Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 31)
Trân trọng giới thiệu sách 'Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
Kỳ 31.
Chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX): Chính sách cho vay nặng lãi: Ngoài tính chất chung của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa đế quốc Pháp còn có đặc điểm riêng là chủ nghĩa đế quốc cho vay nặng lãi. Vì thế đầu tư vào thuộc địa để bóc lột là chính sách kinh tế bao trùm của bọn trùm sỏ tài chính Pháp. Ngày 10 tháng 2 năm 1896, chính phủ Pháp ra đạo luật cho Đông Dương vay tiền để đặt các thiết bị khai thác thuộc địa này. Từ khi đạo luật ban hành cho đến năm 1912, 5 lần Chính phủ Pháp cho Đông Dương vay 499 triệu Phơ răng. Nhân dân Đông Dương è cổ trả nợ, trung bình mỗi người dân nợ 30 đồng Đông Dương, thời đó là một món nợ khổng lồ đối với mỗi người dân. Người dân bị bóc lột một cách tàn khốc. Lợi nhuận và quyền lực của ngân hàng Đông Dương ngày càng to lớn.
Khai thác than ở Hòn Gai - Việt Nam. Nguồn: Internet.
Mở mang giao thông vận tải: Vốn của tư bản Pháp cho chính phủ Đông Dương vay trước hết được đầu tư vào phát triển giao thông vận tải, phục vụ cho công cuộc cai trị, hành quân đàn áp và vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, tức là phục vụ cho công cuộc khai thác và thống trị. Chính phủ Đông Dương chú ý mở mang đường sắt: đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn, đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho, mở mang đường thủy, nối các con sông lớn với nhau, mở mang đường bộ ở biên giới và đường bộ xuyên Đông Dưong, xây dựng cầu, lớn nhất là cầu Pôn Đu me bắc qua sông Hồng dài 2059m, hoàn thành năm 1912.
Thương nghiệp: độc chiếm thị trường Đông Dương cho tư bản Pháp. Để đạt mục đích đó Chính phủ Đông Dương thi hành chính sách thuế quan bảo hộ mậu dịch, đánh thuế hàng hóa các nước khác vào Đông Dương tăng lên nhiều lần so với hàng hóa Pháp. Hàng hóa Pháp thuế chỉ bằng 2,5% so với hàng hóa các nước. Tư bản Pháp thành lập nhiều công ti thương mại ở Đông Dương: Công ti Mác xây, Hãng Đơ ni phơ re lơ. Pháp kiểm soát được tất cả các ngành xuất khẩu ở Đông Dương. Từ Đông Dương, Pháp chở nguyên vật liệu về chính quốc, chế tạo thành sản phẩm và sản phẩm quay lại thuộc địa. Phương pháp bóc lột này cùng với phương pháp cho vay nặng lãi, độc chiếm thị trường đã đem lại những món lợi khổng lồ chảy vào túi bọn tư bản độc quyền Pháp.
Chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai: Năm 1919 Pháp ra khỏi Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) với tư cách là nước chiến thắng nhưng bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục vạn người chết, nền kinh tế kiệt quệ, nợ nước ngoài gia tăng. Năm 1920 Pháp nợ Mỹ 300 tỉ Phơ răng. 14 tỉ Phơ răng Pháp cho Nga Hoàng vay mất trắng. Đồng Phơ răng ngày càng mất giá. Những năm 20 thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng càng làm cho nền kinh tế Pháp khó khăn.
Khai thác bóc lột thuộc địa là chính sách liên tục của chủ nghĩa tư bản chính quốc nhưng trong hoàn cảnh đó khai thác bóc lột thuộc địa càng mang tính chất cấp bách để bù đắp lại thiệt hại của Pháp trong Đại chiến thế giới thứ nhất, nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, khôi phục lại địa vị nước Pháp trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới.
Chính sách khai thác thuộc địa Đông Đương lần thứ hai được Pháp thực hiện vào năm 1919 và diễn vào các năm 20 của thế kỷ XX gồm các lĩnh vực:
Xuất khẩu tư bản: tăng cường xuất khẩu tư bản, đầu tư vào Đông Dương vẫn là ưu tiên số một để nhằm khai thác hơn nữa nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, độc chiếm thị trường Đông Dương hơn nữa. Từ năm 1924 đến năm 1929 số vốn của Pháp đầu tư vào Đông Dương tăng gấp 6 lần so với 20 năm trước chiến tranh. Hai ngành được đầu tư nhiều nhất là nông nghiệp và công nghiệp.
Chính sách nông nghiệp: Pháp đẩy mạnh việc cướp đoạt ruộng đất của nông dân để mở thêm đồn điền trồng cao su, một mặt hàng đang có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới. Năm 1927 số vốn Pháp đầu tư vào nông nghiệp lên đến 400 triệu Phơ răng (gấp 10 lần so với trước chiến tranh Thế giới thứ nhất). Diện tích trồng cao su tăng vọt. Năm 1918 có 15.000 ha, đến năm 1930 đã tăng lên 120. 000 ha. Các công ti cao su ra đời: Công ti Đất đỏ, Công ti Mi sơ lanh. v. v.
Chính sách công nghiệp: Chú trọng công nghiệp khai thác mỏ, đặc biệt là mỏ than để xuất khẩu than, kiếm lãi nhanh. Các công ti thành lập từ trước trong giai đoạn này bỏ vốn nhiều hơn, khai thác mạnh hơn, đồng thời ra đời nhiều công ti mới như Công ti than Hạ Long-Đồng Đăng, Công ti than và kim khí Đông Dương, Công ti than Đông Triều, Công ti than Tuyên Quang.
Về công nghiệp nhẹ, Pháp mở thêm một số xí nghiệp chế biến mà sản phẩm không cạnh tranh với công nghiệp chính quốc. Các nhà máy sợi Hải Phòng, Nam Định, nhà máy rượu Nam Định, Hà Nội, Hà Đông, nhà máy diêm Hà Nội, Hàm Rồng, Bến Thủy, nhà máy đường Tuy Hòa, nhà máy gạo Chợ Lớn.
Chính sách thương nghiệp: đẩy mạnh chế độ bảo hộ mậu dịch để độc chiếm hơn nữa thị trường Đông Dương. Chính phủ Đông Dương ban hành các đạo luật đánh thuế nặng hàng hóa của các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản v. v. Nhờ vậy số lượng hàng hóa Pháp vào Đông Dương ngày càng tăng. Trước năm 1914 hàng hóa Pháp chỉ chiếm 37% tổng số hàng nước ngoài vào Đông Dương, sau chiến tranh con số này tăng lên 62%.
Chính sách giao thông vận tải: đầu tư phát triển mở rộng thêm cả đường sắt và đường bộ, đường biển. Đường sắt xuyên Đông Dương được nối liền.
Nhìn chung chính sách khai hác lần hai của Pháp vẫn nhằm hạn chế phát triển công nghiệp nặng để Đông Dương không thể lớn mạnh cạnh tranh với chính quốc, vẫn chỉ biến Đông Dương thành thuộc địa cung cấp nguyên liệu, nhân công rẻ mạt cho tư bản độc quyền Pháp, đem cho chúng những khoản lợi nhuận khổng lồ. Tất cả những ngành kinh tế đều do ngân hàng Đông Dương nắm giữ, là kẻ chỉ huy và nắm quyền kinh tế ở Đông Dương. Tư bản tài chính có cổ phần ở tất cả các công ti và các xí nghiệp lớn. Ngân hàng Đông Dương phục vụ đắc lực cho bọn trùm sỏ tài chính Pháp.
Tuy nhiên, chính sách khai thác lần hai là đẩy mạnh khai thác ở tất cả các lĩnh vực so với khai thác lần thứ nhất. Vì thế các ngành kinh tế ở Đông Dương sau khai thác lần thứ hai có bước phát triển mới. Lực lương sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được phát triển mạnh hơn. Sự chuyển biến này càng đẩy xã hội Việt Nam đến phân hóa sâu sắc hơn và điều này tạo những nhân tố mới, những xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX.
II. Sự phân hóa xã hội: Sau khi bị Pháp xâm lược, thống trị và đẩy mạnh khai thác, Việt Nam không còn là xã hội phong kiến mà chuyển dần sang xã hội cận đại, thuộc địa nửa phong kiến, tức là bị mất độc lập hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Pháp đã du nhập quan hệ kinh tế tư bản, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam nhưng vẫn duy trì những nhân tố phong kiến trong kinh tế, trong xã hội, trên thượng tầng kiến trúc. Tuy nhiên, qua hai lần đẩy mạnh khai thác, kinh tế Việt Nam chuyển mạnh trên con đường tư bản chủ nghĩa thuộc địa. Sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế làm cho xã hội Việt Nam chuyển biến sâu sắc.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-31-a17422.html