Liên đoàn Arab đang chia rẽ

Ngày 22/3/1945, khi lãnh đạo 6 quốc gia của thế giới Arab ngồi lại với nhau tại Cairo để cùng ký vào văn bản thành lập Liên đoàn các quốc gia Arab (AL), họ đã hy vọng vào một thế giới Arab đoàn kết hơn nhiều so với thực trạng chia rẽ hiện nay.

Tham vọng thuở ban đầu

Khởi nguồn của Liên đoàn Arab lại xuất phát từ ý tưởng của người Anh, những người đã giữ phần lớn quyền thống trị tại thế giới Arab từ trước Thế chiến 2. Mặc dù sự chia rẽ của thế giới Arab vào thời điểm đó hoàn toàn có lợi cho những kẻ thực dân Anh, nhưng diễn biến của cuộc Chiến tranh thế giới 2 với thế yếu của Đế quốc Anh trong giai đoạn đầu đã khiến người Anh phải tìm cách xây dựng một liên minh của người Arab, trong nỗ lực nhằm lôi kéo họ làm đồng minh với mình trong cuộc chiến chống lại phe phát xít từ năm 1942.

Các hội nghị xa hoa không che giấu được sự chia rẽ từ bên trong của những người Arab.

Các hội nghị xa hoa không che giấu được sự chia rẽ từ bên trong của những người Arab.

Giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới 2, từ ý tưởng được thực dân Anh châm ngòi, một nhóm các quốc gia Arab đã ngồi lại với nhau vào năm 1944 để đồng ý hướng tới thành lập AL. Văn bản được ký tại Cairo 1 năm sau đó còn được biết tới với tên gọi "Nghị định thư Alexandria" đã chính thức hóa sự ra đời của AL như một tổ chức đại diện cho các nước Arab. Nghị định thư ghi rõ, mục đích của AL là: "thắt chặt quan hệ giữa các quốc gia thành viên, kết nối hợp tác nhằm đảm bảo độc lập và chủ quyền của họ, xem xét một cách tổng quát các sự vụ và lợi ích của các quốc gia Arab".

Từ 6 nước thành viên ban đầu, đến năm 1993, AL đã chào đón đầy đủ 22 thành viên là các quốc gia trong thế giới Arab để trở thành đại diện đầy đủ nhất của cộng đồng chiếm tới một phần tư thế giới Hồi giáo này. Có khởi nguồn từ chủ nghĩa dân tộc Arab với lịch sử hào hùng là những đế quốc Arab hùng mạnh trong lịch sử, AL từng hy vọng sẽ đại diện cho lợi ích của nhân dân Arab và đặc biệt là theo đuổi thống nhất chính trị giữa các quốc gia Arab, một kế hoạch được gọi là "Chủ nghĩa liên Arab".

Tuy nhiên, ngay cả trong quá trình kết nạp mở rộng này, không phải lúc nào AL cũng duy trì được số lượng thành viên tham dự đầy đủ như ban đầu. Một trong những cú sốc lớn nhất của tổ chức này xảy ra vào năm 1979, khi Ai Cập đơn phương ký hiệp định hòa bình với Israel, đối thủ chính của AL kể từ ngày chính thức thành lập. Sự kiện này dẫn đến việc AL phải trục xuất Ai Cập, vốn là thành viên sáng lập và phải rời trụ sở khỏi Cairo, nơi họ đã đóng ở đó suốt từ năm 1945.

Có thể thấy, chỉ sau hơn 20 năm hoạt động, AL đã phô bày ra yếu điểm của mình khi không thể là một thực thể đủ mạnh để níu giữ các thành viên trên một con đường chung. Sự chia rẽ đã bắt đầu từ chính trung tâm của nó, nơi những người Arab thiếu đoàn kết và một định hướng đúng đắn.

Những biến động

Thế chiến 2 kết thúc tạo điều kiện cho các quốc gia Arab có cơ hội giành lại độc lập của mình nhưng đồng thời đưa đến cho họ những thách thức mới khi tồn tại như những quốc gia riêng rẽ.

Cái bắt tay giữa Arab Saudi với Israel gây phẫn nộ trong cộng đồng Arab.

Cái bắt tay giữa Arab Saudi với Israel gây phẫn nộ trong cộng đồng Arab.

Sự thành lập nhà nước Israel vào tháng 5/1948 đã khơi mào cho cuộc chiến tranh Arab-Israel lần đầu tiên. Thất bại trong cuộc chiến này đã khởi đầu cho những thất bại của AL về sau. Nhà nước Palestine của người Arab đã không bao giờ được thành lập cho đến nay bất chấp vào thời điểm năm 1948, nó được Liên hợp quốc ủng hộ. Đồng thời, sự tồn tại của nhà nước Israel ngay giữa lòng thế giới Arab đã trở thành hòn đá tảng chắn giữa con đường để đưa những người Arab đến với nhau.

Bất chấp việc giữa các nước trong AL có sự ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ để tồn tại như một liên minh quân sự thì sự phối hợp kém giữa họ thường để lại những hậu quả rất lớn. Những cuộc chiến với Israel như "Cuộc chiến 6 ngày" vào năm 1967 và "Cuộc chiến tháng Mười" năm 1973 thường kết thúc bằng những thất bại cho người Arab bất chấp họ là lực lượng mạnh mẽ và đông đảo hơn nhiều lần. Những thất bại không chỉ làm suy yếu liên minh mà còn gia tăng thêm sức mạnh cho đối thủ của họ là Israel để ngày càng thách thức AL một cách mạnh mẽ hơn.

Ngoài những thất bại quân sự, AL còn thường xuyên cho thấy sự "bất nhất" trong chính sách đối ngoại của mình. Nếu như Hội nghị thượng đỉnh Khartoum năm 1967 đưa ra nguyên tắc "3 không" vô cùng cứng rắn: Không công nhận, không đàm phán và không hòa bình với Israel, thì đến Hội nghị thượng đỉnh Beirut năm 2002, chính AL đã thông qua sáng kiến của Arab Saudi, đề nghị công nhận và bình thường hóa quan hệ với Israel.

Độc lập cho Palestine là mục tiêu, đồng thời là trở ngại cho tiến trình đoàn kết thế giới Arab.

Độc lập cho Palestine là mục tiêu, đồng thời là trở ngại cho tiến trình đoàn kết thế giới Arab.

Không chỉ những chia rẽ do bên ngoài, AL còn thất bại trong việc giữ gìn hòa bình trong chính nội bộ của mình. Cuộc xung đột giữa Iraq với Kuwait năm 1990 bùng phát dữ dội kéo theo các lực lượng quân sự quốc tế tham chiến. Sự xuất hiện của quân đội Liên hợp quốc tại đây đã xóa bỏ hoàn toàn vai trò tự bảo vệ của cái gọi là Lực lượng duy trì hòa bình Arab vốn được thành lập từ năm 1976. Cùng với đó là những sự kiện Mùa xuân Arab, xung đột Syria đã loại vai trò của các quốc gia trong khu vực như Iraq, Libya, Ai Cập, Syria kéo theo sự sụp đổ của hệ thống vận hành AL. Việc loại bỏ tư cách thành viên của Syria, Libya vào năm 2011 hay từ chối ủng hộ những cuộc chiến chống lại Israel của các lực lượng Hamas và Hezbollah đã kéo AL đi ngày càng xa khỏi những tôn chỉ mục đích ban đầu. Tiếng nói yếu ớt của AL khi chính quyền Mỹ công nhận tính hợp pháp trong việc sáp nhập Cao nguyên Golan của Israel. Gần đây, Arab Saudi còn trực tiếp đưa quân đội can thiệp vào Yemen mà không có một hành động ngăn chặn nào đến từ AL. Thay vì đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau, AL đã trở thành kẻ ngoài cuộc trong chính những biến cố đang làm lung lay vị thế của mình.

Nguyên nhân rạn vỡ

Thế giới Arab vốn đầy những biến động. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài luôn trở thành chất xúc tác cho những biến động như thế. Nhưng, để có thể phá vỡ một cộng đồng dân tộc như người Arab, sai lầm chỉ có thể là của chính họ.

1 đến 2 năm một lần, Hội nghị thượng đỉnh AL vẫn diễn ra đều đặn với những khẩu hiệu biến nó thành “đỉnh cao của sự đoàn kết và quyết tâm” - trích lời phát biểu của Tổng thống Tunisia, Mohammed Beji Caid Essebsi tại Thượng đỉnh năm 2019. Nhưng, kỳ thực, những cuộc hội họp xa hoa, đầy phô trương của những nhà lãnh đạo Arab đã bị đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của nó khi phần lớn không đem lại kết quả gì.

Thế giới Arab rộng lớn từng được hy vọng có thể đoàn kết trong một thực thể thống nhất là Liên đoàn Arab.

Thế giới Arab rộng lớn từng được hy vọng có thể đoàn kết trong một thực thể thống nhất là Liên đoàn Arab.

Theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Marwan Bishara, tới từ báo Al Jazeera thì trong nhiều năm qua "các nhà lãnh đạo Arab tham gia một trò chơi đổ lỗi nhưng không đoàn kết xung quanh một chiến lược để đối phó hiệu quả với các cường quốc khu vực và quốc tế khác nhau đang can thiệp vào thế giới Arab". Trong khi đó, "họ đã thất bại trong việc đối phó với những thách thức trong nội bộ Arab". Với việc "các nhà lãnh đạo Arab tuyên bố chỉ đặt lợi ích người dân của họ lên trên lợi ích của thế giới Arab rộng lớn hơn thì khi xét theo lịch sử và tình hình hiện tại, tất cả những nỗ lực như vậy đã kết thúc thất bại thảm hại trong việc bảo vệ không chỉ lợi ích toàn Arab, mà còn cả lợi ích cụ thể từng quốc gia của các dân tộc Arab". Có thể nói, nhà bình luận tới từ tờ báo Arab lớn nhất đã chỉ trích thẳng thừng sự chia rẽ của các nhà lãnh đạo Arab khi từ bỏ những nguyên tắc cơ bản ban đầu của AL.

Đồng quan điểm này, giáo sư Sean Yom tại Đại học Temple, Philadelphia, Mỹ cũng thấy "sự cạnh tranh và bất đồng trong nội bộ AL, được củng cố bởi thực tế là một số lượng lớn các quốc gia này đang đấu tranh với chủ quyền hoặc sự thống nhất nội bộ kể từ Mùa xuân Arab" và "AL không còn phù hợp ngày nay".

Dĩ nhiên, khi sự chia rẽ đã lên tới đỉnh điểm, người ta có quyền nghĩ tới việc giải tán AL như một tổ chức khu vực không hiệu quả. Nhưng, thực tế, để giải tán AL không phải là chuyện dễ, bởi nếu thế sẽ là sự công nhận thất bại của tất cả 21 thành viên đang nắm giữ phiếu bầu trong AL. Một điều không phải thành viên nào cũng chấp nhận. Và, bất chấp sự suy giảm của chủ nghĩa liên Arab, vẫn còn một niềm tin lãng mạn trong giới trí thức và tinh hoa Arab rằng sự thống nhất khu vực là có thể đạt được. Bởi tính thần Arab vẫn có thể là một khối và AL có thể tiếp tục hoạt động như một biểu tượng cho sự hợp tác tiềm năng. Dẫu rằng tất cả chỉ là hy vọng.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lien-doan-arab-dang-chia-re-i688438/