Licogi 14 giảm một nửa cổ tức năm 2022, về 5% bằng cổ phiếu
Sau năm 2022 lợi nhuận giảm 62,3%, CTCP Licogi 14 (mã L14 - sàn HNX) đặt kế hoạch tăng trưởng trở lại và để ngõ khả năng tăng vốn điều lệ.
Licogi 14 vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 28/4 tại TP. Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ.
Trong năm 2023, Licogi 14 đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 195 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng, tăng 31,6% so với thực hiện trong năm 2022.
Điều chỉnh giảm kế hoạch cuối năm giúp Licogi 14 chuyển từ đơn vị không hoàn thành kế hoạch sang vượt kế hoạch lợi nhuận
Được biết, trong năm 2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 173,46 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,99 tỷ đồng, giảm 62,3% so với cùng kỳ.
Thêm nữa, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Licogi 14 đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận dự kiến 254 tỷ đồng. Như vậy, với lợi nhuận 18,99 tỷ đồng, Công ty chỉ đạt 12,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, chuẩn bị không hoàn thành kế hoạch, vào những ngày cuối tháng 12/2022, Licogi 14 bất ngờ điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2022 về 15 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính theo kế hoạch mới, Công ty hoàn thành 126,6% kế hoạch năm.
Như vậy, từ một đơn vị không hoàn thành với tỷ lệ chỉ 12,3% kế hoạch lợi nhuận năm, Licogi 14 đã trở thành đơn vị vượt 26,6% kế hoạch chỉ bằng việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận vào ngày cuối của năm tài chính.
Về cổ tức, năm 2022, Công ty đặt kế hoạch cổ tức 10% nhưng do cuối năm kinh doanh lao dốc, mức cổ tức dự kiến còn 5% bằng cổ phiếu và triển khai trong năm 2023. Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến nâng lên 10%.
Thay đổi cách hạch toán đơn vị thành viên, Licogi 14 thoát lỗ năm 2022
Quay trở lại định hướng kinh doanh năm 2023, đối với dự án trọng điểm Khu đô thị mới Nam Minh Phương, Công ty sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết liệt các công việc triển khai, nghiên cứu các giải pháp, tìm mọi nguồn vay tín dụng, phát hành tăng vốn điều lệ khi có điều kiện thuận lợi, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với lĩnh vực đầu tư tài chính, Công ty sẽ xem xét cân nhắc kỹ để có thể tiếp tục đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm năng như bất động sản, công nghệ thông tin, sắt thép … có nền tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Công ty xác định đầu tư ổn định, lâu dài khi thị trường phát triển tốt thì sẽ linh hoạt trong điều hành, kinh doanh để đạt hiệu quả.
Đối với Công ty liên kết – CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (Licogi 14 sở hữu 48,57% vốn điều lệ), Công ty sẽ tiếp tục tập trung các cổ đông, nhà đầu tư có kinh nghiệm, uy tín, phân tích sâu, rộng hơn nữa, tận dụng triệt để thời cơ, nắm bắt xu thế thị trường, cân đối vốn đầu tư, lựa chọn các nhóm cổ phiếu tiềm năng để triển khai đầu tư, nhằm đạt mục tiêu kế hoạch doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo.
Điểm đáng lưu ý, đầu năm 2022, Licogi 14 sở hữu 51% vốn CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 và ghi nhận đầu tư vào công ty con, nhưng cuối năm 2022 chỉ còn sở hữu 48,57% và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14. Nguyên nhân chủ yếu do CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 thực hiện tăng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 404,25 tỷ đồng (phát hành 0,55 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5%, trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 250% từ nguồn vốn của Công ty).
Việc phát hành cổ phiếu ESOP là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 giảm từ 51% về 48,57% và chính thức chuyển CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 từ công ty con sang công ty liên kết trong báo cáo bán niên năm 2022.
Trước khi thay đổi cách hạch toán CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14, Licogi 14 cho biết, báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 234,36 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do trích lập 379,56 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong danh mục 688,51 tỷ đồng (tạm lỗ 55,1% tổng danh mục). Licogi 14 không thuyết minh, nhưng nhà đầu tư đều biết rằng, đầu năm 2022, danh mục đầu tư chủ yếu của Công ty là cổ phiếu CEO (61,3% tổng danh mục) và cổ phiếu DIG (38,7% tổng danh mục).
Tuy nhiên, bằng việc thay đổi cách hạch toán CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14, thực hiện ghi nhận bằng phương pháp vốn gốc đối với công ty liên kết, Licogi 14 đã chuyển từ lỗ 234,36 tỷ đồng sang lỗ 23,73 tỷ đồng, giảm lỗ tới 210,63 tỷ đồng, do không phải hợp nhất CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 vào Licogi 14.
Thực tế, tính từ sau khi thay đổi hạch toán (từ ngày 1/7 đến 30/12/2022), giá cổ phiếu CEO tiếp tục giảm 36,4%; cổ phiếu DIG giảm 52,2%. Nếu không cắt lỗ, tiếp tục nắm danh mục cổ phiếu CEO và DIG, thì trong 6 tháng cuối năm 2022, mức lỗ của Licogi 14 có thể còn lớn hơn nhiều so với mức lỗ đã trích lập 379,56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Em trai Chủ tịch Phạm Gia Lý chưa giải trình lý do không mua hết cổ phiếu L14 đã đăng ký
Ở một diễn biến đáng lưu ý khác, ông Phạm Văn Quang, em trai ông Phạm Gia Lý, Chủ tịch HĐQT Licogi 14 vừa mua vào 10.000 cổ phiếu L14 để nâng sở hữu từ 33.317 cổ phiếu lên 43.317 cổ phiếu (0,14% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện từ ngày 24/2 đến ngày 24/3.
Trước đó, ghi nhận trên hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày 27/2 đến ngày 24/3, ông Phạm Văn Quang đăng ký mua 20.000 cổ phiếu L14 để nâng sở hữu từ 33.317 cổ phiếu lên 53.317 cổ phiếu, tương đương 0,17% vốn điều lệ.
Như vậy, theo báo cáo kết quả giao dịch, ông Phạm Văn Quang đã giao dịch ngoài khung đăng ký khi đăng ký giao dịch từ ngày 27/2 nhưng đã giao dịch từ ngày 24/2 và đặc biệt chưa giải trình lý do không mua hết lượng cổ phiếu đã đăng ký.
Ở một diễn biến khác, bà Nguyễn Thúy Ngư, chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT Licogi 14 đăng ký bán 304.800 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2,69% về còn 1,7% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện ngày 15/3 đến ngày 15/4/2023.
Trước đó, từ ngày 3/11/2022 đến ngày 2/12/2022, bà Nguyễn Thúy Ngư đã bán ra 704.300 cổ phiếu L14 để giảm sở hữu từ 4,97% về còn 2,69% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu L14 tăng 2.000 đồng lên 54.200 đồng/cổ phiếu.