissa
Vua Devanampiya Tissa (cũng được gọi là Tissa hoặc Tissa Đại đế) là một trong những vị vua quan trọng nhất trong lịch sử Tích Lan. Ông trị vì từ khoảng năm 247 TCN đến 207 TCN, là vị vua thứ hai của triều đại Vijaya (triều đại đầu tiên của Vương quốc Anuradhapura).
(1). Bối cảnh lịch sử
Devanampiya Tissa là con trai của vua Mutasiva, người cai trị trước đó của Anurad - hapura. Ông lên ngôi sau khi cha mình qua đời. Vào thời điểm này, Tích Lan vẫn đang trong giai đoạn sơ khai của sự phát triển và chưa hoàn toàn định hình về mặt tôn giáo hay văn hóa.
(2). Quan hệ với Ấn Độ
Devanampiya Tissa nổi tiếng với mối quan hệ gần gũi với hoàng đế Ashoka Đại đế của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, Ashoka đã gửi sứ giả và thư tín đến Tích Lan, gọi Devanampiya Tissa là "người bạn yêu quý của thần linh". Đây là một bước ngoặt quan trọng vì Ashoka đã truyền bá đạo Phật khắp các vùng đất dưới quyền kiểm soát của mình, và mối quan hệ này đã giúp đưa đạo Phật vào Tích Lan.
(3). Di sản
Triều đại của Devanampiya Tissa được coi là một thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Tích Lan, đặc biệt là sự thiết lập đạo Phật như tôn giáo chính của quốc gia. Ông đã khởi đầu một truyền thống tôn giáo và văn hóa quan trọng kéo dài hàng thiên niên kỷ tại Tích Lan. Sau khi qua đời, ông được kế vị bởi anh trai là Uttiya, người tiếp tục chính sách và công trình của ông. Di sản của Devanampiya Tissa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa Tích Lan, đặc biệt trong việc thiết lập và củng cố đạo Phật trên đảo.
Phần III. Các sự kiện nổi bật của Phật giáo Tích Lan
1. Sự xây dựng các đền thờ và tu viện
Tu viện Phật giáo Thuparamaya
Được xây dựng bởi vua Devanampiya Tissa, được coi là tu viện đầu tiên được xây dựng tại Tích Lan.
Về sau này tu viện được xây dựng cho việc học tập của các tu sĩ, và cũng để bảo vệ một trong những xá lợi của Phật Thích ca Mâu ni.
Hai Tu viện Phật giáo Jetavanaramaya và Abhayagiriya: Cũng được xây dựng trong thời kỳ này, tạo ra một hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ cho sự phát triển học tập và thực hành Phật giáo.
Đền thờ Ruwanwelisaya
Đền thờ này được xem như một trong những sự kiện quan trọng, công trình Phật giáo vĩ đại nhất sau khi Phật giáo phát triển tại Tích Lan. Đền thờ này còn gọi là Mahathupa, xây dựng vào khoảng năm 140 TCN, bởi vua Dutthagamani (một số tài liệu ghi tên vị vua này là Dutugemunu), thuộc triều đại Anuradhapura.
Khi Đền thờ này được xây dựng, thì xá lợi của Phật Thích Ca Mâu Ni được lưu chuyển về đây thờ.
2. Sự hòa nhập Phật giáo với người dân bản địa
Khi Phật giáo du nhập vào Tích Lan vào thế kỷ III TCN, nó đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tín ngưỡng bản địa. Phật giáo thường hòa nhập với các truyền thống địa phương, dẫn đến sự hình thành của các phong tục và tập quán kết hợp. Tuy nhiên, nó cũng đã thúc đẩy thay đổi trong thực hành tôn giáo và xã hội, ảnh hưởng đến cách thờ cúng và các nghi lễ tôn giáo. Sự hòa nhập và điều chỉnh này đã tạo ra một nền tôn giáo đa dạng và phong phú, phản ánh sự kết hợp giữa Phật giáo và các tín ngưỡng bản địa của hòn đảo.
(1). Phật giáo thích nghi và hòa nhập với tín ngưỡng bản địa
Tích hợp các yếu tố văn hóa
Phật giáo không hoàn toàn thay thế các tín ngưỡng bản địa mà thay vào đó, chính là hòa nhập với các truyền thống địa phương. Ví dụ, nhiều yếu tố văn hóa và tôn giáo bản địa được tích hợp vào các nghi lễ Phật giáo, dẫn đến sự hình thành của các phong tục và tập quán Phật giáo đặc trưng của Tích Lan.
Một trong những nghi lễ nổi bật kết hợp tín ngưỡng bản địa và Phật giáo là lễ hội Kandy Esala Perahera. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Tích Lan, diễn ra hàng năm tại thành phố Kandy.
(2). Kandy Esala Perahera
Lịch sử và ý nghĩa
Lễ hội này bắt nguồn từ truyền thống tôn vinh Răng Phật (Dalada), một thánh tích quý giá của Phật giáo, được cho là răng của đức Phật. Thánh tích này được lưu giữ tại chùa Răng Phật (Sri Dalada Maligawa) ở Kandy. Bên cạnh yếu tố Phật giáo, lễ hội còn bao gồm các nghi lễ và vũ điệu truyền thống mang đậm tín ngưỡng bản địa Tích Lan.
Thời gian tổ chức
Kandy Esala Perahera diễn ra vào tháng Esala (tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch), kéo dài khoảng 10 ngày. Đây là thời điểm để cầu nguyện cho mùa màng bội thu và hòa bình cho đất nước.
Các nghi lễ chính
Lễ hội bao gồm nhiều đoàn rước kiệu long trọng, trong đó nối bật là đoàn rước kiệu Răng Phật. Các đoàn rước được dẫn đầu bởi các tu sĩ Phật giáo, tiếp theo là những người cưỡi voi, những vũ công, nhạc công, và những người biểu diễn các nghi lễ truyền thống. Một phần quan trọng khác của lễ hội là các nghi lễ cúng tế dành cho các vị thần bản địa như thần Kataragama.
Sự kết hợp tín ngưỡng
Kandy Esala Perahera là một minh chứng cho sự hòa quyện giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo. Trong lễ hội, ngoài việc tôn vinh Răng Phật, còn có các nghi lễ dâng cúng và cầu nguyện tới các vị thần Hindu và bản địa như Vishnu, Kataragama, và Natha. Điều này thể hiện sự đa dạng văn hóa và tôn giáo trong đời sống tâm linh của người dân Tích Lan.
Lễ hội này không chỉ là một nghi lễ tôn giáo, mà còn là một sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Các lễ hội Phật giáo đã được tổ chức bên cạnh các lễ hội tôn giáo bản địa, dẫn đến sự phát triển của các phong tục kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa.
(3). Thay đổi trong thực hành tôn giáo, và tác động tới xã hội
Thay đổi cách thờ cúng
Một số nghi lễ thờ cúng các yếu tố tự nhiên và tổ tiên được điều chỉnh để phù hợp với các giáo lý Phật giáo. Các thực hành truyền thống như dâng lễ vật và cầu nguyện được điều chỉnh để phản ánh các nguyên tắc của Phật giáo, như sự từ bỏ ham muốn và sự tập trung vào thiền định.
Sự xuất hiện của các đền, chùa Phật giáo
Các đền chùa Phật giáo thay thế một phần các cơ sở tôn giáo bản địa như miếu, điện thờ thần linh. Trước đó các miếu, điện này sẽ dùng để cầu xin thần linh. Những đền chùa này trở thành trung tâm cho các hoạt động tôn giáo và cộng đồng, và các nghi lễ Phật giáo đã dần thay thế các nghi lễ bản địa ở một số khu vực, họ bắt đầu tụng kinh Phật, tổ chức các lễ cúng dường.
Ảnh hưởng đến xã hội và văn hóa
Phật giáo đã thúc đẩy một số cải cách xã hội, chẳng hạn như khuyến khích từ bỏ các nghi lễ tốn kém và tập trung vào việc thực hành trí tuệ và đạo đức. Điều này đã ảnh hưởng đến cách các nghi lễ tôn giáo được thực hiện và làm giảm sự chú trọng vào các thực hành tôn thờ tự nhiên.
Phật giáo đã đóng góp vào sự phát triển giáo dục và văn hóa tại Tích Lan, đưa ra các nguyên tắc và tri thức mới, và ảnh hưởng đến văn học, nghệ thuật, và kiến trúc. Các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật Phật giáo đã kết hợp các yếu tố bản địa, tạo ra một nền văn hóa đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, ở một số khu vực, vẫn có sự xảy ra phản đối, xung đột giữa các tín ngưỡng bản địa và Phật giáo. Một số cộng đồng có thể đã cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi và cạnh tranh giữa các hệ thống tôn giáo
Bên cạnh đó thì cũng có một số tín đồ bản địa đã điều chỉnh tín ngưỡng của mình để kết hợp các yếu tố Phật giáo, tạo ra các hình thức tín ngưỡng lai tạp. Điều này dẫn đến sự phát triển của các phong tục và nghi lễ mới kết hợp cả Phật giáo và tín ngưỡng bản địa.
(4). Học viện, tu viện Phật giáo và Viện Nghiên cứu
Sự du nhập của Phật giáo vào Tích Lan đã dẫn đến việc thiết lập các tổ chức tôn giáo, như các hội đồng tăng đoàn, để duy trì các giáo lý và thực hành của Phật giáo. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển Phật giáo tại đây.
Trong suốt thời kỳ Anuradhapura, các học viện Phật giáo và trung tâm Nghiên cứu được thành lập, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo các nhà sư cũng như truyền bá giáo lý Phật giáo.
Các Học viện Phật giáo nổi tiếng như Mahavihara, Abhayagiri – Vihara, Jetavanaramaya trở thành những địa điểm trung tâm học tập có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn.
Phật giáo đã tác động đến cấu trúc xã hội của Tích Lan. Các giá trị của Phật giáo, như lòng từ bi, khoan dung, sự vô ngã, đã ảnh hưởng đến các quy tắc đạo đức và xã hội. Sự thực hành Phật giáo cũng đã dẫn đến việc phát triển các lễ hội, nghi lễ, và phong tục tập quán tôn giáo.
Phật giáo đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống chính trị của Tích Lan. Các vua và triều đại tiếp theo thường xuyên bảo trợ và xây dựng các cơ sở tôn giáo để củng cố quyền lực và thể hiện sự ủng hộ đối với Phật giáo.
(5). Nghệ thuật Phật giáo và sáng tác văn học
Phật giáo đã góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật và kiến trúc tại Tích Lan. Các công trình kiến trúc như “Stupa”, chùa chiền, và các tượng Phật đã trở thành những biểu tượng văn hóa và tôn giáo quan trọng. Phật giáo cũng đã ảnh hưởng đến văn học và triết học tại Tích Lan. Các tác phẩm văn học và học thuật, bao gồm các bài viết về giáo lý Phật giáo, đã được phát triển và truyền bá rộng rãi trên toàn đảo.
3. Phật giáo và các triều đại cổ đại của Tích Lan
(A). Triều Đại Anuradhapura (377 TCN – 1017 CN)
Triều đại Anuradhapura là một trong những triều đại cổ đại nổi bật nhất ở Tích Lan và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo.
(A.1). Giai đoạn đầu (377 TCN - 247 TCN)
Vua Devanampiya Tissa (247 - 207 TCN)
Vua Tissa là một trong những nhà bảo trợ đầu tiên của Phật giáo tại Tích Lan. Sau khi tiếp nhận Phật giáo từ Mahinda Thera vào khoảng năm 247 TCN, ông đã hỗ trợ xây dựng các cơ sở tôn giáo và tạo điều kiện cho sự phát triển của Phật giáo. Các công trình quan trọng bao gồm Stupa Thuparamaya, nơi lưu giữ xá lợi của Phật Thích Ca, và các tu viện như Mahavihara,… đều được thực hiện trong triều đại của ông.
(A.2). Giai đoạn thế kỷ I - II CN
Vua Dutthagamani (101 - 77 TCN)
Vua Dutthagamani, còn được gọi là Dutugemunu, là một trong những vị vua vĩ đại của triều đại Anuradhapura. Ông đã tiếp tục bảo trợ Phật giáo và xây dựng nhiều công trình tôn giáo lớn. Đền thờ Ruwanwelisaya, một trong những stupa lớn nhất và quan trọng nhất tại Tích Lan như đã nói ở trên, được xây dựng dưới triều đại của ông. Vua Dutthagamani cũng hỗ trợ việc duy trì và phát triển các tu viện và học viện Phật giáo.
Vua Valagamba (103 - 89 TCN và 88 – 76 TCN)
Vua Valagamba (còn gọi là Vattagamani Abhaya) là một nhà bảo trợ khác của Phật giáo, nổi tiếng với việc khôi phục các cơ sở Phật giáo sau khi bị xâm lược. Ông đã xây dựng và tôn tạo nhiều stupa và tu viện, bao gồm Abhayagiriya, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thời kỳ này.
(A.3). Giai đoạn thế kỷ III - V CN
Vua Mahasena (274 - 301 CN)
Vua Mahasena nổi tiếng với việc xây dựng Jetavanaramaya, một trong những stupa lớn nhất ở Tích Lan. Ông là một trong những nhà bảo trợ lớn của Phật giáo trong thời kỳ này và cũng đã tài trợ cho nhiều công trình khác như các tu viện và học viện.
(B). Triều Đại Polonnaruwa (1056 - 1232 CN)
Triều đại Polonnaruwa kế thừa và phát triển mạnh mẽ các truyền thống Phật giáo từ thời kỳ Anuradhapura.
Vua Parakramabahu I (1153 - 1186 CN)
Vua Parakramabahu I là một trong những nhà bảo trợ lớn của Phật giáo trong triều đại Polonnaruwa. Ông đã xây dựng nhiều công trình tôn giáo, bao gồm các stupa, chùa chiền, và tu viện. Ông cũng đã tổ chức các buối lễ tôn vinh Phật giáo và hỗ trợ các học viện Phật giáo.
Vua Parakramabahu I cũng thực hiện các cải cách trong việc duy trì và bảo vệ các cơ sở Phật giáo. Ông đã khôi phục các công trình bị hư hại và tổ chức các sự kiện tôn giáo lớn để củng cố ảnh hưởng của Phật giáo.
Phần IV. Khủng hoảng và tái sinh của Phật giáo Tích Lan
1. Thách thức từ các cuộc nội chiến, xâm lược và tôn giáo, xã hội
Các cuộc nội chiến và xung đột nội bộ
Các cuộc xung đột chính trị nội bộ và các cuộc chiến tranh kế vị đã làm suy yếu sự ổn định trong triều đại Anuradhapura. Những cuộc chiến này thường xuyên dẫn đến sự gián đoạn trong việc duy trì và phát triển các cơ sở Phật giáo. Sự thay đổi trong quyền lực và chính trị đôi khi dẫn đến việc các vua mới không tiếp tục bảo trợ Phật giáo như các vua trước đó.
Xâm lược từ các Vương quốc Ấn Độ: Khoảng đầu Công nguyên
Trong những năm đầu tiên Công nguyên, Tích Lan đối mặt với các cuộc xâm lược từ các vương quốc Ấn Độ, đặc biệt là từ vương quốc Chola. Những cuộc xâm lược này không chỉ gây ra sự hủy hoại về vật chất mà còn làm gián đoạn các hoạt động tôn giáo và phá hoại các cơ sở Phật giáo. Ví dụ, vào khoảng năm 1017 CN, vua Rajendra Chola I của vương quốc Chola đã xâm lược và chiếm đóng Anuradhapura, gây ra sự tàn phá lớn cho các công trình Phật giáo và các học viện.
Khủng hoảng từ các thay đổi xã hội và tôn giáo
Sự thay đổi trong chính sách tôn giáo
Trong một số thời kỳ, các vua đã thay đổi chính sách tôn giáo, dẫn đến sự suy giảm hỗ trợ cho Phật giáo. Ví dụ, dưới triều đại của vua Kashyapa (473 - 491 CN), mặc dù ông xây dựng nhiều công trình kiến trúc, nhưng chính sách của ông đôi khi không ưu tiên cho các cơ sở Phật giáo, dẫn đến sự giảm sút trong tài trợ và bảo trì.
Xung đột giữa các trường phái Phật giáo
Trong thời kỳ Anuradhapura, có sự chia rẽ giữa các trường phái Phật giáo. Những xung đột này thường xuyên dẫn đến tranh chấp về tài sản, quyền lực, và sự bảo trợ, ảnh hưởng đến sự phát triển và duy trì các cơ sở tôn giáo. Các cuộc xung đột này đôi khi dẫn đến việc phá hoại và hủy hoại các công trình Phật giáo.
Khủng hoảng kinh tế và xã hội
Sự suy giảm về kinh tế và tài chính đã ảnh hưởng đến khả năng duy trì và phát triển các cơ sở Phật giáo. Trong một số thời kỳ, sự khan hiếm tài nguyên và thiếu hụt ngân sách đã dẫn đến việc không đủ kinh phí để bảo trì và xây dựng các công trình tôn giáo.
Khủng hoảng trong quản lý và bảo trì
Việc quản lý và duy trì các cơ sở Phật giáo lớn như stupa và tu viện đã gặp khó khăn cả về mặt tài chính lẫn sự ổn định xã hội. Những thách thức trong việc duy trì các công trình kiến trúc, tổ chức các lễ hội tôn giáo, và đảm bảo rằng các giáo lý Phật giáo được thực hành đúng cách là một phần của khủng hoảng trong quản lý.
Hủy hoại và suy giảm
Trong một số thời kỳ, các công trình Phật giáo đã bị hủy hoại bởi các cuộc xâm lược, thiên tai, hoặc sự thiếu kiểm tra bảo trì. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm về mặt vật chất và tinh thần trong các cơ sở Phật giáo.
Phật giáo ở Tích Lan đã phải đối mặt với nhiều thách thức và khủng hoảng trong các triều đại cổ đại. Những khó khăn này bao gồm cả sự xâm lược từ nước láng giềng, xung đột chính trị nội bộ, sự thay đổi trong chính sách tôn giáo, khủng hoảng kinh tế, và các vấn đề trong quản lý, bảo trì các cơ sở Phật giáo.
2. Thời kỳ thuộc địa
(1). Thời kỳ thuộc địa Bồ Đào Nha (1505 - 1658)
Sự xâm lược và chiếm đóng: Người Bồ Đào Nha bắt đầu tiếp cận Tích Lan vào đầu thế kỷ 16 và thiết lập quyền kiểm soát ở miền tây của đảo quốc. Họ thành lập các cảng và căn cứ quân sự, đồng thời nỗ lực theo đuổi các chính sách cải cách tôn giáo.
Việc truyền bá Công giáo và sự kiểm soát của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã gây ra sự xung đột với các truyền thống tôn giáo bản địa, bao gồm Phật giáo.
Người Bồ Đào Nha đã tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của Phật giáo bằng cách phá hoại các cơ sở tôn giáo và áp đạt các chính sách thay đổi xã hội. Họ đã thực hiện một số cuộc tẩy chay và phá hủy các đền thờ Phật giáo và tượng Phật. Tuy nhiên, sự kiểm soát của Bồ Đào Nha chủ yếu tập trung ở miền tây và không ảnh hưởng lớn đến các khu vực khác của Tích Lan nơi Phật giáo vẫn tiếp tục duy trì.
(2). Thời kỳ thuộc địa Hà Lan (1658 - 1796)
Người Hà Lan thay thế người Bồ Đào Nha và tiếp tục cai trị các vùng đất cũ của Bồ Đào Nha tại miền tây Tích Lan. Người Hà Lan, mặc dù tiếp tục chính sách cải cách tôn giảo, có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc đối xử với các truyền thống tôn giáo địa phương so với người Bồ Đào Nha.
Dưới sự cai trị của Hà Lan, Phật giáo không phải chịu áp lực lớn như dưới thời Bồ Đào Nha. Mặc dù người Hà Lan vẫn duy trì chính sách cải cách tôn giáo, họ không thực hiện các cuộc tấy chay tôn giáo lớn như trước. Các cơ sở Phật giáo vẫn có thể duy trì hoạt động ở nhiều khu vực, tuy nhiên vẫn bị hạn chế hơn và cai quản, kiểm soát bởi chính quyền Hà Lan.
(3). Thời kỳ thuộc địa Anh (1796 - 1948)
Người Anh chiếm đóng Tích Lan (gọi là Ceylon thời kỳ thuộc địa) vào cuối thế kỷ 18 và duy trì quyền kiểm soát cho đến khi Tích Lan giành độc lập vào năm 1948. Trong thời kỳ này, chính quyền Anh thực hiện nhiều chính sách khác nhau ảnh hưởng đến các tôn giáo và văn hóa địa phương.
Thời kỳ thuộc địa Anh đánh dấu một thời kỳ khó khăn đối với Phật giáo tại Tích Lan. Chính quyền thuộc địa thường ưu tiên các tôn giáo khác, đặc biệt là Cơ đốc giáo, và hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Các tu viện và cơ sở tôn giáo đối mặt với tình trạng thiếu tài trợ và quản lý kém. Hơn nữa, việc giáo dục và các hoạt động tôn giáo bị ảnh hưởng bởi chính sách của chính quyền thuộc địa.
3. Tái sinh Phật giáo Tích Lan
(1). Phong trào tái sinh và cải cách (Cuối thế kỷ XIX - Đầu thế kỷ XX)
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đánh dấu sự hồi sinh của Phật giáo tại Tích Lan thông qua các phong trào tái sinh tôn giáo và cải cách. Các nhà lãnh đạo Phật giáo như Anagarika Dharmapala đã đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và làm sống lại các truyền thống Phật giáo tại Tích Lan.
Anagarika Dharmapala (1864 - 1933)
Anagarika Dharmapala là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong phong trào tái sinh Phật giáo tại Tích Lan. Ông đã thành lập Hội Tăng đoàn Maha Bodhi vào năm 1891 nhằm mục đích phục hồi và bảo tồn các di sản Phật giáo. Ông cũng là một người bảo trợ lớn cho việc xây dựng các công trình Phật giáo và thúc đấy giáo dục Phật giáo.
Phong trào khôi phục
Phong trào khôi phục đã tập trung vào việc xây dựng lại các cơ sở Phật giáo bị hư hại, khôi phục các nghi lễ tôn giáo, và bảo tồn các văn bản và di sản Phật giáo. Các tu viện và học viện đã được xây dựng lại hoặc cải tạo, và giáo dục Phật giáo trở lại được chú trọng.
(2). Cuộc Cải Cách và Hiện Đại Hóa (Giữa thế kỷ XX - Đầu thế kỷ XXI)
Vào giữa thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo Phật giáo tiếp tục thúc đẩy việc cải cách giáo dục và tổ chức các hoạt động tôn giáo. Nhiều học viện Phật giáo hiện đại và các cơ sở giáo dục đã được thành lập để cung cấp giáo dục tôn giáo và thế tục cho các thế hệ mới.
Sự gia tăng quốc tế hóa và các mối quan hệ quốc tế cũng góp phần vào sự tái sinh của Phật giáo. Các tổ chức Phật giáo quốc tế và các tu sĩ từ nước ngoài đã đến Tích Lan để hợp tác và hỗ trợ các dự án khôi phục, phát triển lại Phật giáo. Sự kết nối toàn cầu này đã giúp Tích Lan tái khẳng định vai trò quan trọng của mình trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.
Chính phủ Tích Lan sau khi giành độc lập đã công nhận vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống văn hóa và xã hội của quốc gia. Nhiều chính sách đã được thực hiện để bảo vệ và thúc đẩy các hoạt động Phật giáo, bao gồm việc hỗ trợ các cơ sở tôn giáo và tổ chức các lễ hội quốc gia.
Phần V. Phật giáo Tích Lan trong thời kỳ hiện đại
1. Tái khẳng định vai trò và phát triển
Sau độc lập (1948 - 1977)
Sau khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, Tích Lan đã chính thức xác nhận Phật giáo là tôn giáo chính của đất nước. Hiến pháp Tích Lan bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đồng thời công nhận sự ưu tiên đặc biệt cho Phật giáo trong đời sống văn hóa và chính trị của quốc gia.
Trong những năm đầu sau độc lập, các nỗ lực tái xây dựng và phục hồi các cơ sở Phật giáo đã được thực hiện. Các công trình tôn giáo bị hư hại trong thời kỳ thuộc địa và xung đột đã được trùng tu, và nhiều dự án xây dựng mới để củng cố ảnh hưởng của Phật giáo.
Các chính quyền sau độc lập đã thúc đẩy chính sách hỗ trợ Phật giáo, bao gồm việc tài trợ cho các cơ sở tôn giáo, cải cách giáo dục, và tổ chức các lễ hội tôn giáo. Các cơ sở giáo dục Phật giáo được mở rộng và các chương trình đào tạo tăng sĩ được củng cố.
2. Thế kỷ XXI - Hiện đại hóa và toàn cầu hóa
Trong thế kỷ XXI, Phật giáo Tích Lan đã gia tăng sự kết nối quốc tế thông qua các tổ chức Phật giáo toàn cầu và Tích Lan trở thành điểm đến quan trọng cho các nhà nghiên cứu, tăng sĩ, và du khách Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới. Sự hợp tác quốc tế đã giúp tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ cho Phật giáo tại Tích Lan.
Các tổ chức Phật giáo tiếp tục thực hiện cải cách và đổi mới trong giáo dục và hoạt động tôn giáo. Các học viện Phật giáo hiện đại đã được thành lập để cung cấp giáo dục tôn giáo cho các thế hệ mới. Sự chú trọng vào nghiên cứu Phật giáo và việc bảo tồn di sản văn hóa cũng là một phần quan trọng của sự phát triển hiện đại.
Các công trình được xây dựng, trùng tu và bảo tồn như một cách thức giữ gìn những nét đẹp nhất của Phật giáo tại đây, đồng thời mang tạo ra giá trị du lịch lớn trong thời đại mới.
(1). Các Tổ chức Phật giáo quan trọng
Mahavihara – Các Đại tự
Các Đại tự là khái niệm được sử dụng để nói đến những tu viện, tự viện, đền thờ lớn, có giá trị lịch sử truyền đời. Ở Tích Lan, các Đại tự vẫn là những dấu tích có vai trò to lớn trong việc truyền bá và duy trì Phật giáo trên hòn đảo này.
Hầu hết đại tự lớn của Tích Lan đều nằm ở Anuradhapura, một trong những thành phố cố kính và linh thiêng nhất của Tích Lan. Anuradhapura từng là thủ đô của Tích Lan trong hơn một nghìn năm và là trung tâm chính của hoạt động Phật giáo trên đảo.
Các Đại tự không chỉ là tu viện mà còn là một trung tâm học thuật, nơi tập trung các học giả, tu sĩ, và dịch giả. Các tu viện này ngày nay đã trở thành nơi biên soạn và bảo tồn nhiều tác phẩm kinh điển Pãli quan trọng của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).
Đại tự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan. Đây là nơi sinh sống của nhiều vị sư nối tiếng, những người đã góp phần vào việc truyền bá Phật giáo cả trong và ngoài lãnh thổ của quốc đảo này. Một số Đại tự tập trung vào việc duy trì truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, còn Abhayagiri Vihara và Jetavana Vihara có xu hướng tiếp nhận và kết hợp các yếu tố từ những tôn giáo và triết học khác cụ thể như dung hợp chung hài hòa với Phật giáo đổi mới, bên cạnh đó là bao gồm cả các tín ngưỡng bản địa.
Các Đại tự còn là trung tâm nghệ thuật và kiến trúc. Các công trình chùa, bảo tháp và các di tích khác tại Anuradhapura đều mang dấu ấn của Mahavihara, với phong cách kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo đặc trưng. Một trong những công trình nối bật nhất là Ruwanwelisaya, một trong những Đền thờ - Bảo tháp lớn và linh thiêng nhất của Phật giáo Tích Lan.
Các Đại tự của Tích Lan đã có tác động lớn đến Phật giáo không chỉ ở đời sống xã hội người dân trong nước mà còn ở các quốc gia khác theo Phật giáo Nguyên thủy. Nhiều thực hành, nghi lễ và giáo lý từ Đại tự Tích Lan đã được truyền bá sang các vùng khác, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo ở Đông Nam Á.
Mặc dù Đại tự Tích Lan từng trải qua thời kỳ suy tàn, không được tài trợ từ chính quyền, không được bảo trì, đặc biệt trong giai đoạn xâm lược từ ngoại quốc như Ấn Độ, nhưng sau đó nó đã được phục hồi và duy trì tầm quan trọng của mình. Hiện nay, khu vực thành phố Anuradhapura, bao gồm cả các Đại tự bên trong đó, là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và tiếp tục là một điểm đến hành hương và du lịch quan trọng ở Tích Lan.
Các Đại tự tại Tích Lan vẫn là biểu tượng của sự kiên định trong việc duy trì và phát triển Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các truyền thống Phật giáo cổ đại cho các thế hệ tương lai.
Buddhist Affairs Department (Bộ Sự vụ Phật giáo)
Bộ Sự vụ được thành lập để quản lý và điều phối các hoạt động liên quan đến Phật giáo trên toàn quốc. Bộ này phụ trách việc tài trợ cho các dự án tôn giáo, quản lý các cơ sở tôn giáo, và hỗ trợ các hoạt động giáo dục Phật giáo.
Bộ đã thực hiện nhiều chương trình nhằm bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo và hỗ trợ các tu viện, học viện. Các chương trình này bao gồm việc duy trì và phục hồi các di tích lịch sử, cũng như tổ chức các sự kiện tôn giáo và văn hóa để truyền bá giá trị đạo lý của đạo Phật cho các thế hệ tiếp nối.
(2). Các thách thức trong thời kỳ hiện đại
Tích Lan đã trải qua các xung đột dân tộc nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc nội chiến giữa chính phủ và lực lượng ly khai Tamil. Xung đột này đã ảnh hưởng đến cộng đồng Phật giáo và các cơ sở tôn giáo. Mặc dù xung đột đã kết thúc vào năm 2009, các vấn đề xã hội và chính trị vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo.
Phật giáo Tích Lan cũng phải đối mặt với sự thách thức trong việc duy trì quan hệ tốt với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế. Việc duy trì hòa bình và hợp tác quốc tế là quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của Phật giáo tại Tích Lan.
Một thách thức quan trọng là bảo tồn và duy trì di sản văn hóa Phật giáo, bao gồm các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc cổ. Sự suy giảm về tài trợ và tài nguyên có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo trì và phục hồi các công trình này.
Việc duy trì các phương pháp giảng dạy truyền thống trong khi đồng thời áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại cũng là một thách thức. Các học viện Phật giáo phải cân bằng giữa việc duy trì các truyền thống tôn giáo và đáp ứng nhu cầu của một thế hệ mới đang ngày càng trở nên hiện đại hơn.
3. Tỷ lệ người dân Tích Lan theo Phật giáo ngày nay
Phật giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của Tích Lan. Các lễ hội tôn giáo, các nghi lễ và các sự kiện cộng đồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa xã hội. Phật giáo cũng góp phần vào việc thúc đấy hòa bình và đoàn kết chung cho con người tại đây.
Các tổ chức Phật giáo và cộng đồng tôn giáo địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng, bao gồm các hoạt động từ thiện, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động này góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.
Ngày nay, Phật giáo vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong dân số Tích Lan.
Phật giáo chiếm khoảng 70-75% dân số Tích Lan. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới, phản ánh sự quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo trong xã hội Tích Lan, cũng như thể hiện niềm tin tinh thần của người dân đối với Phật giáo mạnh mẽ như thế nào.
Trong cộng đồng Phật giáo Tích Lan, phần lớn là người Sinhalese, nhóm dân tộc chính và chủ yếu theo Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy). Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong văn hóa, chính trị, và đời sống xã hội của người Sinhalese.
Các nhóm tôn giáo khác như Hinduism, Islam, và Kitô giáo chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Hinduism, chủ yếu được theo bởi người Tamil ở miền Bắc và miền Đông, chiếm khoảng 12-15% dân số. Islam và Kitô giáo lần lượt chiếm khoảng 10% và 7-8% dân số. Phật giáo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tôn giáo, lễ hội, và các chính sách quốc gia ở Tích Lan
Lời kết
Qua nhiều thời kỳ, Phật giáo tại Tích Lan đã trải qua những quãng suy thịnh khác nhau, từ giai thoại thịnh vượng, tới sự suy tàn khi hòn đảo bị các vương quốc khác chiếm đóng. Tuy nhiên, cho tới ngày nay, chúng ta vẫn nhận thấy rằng Phật giáo tại Tích Lan luôn chiếm vai trò cực kỳ lớn đối với cả chính quyền lẫn đời sống người dân.
Phật giáo ở Tích Lan không chỉ là một tôn giáo mà còn là bản sắc, một phần niềm tin không thể tách rời của dân tộc đất nước này.
Cư sĩ Phúc Quang dịch, tổng hợp
***
Tài liệu nguồn và tham khảo
1. A History of Sri Lanka, K. M. de Silva, 1981
2. Sri Lanka: A Country Study, The Library of Congress, Ban Nghiên cứu Liên bang, Thư viện Quốc hội Washington DC, 1990
3. Bách khoa toàn thư Britannica
4. Prehistoric Sri Lanka: Late Pleistocene rockshelters to the Holocene, S.U. Deraniyagala, 1992
5. The Heritage of the Bhikkhu: A short History of the Bhikkhu in Sri Lanka, Walpola Rahula, 2003