Lịch sử sống lại qua những thước phim
Bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là tác phẩm điện ảnh nổi bật dịp 30/4. Không chỉ gây bão phòng vé khi đã vượt qua mốc 150 tỉ đồng doanh thu chỉ sau 2 tuần công chiếu mà còn trở thành đề tài bàn luận của các bạn trẻ trên mạng xã hội.

Cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Ảnh: ĐPCC.
Bên cạnh việc tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” giúp đưa lịch sử đến gần hơn với mọi người. Lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls (chiến dịch Bóc vỏ Trái Đất) của Mỹ tại Củ Chi năm 1967, bộ phim theo chân nhóm du kích do đội trưởng Bảy Theo (Thái Hòa thủ vai) dẫn dắt nhận nhiệm vụ giữ vững địa bàn để bảo vệ đường dây tình báo chiến lược. Không chỉ có tiếng bom và khói súng, phim còn thắp lại cảm giác ấm áp giữa những người đồng đội sát cánh dưới lòng đất.
Sự tham gia của dàn diễn viên trẻ cùng lối kể chuyện điện ảnh hiện đại, kỹ xảo vừa đủ, âm thanh sống động và cảm xúc chân thành đã khiến bộ phim trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Sự yêu thích dành cho “Địa đạo” không đơn thuần xuất phát từ chất lượng phim mà còn phản ánh nhu cầu cảm xúc của người trẻ hiện nay, khi họ tìm kiếm những trải nghiệm chân thực, nhân văn và mang tính kết nối với cội nguồn.
Lê Xuân Trường - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “So với bài giảng hay sách vở, phim cho mình thấy tận mắt chứ không phải hình dung. Âm thanh, ánh sáng, và đặc biệt là nhạc phim khiến mình thấy rõ sự hào hùng của những năm tháng chiến tranh”. Góc nhìn này cho thấy, điện ảnh không chỉ cung cấp thông tin mà còn khơi dậy cảm xúc, giúp người xem sống cùng lịch sử chứ không chỉ ghi nhớ con số, dữ kiện.
Trên mạng xã hội, các “hashtag” liên quan đến #Địa Đạo #Mặt Trời Trong Bóng Tối cũng xuất hiện khá nhiều. Trên TikTok, hàng loạt video “review” phim theo phong cách Gen Z đã góp phần đưa phim đến gần hơn với giới trẻ. Sự lan tỏa này không chỉ đến từ chiến dịch truyền thông mà còn từ chính trải nghiệm thật của người xem. Không ít khán giả trẻ thừa nhận đây là lần đầu họ xem một phim chiến tranh Việt Nam mà không thấy nhàm, thậm chí còn thấy cuốn hút đến từng chi tiết. Những nhận định này cho thấy phim không chỉ thắng ở phòng vé mà còn thắng được cả trái tim của những người xem.
Hiện tượng FOMO - “nỗi sợ bị bỏ lỡ” cũng góp phần không nhỏ vào sức nóng của "Địa đạo". Trong bối cảnh phim được nhiều KOL, người nổi tiếng, và giáo viên nhắc đến như một phim nên xem, một bộ phận khán giả trẻ đến rạp để không bị tụt lại khỏi cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn tiêu cực. Sự kéo đến của công chúng chính là bước đầu để giới trẻ tiếp xúc với lịch sử. Song song với những lời khen ngợi, trên các nền tảng như TikTok, Threads cũng xuất hiện những đánh giá trái chiều cho rằng, phim có tiết tấu nhanh, thiếu điểm nhấn kịch tính, kịch bản quá dàn trải và chưa đủ “wow” như kỳ vọng. Những phản hồi này không hoàn toàn tiêu cực mà là dấu hiệu cho thấy khán giả trẻ ngày nay có yêu cầu cao hơn với phim Việt, nhất là dòng phim về lịch sử.

Hoàng Hằng - sinh viên Trường ĐH Thương Mại. Ảnh: Tiến Hưng
Hoàng Hằng - sinh viên Trường ĐH Thương Mại chia sẻ: “Tôi từng nghe về địa đạo Củ Chi, nhưng sau khi xem phim mới hiểu và cảm nhận được sự khắc nghiệt của nó”. Không khí chật chội, tiếng bom nổ dội lại trong những đường hầm tối đen, và cả những khoảnh khắc thân mật giữa đồng đội đã giúp bộ phim chạm đến những cung bậc cảm xúc rất thật trong lòng người xem. Nhiều bạn trẻ ra rạp không chỉ để giải trí mà để xem ông bà mình đã sống và chiến đấu ra sao trong chiến tranh. “Bộ phim không kể lại lịch sử như sách giáo khoa, mà đưa người xem vào hoàn cảnh, vào cảm xúc của nhân vật. Qua đó, giúp người trẻ như chúng tôi hiểu hơn giá trị của tự do, độc lập dân tộc” - Hoàng Hằng nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lich-su-song-lai-qua-nhung-thuoc-phim-10304219.html