Liêm chính khoa học nhìn từ trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng
Với 42 công trình Toán học đăng trên nhiều tạp chí nổi tiếng thế giới, đứng tên 3 trường đại học (ĐH) trong nước, PGS-TS Đinh Công Hướng - nhà nghiên cứu Toán học có năng lực bị tố là thiếu liêm chính trong khoa học (KH). Phó giáo sư (PGS) Hướng đúng hay sai khi bán chất xám của chính mình? Những công trình ông Hướng đứng tên (bán) cho ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Thủ Dầu Một để giúp các trường này 'thăng hạng ảo' có hợp pháp?
Tự trọng - phẩm chất của nhà khoa học
Phó giáo sư Đinh Công Hướng là nhà nghiên cứu Toán học khá hiếm hoi đang công tác trong nước (Trường ĐH Quy Nhơn, nay chuyển về Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) có đến 42 công trình nghiên cứu Toán học - theo thống kê từ cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành Toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ, thì quả thật đó là 1 nhà nghiên cứu có năng lực. Trong số này, 13 công trình đứng tên PGS Hướng, ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 4 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Thủ Dầu Một, còn lại ghi Trường ĐH Quy Nhơn (đơn vị ông công tác trước đó), là nguồn cơn cho ai đó muốn "tố cáo" ông thiếu liêm chính trong KH.
Từ năm 1997 đến ngày 28/02/2023, PGS Hướng là giảng viên cơ hữu (GVCH) của Trường ĐH Quy Nhơn. Từ ngày 01/3/2023, ông chuyển về làm GVCH của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đến nay. Đáng lưu ý, từ khi chuyển về Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, chỉ trong vài tháng, PGS Hướng đã cùng cộng sự hoàn thành 5 công trình KH, công bố trên một số tạp chí danh tiếng thuộc danh mục ISI/Scopus, càng khẳng định năng lực nghiên cứu của vị PGS này.
Khi có một "báo cáo (thực tế là đơn tố cáo) vi phạm liêm chính KH của PGS-TS Đinh Công Hướng" được gửi đến Ban điều hành Quỹ phát triển KH và công nghệ quốc gia (Nafosted), Hội đồng (HĐ) ngành Toán của Quỹ Nafosted - mà PGS-TS Đinh Công Hướng là thành viên HĐ khoa học ngành Toán - và nhiều cơ quan cùng một số nhà KH, ngay lập tức PGS Hướng đã gửi đơn xin rút khỏi HĐ này. Hành động trên cho thấy PGS Hướng rất tự trọng, dù chưa có đơn vị nào xác định ông đúng hay sai. Trong đơn, ông Hướng cũng trình bày khuyết điểm của mình và gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến HĐ khoa học ngành Toán của Quỹ Nafosted.
Phó giáo sư Hướng có gì đó sai sai? Có thể không - bởi thời gian ông công tác ở Trường ĐH Quy Nhơn không có quy định GVCH không được ký hợp đồng nghiên cứu KH với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu KH của trường. Cho đến khi về Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, có quy định rõ ràng về việc GVCH không được đứng tên, địa chỉ cơ sở giáo dục ngoài đơn vị cơ hữu và có chế tài xử lý rất nghiêm khắc, thì PGS Hướng chấp hành nghiêm, 5 công trình KH sau đó đều đứng tên trường ĐH này là một minh chứng.
Trả lời báo chí, PGS Hướng rất chân thành: "Bản thân tôi liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học (NCKH) theo quy định của trường (ĐH Quy Nhơn). Vì điều kiện kinh tế gia đình, tôi rất cần công việc làm thêm để tăng thu nhập" - đó là một trải lòng đớn đau khi ai đó lợi dụng cách kiếm tiền liêm chính bằng cách bán chất xám của mình của ông Hướng để "đánh" vị PGS có năng lực nghiên cứu Toán học này!
Thực tế, về mặt pháp lý, ngay cả khi đang là GVCH của Trường ĐH Quy Nhơn, nếu ông Hướng có hợp đồng nghiên cứu cho các trường ĐH khác (có đóng thuế thu nhập), hoặc thỉnh giảng ở đó, thì công trình NCKH đứng tên trường ĐH đó cũng bình thường, vì ông Hướng không dùng cơ sở vật chất của trường mình đang công tác để nghiên cứu cho trường khác, bởi nghiên cứu Toán học chỉ cần máy tính + cái đầu Toán học. Phó giáo sư Hướng tự nghiên cứu, không dùng kinh phí từ nguồn quỹ nào khác, kể cả của Trường ĐH Quy Nhơn; ngoài ra, tự thân các công trình NCKH được công nhận có giá trị của nó, rất có ích cho xã hội.
Vậy PGS Đinh Công Hướng có vi phạm tính liêm chính? Có thể không, nếu ông có ký hợp đồng nghiên cứu với các trường ĐH khác đồng thời đóng thuế đầy đủ và nếu chưa đóng thuế, cơ quan thuế có thể truy thu. Nói thẳng ra, việc bán chất xám của chính mình chẳng có gì sai.
Vậy ai vi phạm tính liêm chính trong khoa học?
Đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Thủ Dầu Một - hai trường có thể đã "mua" công trình KH của PGS Hướng, với mục đích lấy thành tích để nâng xếp hạng ĐH. Nếu hai trường này có hợp đồng nghiên cứu với PGS Hướng thì có thể hợp pháp. Nhưng ở đây lại đụng chạm đến vấn đề khác là các trường này cố tình mua các công trình NCKH trong và ngoài nước, đứng tên trường mình để mưu cầu được "thăng hạng" đạt "đẳng cấp quốc tế" trên bảng xếp hạng nhằm mục đích thương mại - ở đây là thu hút sinh viên theo học, vì lợi nhuận.
Khoảng 10 năm gần đây, các trường ĐH trong nước có sự bứt phá về số lượng bài báo nghiên cứu đăng trên các tạp chí KH có uy tín (trong các danh mục ISI, Scopus). Nếu chỉ tính riêng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, những năm gần đây bỗng nhiên trở thành ĐH đứng đầu trong nước có nhiều công trình công bố quốc tế. Theo Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), công bố ISI của Việt Nam năm 2019 ước tính khoảng 7.705 bài, nhưng riêng công bố của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chiếm gần 28% trong số này.
Cần lưu ý rằng ở giai đoạn 2008-2012, số công bố quốc tế trên Tạp chí danh mục ISI của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ khoảng dăm bảy bài/năm, năm nhiều nhất cả trường cũng chỉ có 12 bài. Sau đó, số lượng công bố có ghi địa chỉ trường này tăng rất nhanh, tốc độ bài đăng tăng gấp đôi, gấp 3 sau mỗi năm: 26 bài (2013), 53 (2014), 185 (2015), 411 (2016), 735 (2017), 1.289 (2018), 2.134 (2019). Thậm chí Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn được xếp thứ 6 thế giới về ngành Toán, cao hơn cả Cambridge, Oxford, MIT, UC Berkeley, mà thực chất là họ có thể mua các tác giả có chỉ số trích dẫn cao.
Với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chuyện "mua" công trình NCKH đã diễn ra từ lâu, có thể được hợp thức hóa bằng "hợp đồng làm việc" giữa trường và các nhà nghiên cứu. Nhờ vậy, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã lọt vào nhiều bảng xếp hạng ĐH, là cơ sở ĐH duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 701 - 800 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2020 theo Bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) - cũng là năm thứ 2 trường lọt vào bảng xếp hạng này.
Từ đó, trên trang chủ của mình, trường cũng giới thiệu "là ĐH số 1 Việt Nam và top 1.000 ĐH tốt nhất thế giới về mọi mặt"! Tuy nhiên sau khi có dư luận cho rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng "mua" bài báo KH để "nâng cấp" trường, thì năm 2022 trường này chỉ còn 455 bài báo công bố quốc tế, bằng 1/6 của năm 2020!
Có nhiều dư luận không hay về việc mua bài báo KH của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường này có làm "hợp đồng làm việc" với các nhà nghiên cứu và trả kinh phí nghiên cứu cho nhà KH tùy kết quả nghiên cứu. Cụ thể là 3.780 USD/bài báo hạng 1 được ISI chấp nhận hoặc xuất bản, hay 2.670 USD/bài hạng 2; ngoài ra còn có nhiều mức giá khác nhau tùy vào chất lượng nghiên cứu. Khi dư luận đặt câu hỏi về chất lượng nghiên cứu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường này hạn chế việc mua bài của các nhà KH trong nước, mà mua của nước ngoài.
Với ĐH Thủ Dầu Một cũng vậy. Theo trang chủ của trường này, ngày 17/02/2023, VNUR (Viet Nam's University Rankings) đã công bố kết quả bảng xếp hạng 100 trường ĐH tốp đầu, ĐH Thủ Dầu Một giữ vị trí thứ 15 trong tốp 100 trường ĐH ở Việt Nam và trên tổng số 191 trường hội đủ các tiêu chí xếp hạng.
Thực tế trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, việc mua bán bài báo KH có chỉ số trích dẫn cao để đạt thứ hạng trong các bảng xếp hạng ĐH là vấn nạn trong học thuật.
Không thể nói khác, hai trường ĐH vừa nêu vi phạm tính liêm chính trong KH, do mua bài báo KH với mục đích thương mại để thu hút sinh viên theo học. Nhờ đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cả Trường ĐH Thủ Dầu Một đã "thành công"!
Bán chất xám của chính mình, sao cho là không liêm chính?
Dư luận có thể lên án hành vi "bán" công trình nghiên cứu của PGS Hướng cho các trường này, qua đó góp phần để các trường trên "nâng cấp", đánh lừa người học, nhưng bản chất các công trình nghiên cứu của PGS Hướng tự thân nó đã có giá trị học thuật, thì PGS Hướng không có lỗi.
Nghiên cứu, với các nghiên cứu sinh, giảng viên ĐH, ứng viên các chức danh PGS, giáo sư (GS) trong nước là yêu cầu nghiêm túc nhưng thực hiện được là một vấn đề, thậm chí có người vài ba năm chưa có nổi 1 công trình. Nhiều người không thể đáp ứng yêu cầu này. Có cầu thì có cung, hình thành thị trường thuê viết bài báo KH, thậm chí xuất bản bài báo trên tập san KH dỏm... để hoàn tất hồ sơ bảo vệ luận văn và được công nhận chức danh PGS, GS.
Còn cỡ PGS Đinh Công Hướng, với hơn 42 công trình nghiên cứu Toán học được đăng trên nhiều tập san KH uy tín, ông thừa sức lấy chức danh GS. Nhưng có lẽ cái ông cần, như ông tâm sự với báo chí là "... thừa giờ NCKH theo quy định của trường (ĐH Quy Nhơn). Vì điều kiện kinh tế gia đình, tôi rất cần công việc làm thêm để tăng thu nhập" - bản chất vấn đề là ông bán chất xám để sống và nghiên cứu, thì có gì sai?
Phó giáo sư Hướng bán chất xám của mình để sống. Những công trình nghiên cứu ông không dùng tiền của trường nào, quỹ nào và hành vi ngay lập tức nhận khuyết điểm đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến HĐ khoa học ngành Toán của Quỹ Nafosted, xin thôi làm thành viên của HĐ này, cho thấy thái độ rất tự trọng và liêm chính của một nhà nghiên cứu có năng lực và nghiêm túc.
Qua vụ việc của PGS Hướng, người làm KH chân chính cảm thấy rất đau lòng. Một cơ chế tài chính nào cho các nhà KH có năng lực là câu hỏi cần đặt ra.
Một nhà KH chân chính, có năng lực nghiên cứu tốt như vậy, nếu được đãi ngộ xứng đáng, chắc chắn PGS Hướng còn nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn nữa.
Cơ sở pháp lý của vấn đề liêm chính trong khoa học
Vấn đề "liêm chính khoa học" ở nước ta chỉ có quy định tại Nghị định 109/2022 của Chính phủ, về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH ban hành ngày 30/12/2022, trong đó điều 20 nêu rõ:
"Cơ sở giáo dục ĐH ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động KH - CN và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Cơ sở giáo dục ĐH ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận, bịa đặt trong hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo".
Lưu ý: Nghị định này không có quy định nào ràng buộc mà yêu cầu các cơ sở giáo dục tự ban hành các quy định; và chỉ có hiệu lực từ 01/3/2023. Trong khi đó tuyệt đại đa số công trình nghiên cứu của PGS Đinh Công Hướng thực hiện trong thời gian trước đó.