Công chiếu nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng được công chiếu.

Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy". Ảnh: ĐPCC.

Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy". Ảnh: ĐPCC.

Bắt đầu từ ngày 22 đến 25/4, Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức 8 bộ phim, gồm 4 phim tài liệu do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất: “Nối vòng tay lớn”; “Chung một mái nhà”; “Tỉnh thức và hóa giải”; “Thống nhất đất nước”, tập 19: “Con đường đã chọn”. Ngoài ra còn có 4 bộ phim truyện điện ảnh của đơn vị và các hãng phim trong nước sản xuất gồm: “Vũ khúc mưa xuân”; “Đường xuyên rừng”; “Ai xuôi vạn lý”; “Mùi cỏ cháy”.

Còn theo thông tin từ Viện Phim Việt Nam, chương trình Những ngày phim Việt Nam lần này sẽ tổ chức từ ngày 21 - 26/4, với các suất chiếu vào 9h hằng ngày. Theo đó, từ ngày 21 - 24/4, khán giả sẽ được thưởng thức phim tài liệu “Mùa xuân toàn thắng” (4 tập) và phim truyện “Biệt động Sài Gòn” (4 tập). Phim tài liệu “Vài hình ảnh về giải phóng Sài Gòn” và phim truyện “Cánh đồng hoang” được chiếu vào ngày 25/4 và ngày 26/4 là bộ phim truyện “Giải phóng Sài Gòn”.

Bộ phim truyện “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc, đã giành nhiều giải thưởng danh giá như Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1980, Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế Moskva năm 1981.

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: Cánh đồng hoang là một bản hùng ca trữ tình. Hai vợ chồng anh Ba Đô chỉ có duy nhất 1 chiếc xuồng nhỏ, sống trong 1 căn chòi, giữa cánh đồng hoang, hàng ngày đối mặt với những trận càn quét của máy bay địch. Thế nhưng, ở đó vẫn lấp lánh chất trữ tình với cuộc sống hồn hậu, chan hòa với thiên nhiên của con người, tình cảm vợ chồng, gia đình và tình yêu quê hương, đất nước.

“Mùi cỏ cháy” cũng là một trong những bộ phim thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Phim do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười thực hiện, kịch bản của nhà biên kịch - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên tái hiện chân thực về cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Mùa hè năm đó đã trở thành một mùa hè đỏ lửa. Dựa trên cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bộ phim đã xây dựng nên hình tượng những người lính trẻ Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận.

"Mùi cỏ cháy" ra mắt khán giả vào năm 2011 và gây tiếng vang khi giành được nhiều giải thưởng danh giá như Bông sen bạc, Cánh diều vàng 2012 và là đại diện của Việt Nam tại đấu trường Oscar 2013.

Những bộ phim về đề tài chiến tranh được trình chiếu trong dịp này có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, để thế hệ hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, về những hi sinh của cha ông để có được độc lập, tự do hôm nay. Có thể nói, sau nhiều năm ra mắt, các bộ phim vẫn giữ nguyên sức hút, minh chứng rõ nét đây không chỉ là tư liệu lịch sử vô giá mà còn là những tác phẩm nghệ thuật có sức lay động cảm xúc người xem một cách mãnh liệt.

Không giống như việc học sử qua sách giáo khoa, phim ảnh mang đến trải nghiệm trực quan, nhiều cảm xúc và dễ ghi nhớ. Những thước phim sống động giúp lịch sử trở nên gần gũi, chạm đến trái tim người xem, đặc biệt là giới trẻ rất hiệu quả. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Cùng với hoạt động chiếu phim sẽ có các hoạt động giao lưu giữa khán giả với các nhà làm phim, chuyên gia điện ảnh, nhân chứng lịch sử nhằm làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng được phản ánh trong điện ảnh để công chúng tiếp cận với những tư liệu quý về lịch sử.

P.V

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-chieu-nhieu-tac-pham-dien-anh-kinh-dien-10304218.html