LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ: XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH HAY LUẬT HÓA TRONG DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)?
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Dự thảo tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri, Nhân dân góp ý vào dự thảo luật, trong đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với Liên đoàn hợp tác xã nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.
TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Theo tờ trình của Chính phủ, đối tượng và phạm vi điều chỉnh được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng tổ hợp tác và Liên đoàn hợp tác xã, làm rõ vị trí và vai trò tổ chức Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Như vậy, các tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Việc mở rộng phạm vi, đối tượng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, trong đó quy định một số điều cơ bản về Liên đoàn hợp tác xã để Chính phủ có cơ sở pháp lý thực hiện theo lộ trình hợp lý để vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm và thể chế hóa ngay ở các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ về Liên đoàn hợp tác xã, bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều quốc gia, Liên đoàn hợp tác xã phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức đại diện trong một ngành, lĩnh vực theo chiều dọc (như lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng, ngân hàng, ngành cá, ngành sữa, kiểm toán...).
Với lập luận đó, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) giao Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của Liên đoàn hợp tác xã; thành viên, góp vốn, quyền, nghĩa vụ của thành viên của Liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế. Thành viên Liên đoàn hợp tác xã bao gồm thành viên chính thức là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp; thành viên liên kết có góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn là các pháp nhân.
Dự thảo Luật cũng quy định một số điều cơ bản, ngoài các quyền và nghĩa vụ chung của thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, Liên đoàn hợp tác xã còn được quy định bổ sung quyền và nghĩa vụ đại diện cho thành viên của mình trong ngành, lĩnh vực, chuỗi liên quan, các hoạt động chuyên môn hóa cao.
Nên hay chưa nên luật hóa Liên đoàn hợp tác xã trong lần sửa đổi luật này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ phía đại biểu Quốc hội và chuyên gia.
TS. Nguyễn Mạnh Cường, Viện Trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, đến nay chỉ có tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân được công nhận chính thức là kinh tế tập thể và được điều chỉnh bởi Luật Hợp tác xã, Luật các tổ chức tín dụng, các Nghị định của Chính phủ và được đánh giá, báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể. Ở Việt Nam đang có xu hướng thành lập các Liên đoàn hợp tác xã, tuy nhiên chưa có cơ sở pháp lý và các nghiên cứu cụ thể về tổ chức và hoạt động của mô hình này. Vì vậy, rất cần có những nghiên cứu cụ thể về mô hình này.
Theo kinh nghiệm quốc tế, Liên đoàn hợp tác xã là tổ chức của các hợp tác xã, do các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong 1 nước hoặc 1 vùng lãnh thổ thành lập ở các cấp (quốc gia; vùng; tỉnh/thành phố; quận, huyện) tùy theo các quy định pháp luật của từng nước, vùng lãnh thổ đó. Tại Thái Lan chỉ có 2 cấp (Liên đoàn Hợp tác xã Thái Lan và Liên đoàn Hợp tác xã cấp tỉnh/thành phố); nhưng có nhiều nước có 3 cấp, như Cộng hòa Liên bang Đức, Malaysia (Liên đoàn Hợp tác xã quốc gia, Liên đoàn Hợp tác các vùng, Liên đoàn Hợp tác xã cấp tỉnh); nhiều quốc gia còn thành lập liên đoàn hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực (liên đoàn hợp tác xã nghề cá, nông nghiệp, tín dụng, thương mại, bảo hiểm…) như ở Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan, Canada, Thụy Điển …).
TS Bùi Ngọc Dũng, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay đang có có 3 mô hình hợp tác gồm: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và tổ chức đại diện là Liên minh Hợp tác xã. Cho rằng chưa nên đưa vào dự thảo Luật quy định về Liên đoàn Hợp tác xã, TS Bùi Ngọc Dũng phân tích, Ban soạn thảo quy định về thành viên Liên đoàn hợp tác xã, quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn hợp tác xã tại mục 3, chương VI dự thảo luật Hợp tác xã (sửa đổi) là chưa thực sự cần thiết. Bởi Nghị quyết Nghị quyết 20-NQ/TW tháng 6/2022 cũng đã nêu rõ “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Vì vậy, nên tiến hành thí điểm trong thực tiễn, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi luật hóa quy định này để đảm bảo tính khả thi và đủ sức thuyết phục.
Hơn nữa, giải thích từ ngữ trong dự thảo luật về Liên đoàn hợp tác xã cũng chưa phù hợp. Theo đó, dự thảo luật nêu: Liên đoàn hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhất định, do ít nhất 05 thành viên sáng lập là liên hiệp hợp tác xã hoặc hợp tác xã tự nguyện thành lập hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và năng lực xuất-nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu thành viên, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Ngọc Dũng đề nghị sửa thành: Liên đoàn hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề hoặc trong chuỗi giá trị chuyên môn hóa cao, do ít nhất 05 thành viên sáng lập là liên hiệp hợp tác xã hoặc hợp tác xã tự nguyện thành lập hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và năng lực xuất-nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu thành viên, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình.
Mặc dù Nghị quyết 20-NQ/TW đã nêu nghiên cứu, xây dựng thí điểm nhưng việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã là chưa đủ căn cứ cả về mặt chính trị, pháp lý và thực tiễn. Do đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật; việc luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã sẽ được xem xét, điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm chưa nên đưa vào quy định trong luật, bởi Nghị quyết của Đảng mới đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng thí điểm, chưa yêu cầu thể chế hóa mà nên tổ chức thí điểm sau đó đưa vào luật sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu nhấn mạnh, mặc dù trên thế giới, mô hình Liên đoàn hợp tác xã khá phổ biến nhưng chưa có ở Việt Nam, trong khi hệ thống Liên minh hợp tác xã ở các cấp hoạt động hiệu quả và nước ta tới 400 hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, các hợp tác xã có thể tham gia vào để liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy phát triển các ngành hàng phát triển.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cân nhắc đưa Liên đoàn hợp tác xã vào dự thảo luật, bởi đến thời điểm này mới có một mô hình ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (theo báo cáo tổng kết Luật Hợp tác xã năm 2012). Theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW về đổi mới kinh tế hợp tác mới đề ra mục tiêu phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó nòng cốt là hợp tác xã, hoàn toàn chưa đề cập đến liên đoàn hợp tác xã. Đại biểu cho rằng việc chỉ căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế để đề xuất quy định đối với Liên đoàn hợp tác xã chưa phù hợp.
Bên cạnh ý kiến đề nghị thí điểm Liên đoàn Hợp tác xã trước khi thể chế hóa trong luật, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng cần có một điều luật cơ bản trong dự thảo luật lần này để thể chế hóa, có căn cứ pháp lý về việc thành lập và phát triển các mô hình Liên đoàn Hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Hơn nữa, Liên đoàn Hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều các nước trên thế giới, phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa là hoạt động như một tổ chức, đại diện của một ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng. Việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp là thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác, không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Theo đại biểu Tráng A Dương, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều tổ chức hợp tác có quy mô lớn hoạt động trên phạm vi cả nước nhưng đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành, như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không chia và tài sản không chia. Việc thành lập mô hình Liên đoàn Hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để đảm bảo chính sách của nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết số 20-NQ/TW...
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, giải trình ý kiến đai biểu nêu, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên thực tiễn nhu cầu thành lập các liên đoàn tại Việt Nam đã có, đặc biệt với các Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn như Liên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp ở Đồng Nai hay các Hợp tác xã trong ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này đã phổ biến trên thế giới, trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn hợp tác xã. Hơn nữa, việc quy định vấn đề này tại luật để xác định địa vị pháp lý của loại hình này và cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể hướng dẫn, quản lý mô hình này.
Như vậy, việc luật hóa Liên đoàn hợp tác xã hay tiến hành thí điểm, tổng kết, xây dựng mô hình sau đó đưa vào luật vẫn còn ý kiến, quan điểm khác nhau. Vấn đề này tiếp tục được chuyên gia, cử tri, đối tượng chịu tác động và đại biểu Quốc hội cho ý kiến, phân tích, bàn thảo để tìm phương án tối ưu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73431