Lịch sử tỉnh Thái Nguyên - trung tâm công nghiệp lớn của khu vực miền Bắc
Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế và giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung; là trung tâm đào tạo nhân lực lớn của cả nước.

Bản đồ hành chính tỉnh Thái nguyên. (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thái nguyên)
Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, tỉnh lỵ là thành phố Thái Nguyên và là tỉnh nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội.
Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế và giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung. Thái Nguyên cũng được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với quy mô tổng cộng hàng chục trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng là một địa bàn chiến lược về quốc phòng, là nơi đóng trụ sở Bộ tư lệnh, cùng nhiều cơ quan khác của Quân khu 1.
Vị trí địa lý
Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế-xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Việc giao lưu được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.
Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Thái Nguyên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 75 km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 200 km, cách biên giới Việt Nam-Trung Quốc khoảng 200 km.
Về địa giới hành chính của Thái Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang; phía Nam giáp thủ đô Hà Nội; phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn.
Thái Nguyên có diện tích 3.522 km2. Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 (tính đến ngày 1/4/2024), dân số Thái Nguyên là 1.361.474 người, đứng thứ 24 cả nước. Mật độ dân số 387 người/km2).

Cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu, thành phố Thái Nguyên tạo "điểm nhấn" đặc biệt trong phát triển không gian đô thị. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Lịch sử hình thành
Từ xa xưa, Thái Nguyên đã là nơi sinh sống của người Việt cổ. Trên địa bàn hang Ốc thuộc xã Bình Long, huyện Võ Nhai đã tìm được dấu tích của người tiền sử có niên đại ít nhất cách đây từ 7.000 đến 8.000 năm với những vỏ ốc bị chặt đuôi, xương động vật là những tàn tích thức ăn của người xưa.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đời các vua Hùng, Thái Nguyên thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của nước Văn Lang, nằm dưới sự cai quản của chế độ lạc tướng.
Khoảng đầu công nguyên, chế độ lạc tướng chấm dứt, bộ chuyển thành huyện, tên Vũ Định vẫn được giữ nguyên.
Dưới thời Nhà Triệu, Thái Nguyên nằm trong quận Giao Chỉ.
Đời nhà Hán, Thái Nguyên nằm trong huyện Long Biên thuộc quận Giao Chỉ.
Đến đời Đường, Thái Nguyên là đất châu Long và châu Vũ Nga, thuộc An Nam đô hộ phủ.
Dưới triều Đinh, Tiền Lê (thế kỷ 10), đất nước được chia làm 10 đạo. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010, 10 đạo được đổi thành 24 lộ, các vùng xa xôi hẻo lánh như Thái Nguyên nằm trong các châu biên viễn.
Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành.
Dưới thời Nhà Lý, Thái Nguyên có một danh tướng nổi tiếng, từng 2 lần được vua gả công chúa cho, được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Đuổm.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076-1077, phần đất phía Nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với nhà Tống.
Đầu năm 1226, dưới thời Nhà Trần, châu được đổi thành lộ, Thái Nguyên thuộc Như Nguyệt Giang lộ.
Năm 1397, nhà Trần đổi châu Thái Nguyên thành trấn Thái Nguyên (tương đương với tỉnh ngày nay).
Thời thuộc Minh (1407-1427), trấn Thái Nguyên được đổi thành phủ Thái Nguyên lệ thuộc vào ty Bố Chính.
Năm 1426, phủ Thái Nguyên đổi thành Thái Nguyên Thừa Chính ty, gồm 3 phủ Thái Nguyên, Phú Bình, Thông Hóa.
Cũng trong thời gian bị Nhà Minh cai trị, dân chúng Thái Nguyên lại liên tiếp đứng lên khởi nghĩa. Tiêu biểu là Lưu Nhân Chú, người huyện Đại Từ, ông cùng cha và anh rể đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.

Bản đồ tỉnh Thái Nguyên năm 1891. (Ảnh: wikipedia)
Năm 1428, nhà Lê sơ được thành lập, Lê Thái Tổ chia đất nước làm 5 đạo, Thái Nguyên thuộc Bắc Đạo.
Năm 1466, Lê Thánh Tông chia lại 5 đạo thành 12 đạo Thừa Tuyên, Thái Nguyên là Thái Nguyên Thừa Tuyên.
Năm 1467, Nhà Lê tiến hành điều tra địa hình, địa giới, hoàn thành lập bản đồ quốc gia Đại Việt vào năm 1469. Cùng thời gian này, Thái Nguyên Thừa Tuyên được đổi thành Ninh Sóc Thừa Tuyên, gồm 3 phủ là Phú Bình, Thông Hóa, Cao Bằng.
Đến năm 1483, Ninh Sóc Thừa Tuyên đổi thành xứ Thái Nguyên. Năm 1533 lại đổi xứ thành trấn Thái Nguyên.
Năm 1677, phủ Cao Bằng tách khỏi trấn Thái Nguyên thành trấn Cao Bằng. Thủ phủ trấn Thái Nguyên lúc này đặt tại xã Bình Kỳ, huyện Thiên Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay).
Dưới thời Gia Long, Thái Nguyên thuộc tổng trấn Bắc Thành. Năm 1813, sau khi huyện Thiên Phúc tách khỏi trấn Thái Nguyên nhập về Bắc Ninh. Thủ phủ trấn Thái Nguyên được chuyển về thành Đồng Mỗ, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên).
Năm 1831, 1832, Minh Mạng chia cả nước làm 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên. Trấn Thái Nguyên được đổi thành tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1836, tỉnh Thái Nguyên có 3 phủ, 9 huyện và 2 châu.
Từ năm 1890, dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân tách huyện Bình Xuyên khỏi tỉnh Thái Nguyên để thành lập tỉnh Vĩnh Yên và thực thi chế độ quân quản, chia nhỏ Thái Nguyên nhập vào các tiểu quân khu thuộc các đạo quan binh. Như vậy, từ tháng 10/1890-9/1892 tỉnh Thái Nguyên bị xóa bỏ, phân tán vào các địa bàn khác nhau đặt dưới quyền quản lý của giới cầm quyền quân sự Pháp.
Theo các Nghị định của toàn quyền Đông Dương ký vào các ngày 10 và 15/10/1892, các địa hạt đã bị phân tán (trừ huyện Bình Xuyên) trở về với tỉnh Thái Nguyên, đặt dưới quyền cai trị của một Công sứ.
Đến 12/6/1894, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đưa các châu Cảm Hóa, Chợ Rã vào tiểu quân khu Cao Bằng thuộc Đạo Quan binh II, đồng thời tổ chức một đơn vị là Tiểu quân khu Cai Kinh gồm 13 tổng, trong đó có 5 tổng tách từ Thái Nguyên sang.
Ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Bắc Cạn trên cơ sở toàn bộ phủ Thông Hóa của Thái Nguyên.
Trước Cách mạng tháng 8/1945, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng ở Thái Nguyên.
Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thị xã Thái Nguyên là tỉnh lỵ tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1947, Bác Hồ đã tới Thái Nguyên và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp từ căn cứ chính tại ATK Định Hóa.

Một góc thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)
Ngày 1/7/1956, Thái Nguyên là một trong sáu tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc mới thành lập, thị xã Thái Nguyên là thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc. Riêng huyện Phổ Yên lúc này được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Phú Bình được sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, một năm sau hai huyện này lại được chuyển trở lại tỉnh Thái Nguyên thuộc Khu tự trị Việt Bắc. Khu tự trị Việt Bắc tồn tại đến cuối năm 1975 thì bị giải thể.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường khả năng quốc phòng, theo quyết định ngày 21/4/1965 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 1/7/1965, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc kạn sáp nhập thành tỉnh Bắc Thái, thành phố Thái Nguyên là tỉnh lỵ tỉnh Bắc Thái.
Ngày 2/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Hội đồng Chính phủ) ra quyết định số 102/HĐBT chuyển huyện Đồng Hỷ sang phía Đông-Bắc sông Cầu; thành phố Thái Nguyên tiếp nhận thêm 7 xã phía Tây, Tây Bắc của huyện Đồng Hỷ, đồng thời cắt xã Đồng Bẩm và 2 phường Chiến Thắng, Núi Voi về huyện Đồng Hỷ.
Ngày 8/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 109/HĐBT, thành lập phường Tân Thịnh, và giải thể 3 xã Đồng Quang, Cam Giá, Gia Sàng để thành lập 3 phường Đồng Quang, Cam Giá, Gia Sàng.
Ngày 13/2/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 25/HĐBT, các xã Túc Duyên, Quang Vinh thành phường Quang Vinh; phường Tân Thịnh được chia thành 2 phường Tân Thịnh và Tân Lập.
Ngày 11/7/1994, Chính phủ ra Nghị định số 64/CP. Theo đó, phường Đồng Quang tách thành 2 phường Đồng Quang và Quang Trung.
Theo Quyết định ngày 6/11/1996 của Quốc hội khóa IX, từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái được tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, thành phố Thái Nguyên là tỉnh lỵ tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 30/10/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 802/TTG phê duyệt quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, công nhận thành phố Thái Nguyên là trung tâm vùng Việt Bắc.
Ngày14/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 135/2002/QĐ-TTG công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại 2.

Một góc trung tâm thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Ngày 1/9/2004, Chính phủ ra Quyết định số 14/2004/NĐ-CP, tách xã Thịnh Đán thành phường Thịnh Đán và xã Quyết Thắng.
Ngày 2/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 278/2005 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020.
Ngày 31/7/2008, Chính phủ đã có Nghị định số 84/2008-CP về điều chỉnh địa giới huyện Đồng Hỷ để mở rộng thành phố Thái Nguyên, bàn giao hai xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm về thành phố Thái Nguyên.
Ngày 1/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1615/QĐ-TTG công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 13/1/2011, Chính phủ đã có nghị quyết số 05/2011/NQ-CP về giải thể, điều chỉnh địa giới để thành lập các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó chuyển xã Tích Lương thành phường Tích Lương thuộc thành phố Thái Nguyên.
Ngày 15/5/2015, thành lập thành phố Sông Công trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Sông Công, thành lập thị xã Phổ Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Phổ Yên.
Ngày 10/4/2022, thành lập thành phố Phổ Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Phổ Yên.
Tỉnh Thái Nguyên có 3 thành phố và 6 huyện như hiện nay.
Ngày 12/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2045, tạo điều kiện quan trọng để thành phố cụ thể hóa hàng loạt quy hoạch, góp phần mở rộng không gian đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay./.