Lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy các trường năm 2024

Nhằm tạo điều kiện cho thí sinh được tham gia thi và lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển, một số trường đại học đã công bố sớm phương thức tuyển sinh năm 2024.

Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về quy chế tuyển sinh, kỳ thi đánh giá tư duy là một trong những phương án xét tuyển mà nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm và chọn lựa để nắm chắc tấm vé vào các trường đại học.

Để cung cấp thông tin cho học sinh và giáo viên các trường THPT có kế hoạch học tập và dự thi kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) sớm, ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024 với nội dung và hình thức thi sẽ giữ nguyên như năm 2023. Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.

Bài thi đánh giá tư duy năm ngoái gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao). Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.

6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024.

6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024.

Khác với các kỳ thi khác, kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.

Năm 2023, kỳ thi TSA được đánh giá có nhiều điểm thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh. Bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi TSA được mở rộng, bao gồm Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, Y dược.

Theo thống kê, năm 2023 có 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển năm 2023.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội: Giảm 2 đợt thi so với năm ngoái

Năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn năm 2023 là hai đợt.

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), dạng thức (đề cương) bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm tới được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi tốt nghiệp chương trình THPT. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỷ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.

Dự kiến, đợt thi đánh giá năng lực năm 2024 sớm nhất của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 23-24/3/2024.

Dự kiến, đợt thi đánh giá năng lực năm 2024 sớm nhất của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 23-24/3/2024.

Cấu trúc bài thi bao gồm 3 phần thi. Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi, gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học.

Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm, nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.

Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ như sau: Phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%. Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.

Về hình thức làm bài thi, thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn.

"Dự kiến, đợt thi sớm nhất tổ chức vào ngày 23-24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1-2/6/2024. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau. Tất cả đều diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật. Về địa điểm, kỳ thi năm tới diễn ra tại 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. ĐH Quốc gia Hà Nội chưa công bố địa điểm thi theo từng đợt", GS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.

Cả nước có hơn chục kỳ thi riêng để xét tuyển đại học với sự tham gia của nhiều trường. Bộ GD&ĐT cho biết năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.

Hiện Bộ GD&ĐT chưa có thống kê năm nay do chưa kết thúc thời gian để thí sinh nhập học. Với kỳ thi HSA, 74 trường đại học, học viện dùng kết quả để xét tuyển.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lich-thi-danh-gia-nang-luc-danh-gia-tu-duy-cac-truong-nam-2024-169230925085710217.htm