Lịch sử tỉnh Quảng Ngãi: Cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh
Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích 5.155km2, với 13 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện đảo Lý Sơn và 173 đơn vị hành chính cấp xã.

Một góc huyện đảo Lý Sơn. (Nguồn: TTXVN)
Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có bờ biển dài gần 130km, đảo Lý Sơn, cảng biển nước sâu Dung Quất.
Thủ phủ của tỉnh Quảng Ngãi là thành phố Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh, với 26 di tích được khai quật; có nhiều di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp.
Vị trí địa lý
Tỉnh Quảng Ngãi phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía Nam giáp tỉnh Bình Định; phía Tây giáp tỉnh Kon Tum; phía Đông giáp Biển Đông: Quảng Ngãi có đường bờ biển dài khoảng 130km, giáp Biển Đông, với nhiều bãi biển đẹp và hệ thống đảo, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn.
Quảng Ngãi cách thành phố Đà Nẵng 146km, cách thủ đô Hà Nội 908km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 820km về phía Nam (tính theo đường Quốc lộ 1A).
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ chọn để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam; có cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; có Quốc lộ 24 dài 69km nối liền Quốc lộ 1A đoạn qua Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, đây là tuyến giao thông quan trọng đối với Kon Tum và Quảng Ngãi trong quan hệ kinh tế, văn hóa giữa duyên hải và Tây Nguyên, giao lưu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế miền núi gắn với an ninh quốc phòng.
Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm.
Sở hữu nhiều Lễ hội truyền thống nổi tiếng như Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn) và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Diện tích Quảng Ngãi là 5.155km2, theo số liệu chính thức của Cục Thống kê, rộng thứ 27 trong số 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Dân số của tỉnh Quảng Ngãi là 1.256.952 người, tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 33 cả nước.
Về đơn vị hành chính: Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, 5 huyện đồng bằng ven biển và trung du (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức), 5 huyện miền núi (Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long) và 01 huyện đảo Lý Sơn và 173 đơn vị hành chính cấp xã.
Lịch sử hình thành
Vùng đất Quảng Ngãi có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Quảng Ngãi trước đây là vùng đất Cổ Lũy Động.
Đến năm 1402, vương quốc ChămPa dâng Cổ Lũy Động cho nhà nước Đại Việt. Nhà Hồ chia Cổ Lũy Động thành 2 châu: Tư Châu và Nghĩa Châu trực thuộc lộ Thăng Hoa của Nhà nước Đại Ngu.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông hợp nhất Tư Châu và Nghĩa Châu thành phủ Tư Nghĩa. Đến thời chúa Nguyễn, năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, năm 1602 đổi phủ Tư Nghĩa (thời nhà Lê) thành phủ Quảng Nghĩa. Phủ Quảng Nghĩa có ba huyện là là Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.
Thời Tây Sơn, năm 1776, đổi phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1802, Gia Long lên ngôi đổi phủ Hòa Nghĩa (thời Tây Sơn) thành dinh Quảng Nghĩa, đến năm 1808 thành trấn Quảng Nghĩa.
Năm 1832, vua Minh Mạng lên ngôi, đổi trấn Quảng Nghĩa thành tỉnh Quảng Nghĩa. Quảng Ngãi trở thành một đơn vị hành chính từ đó. Trong thời Pháp thuộc, tỉnh có tên gọi là Quảng Ngãi.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến trước ngày bầu cử Quốc hội khóa 1 (06/01/1946), tỉnh có tên gọi là tỉnh Lê Trung Đình, sau đó đổi lại thành tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 24/3/1975, tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 01/01/1976, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình.
Khu Kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng, phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong giai đoạn này, huyện Tư Nghĩa hợp nhất với thị xã Quảng Ngãi thành thị xã Quảng Nghĩa; huyện Nghĩa Hành hợp nhất với huyện Minh Long thành huyện Nghĩa Minh; huyện Sơn Tây hợp nhất với huyện Sơn Hà thành huyện Sơn Hà.
Năm 1982, theo quyết định của Quốc hội, thị xã Quảng Nghĩa được tách thành thị xã Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa; huyện Nghĩa Minh được tách thành huyện Nghĩa Hành và huyện Minh Long.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Nghĩa Bình tách thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định như cũ. Từ đó đến nay, một số huyện có sự thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi.
Cụ thể, ngày 01/01/1993, đảo Lý Sơn tách khỏi huyện Bình Sơn, chính thức thành lập huyện Lý Sơn. Năm 1994, huyện Sơn Hà được tách ra thành 02 huyện là Sơn Hà và Sơn Tây.
Năm 2003, huyện Trà Bồng được tách ra thành 2 huyện là Trà Bồng và Tây Trà.
Ngày 26/8/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2005/NĐ-CP công nhận thị xã Quảng Ngãi trở thành thành phố Quảng Ngãi.
Năm 2014, thành phố Quảng Ngãi được điều chỉnh mở rộng, sáp nhập thêm 10 xã phía đông của huyện Sơn Tịnh và 3 xã của huyện Tư Nghĩa, thành lập mới phường Trương Quang Trọng.
Năm 2015, thành phố Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại II. Năm 2020, huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.
Đến ngày 01/02/2020, huyện Tây Trà sáp nhập lại vào huyện Trà Bồng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 11 huyện (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Lý Sơn), thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi với 173 đơn vị hành chính cấp xã.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay./.