Lịch sử Trung Quốc loạn thế nhiều như vậy, nhưng tại sao thời Tam Quốc lại nổi tiếng và được nhiều người nhắc tới nhất?
Lịch sử Trung Quốc đã từng xuất hiện rất nhiều thời loạn thế, chẳng hạn như Sở Hán tranh hùng, Tam Quốc, Nam Bắc triều, ngũ Đại thập Quốc… nhưng nếu nói về độ nổi tiếng và phổ biến nhất thì hiển nhiên không có thời đại nào có thể vượt qua Tam Quốc.
Có người nói, thời kì Tam Quốc sở dĩ trở nên nổi tiếng đó là nhờ có sự xuất hiện của bộ tiểu thuyết hư cấu "Tam Quốc diễn nghĩa", sau đó cũng xuất hiện rất nhiều những vở kịch hay các tác phẩm điện ảnh… liên quan tới thời kì này. Bởi vì tiểu thuyết, kịch, điện ảnh có sức ảnh hưởng rộng rãi nên thời kì Tam Quốc mới trở nên phổ biến như vậy.
Nhưng, cách nói này cũng chưa hoàn toàn chính xác, chính bởi thời kì Tam Quốc quá nổi tiếng nên những vở kịch, điện ảnh mới mô phỏng lại nó.
Vậy thì, tại sao thời Tam Quốc lại nổi tiếng như vậy? Vì sao nhiều người lại thích bàn luận các vấn đề liên quan tới thời kì này tới vậy?
Có nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu là bởi đây là thời kì sản sinh ra rất nhiều bậc kì tài. Văn tài võ tướng đều ở trình độ vượt bậc. Nói vậy thực ra cũng có ý đúng nhất định. Anh hùng hào kiệt xuất hiện trong thời kì Tam Quốc quả thực rất nhiều. Tầng quân vương có Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, thành công của họ đều khiến người đời nể phục. Về phương diện văn thần, bất luận là Gia Cát Lượng, Quách Gia hay Tư Mã Ý… đều là những bậc thầy mưu lược kế sách, tiếng thơm muôn đời. Về phương diện võ tướng, Ngũ hổ tướng, Ngũ tử lương tướng… khả năng võ thuật hay sự dũng mãnh cũng ít người sánh kịp. Tóm lại, mặc dù chúng ta không trực tiếp ở nơi chiến trường, nhưng chỉ cần thông qua các tác phẩm văn học, ta cũng hoàn toàn có thể cảm nhận được những tinh hoa trí tuệ đó.
Nhưng, chúng ta sở dĩ nảy sinh những nhận thức đó rất có khả năng là bởi những ấn tượng mà cuốn "Tam Quốc diễn nghĩa" đem lại cho chúng ta, tác phẩm này góp phần ảnh hường đến phán đoán của ta về những nhân vật này trong chính sử, bởi dẫu sao thì ai cũng từng đọc "Tam Quốc diễn nghĩa", nhưng số người đọc "Tam Quốc chí", "Ngụy lược", "Hoa dương quốc chí" … lại không nhiều, đặc biệt là cái độc giả ở nước ngoài.
Hơn nữa, bất luận về văn công hay võ lược, thực ra, không cùng thời đại, chúng ta cũng khó có thể so sánh. Ta không thể nói võ nghệ của Quan Vũ cao hơn Lý Tồn Hiếu, một mãnh tướng thời nhà Đường, cũng không thể nói tài năng tác chiến của Chu Du cao hơn Lý Tồn Úc. Bởi vì không cùng một thời đại nên không thể so sánh. Vì vậy, đứng từ mặt nhân tài nói Tam Quốc vì vậy nổi tiếng hơn những thời loạn thế khác cũng chưa đủ thuyết phục.
Vậy thì, thời kì Tam Quốc rốt cuộc vì sao lại phổ biến như vậy? Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất đó là Tam Quốc mặc dù là thời loạn thế nhưng đây đồng thời cũng là thời đại trọng "đạo nghĩa".
Chẳng hạn, Tào Tháo lúc bây giờ luôn bị mọi người chỉ trích bởi lẽ ông luôn mang trên mình cái danh "thay thiên tử lãnh chư hầu". Ai ai cũng mắng ông, nói ông "danh là Hán thần, nhưng thực ra lại là Hán tặc". Kẻ địch của ông dựa vào điều này để công kích ông. Lưu Bị, Tôn Quyền cũng dựa vào điều này để chứng minh mình bên lẽ phải còn Tào Tháo là kẻ dối trá.
Bản thân Tào Tháo cũng rất không phục, ông cũng rất nhiều lần đề cập tới chuyện này. Ông thậm chí còn viết nguyên một cuốn "Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh" để giải thích cho bản thân. Ông nói, không phải ta nhất định phải chiếm lấy chức thừa tướng không chịu nhường, nếu ta không làm thừa tướng thì không biết còn bao nhiêu người xưng vương xưng bá, nước còn không biết loạn đến thế nào. Ngoài viết cuốn này ra, ông còn viết trong "Đoản ca hành" rằng "Chu công thổ bộ, thiên hạ quy tâm" để thể hiện chí hướng cao cả của mình.
Ở thời loạn thế, chuyện như vậy quả thực là không thể tượng tượng được. Chẳng hạn ở thời Nam Bắc triều, Ngũ đại thập quốc, nếu thế lực của một lãnh chúa nào đó đủ mạnh, hắn nhất nhất định sẽ lật đổ chủ nhân, tự mình lên làm hoàng đế, hơn nữa còn dùng thủ đoạn rất tàn nhẫn. Tại sao Tào Tháo không làm vậy, thời Tam Quốc lại không như vậy, đó là bởi dù là thời loạn thế nhưng "đạo nghĩa" vẫn tồn tại.
Một ví dụ khác về Gia Cát Lượng. Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng trên thực tế đã nắm toàn bộ thế cục và quyền hành tại Thục Quốc, ông còn là người mà từ trên xuống dưới ai cũng kính trọng, nể nang, nếu Khổng Minh thay thế Lưu Thiện, tự mình làm hoàng đế, có lẽ số người phản đối cũng sẽ không quá nhiều. Nhưng Gia Cát Lượng lại không làm như vậy. Để tránh mọi người nói ông là quyền thần, tránh người khác nói ông độc đoán chuyên quyền, khi Lý Nghiêm nói lương thảo vận chuyện không tới nơi, dù biết Lý Nghiêm nói dối nhưng Gia Cát Lượng vẫn cho tán binh. Cũng có nghĩa là thà để Bắc phạt không thành công cũng không muốn rùm beng lên để mất đoàn kết. Thứ mà Gia Cát Lượng theo đuổi là gì, chính là "đạo nghĩa".
Thời kì Tam Quốc, nhân vật không giảng "đạo nghĩa" nhất có lẽ chính là Đổng Trác và gia tộc Tư Mã ở giai đoạn sau. Đổng Trác không nói đạo nghĩa nên bị thảo phạt, còn nhà Tư Mã lại khác, họ vẫn bị cái gọi là "đạo nghĩa" ràng buộc, chính vì vây mà "kinh doanh" ba đời rồi mới có được hoàng vị.
Chính vì năng lượng tích cực về "đạo nghĩa" mà thời kì Tam Quốc mới được thế hệ sau chú ý tới đồng thời thể hiện chúng qua các tác phẩm nghệ thuật, còn Tam Quốc cũng vì vậy mà ngày càng trở nên phổ biến hơn.