Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp Việt Nam năm 2023
Chiều 15/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 12 điểm cầu các huyện, thành phố với 800 đại biểu tham dự.

Đại biểu dự tại điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh quán triệt nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cơ cấu tổ chức bộ máy công đoàn trong thời gian tới theo Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy MTTQ, các đoàn thể và hội quần chúng.
Hiến pháp năm 2013 sau 10 năm triển khai đã phát huy vai trò to lớn trong đời sồng chính trị - pháp lý của đất nước, tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nghiên cứu và lấy ý kiến để xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là rất cần thiết. Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Với tinh thần dân chủ, khách quan và trách nhiệm, 100% công đoàn cơ sở triển khai lấy ý kiến từ đoàn viên, người lao động thông qua nhiều hình thức như: Lấy ý kiến bằng văn bản, sử dụng các nền tảng trực tuyến: email, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, Facebook công đoàn...) để tuyên truyền và tiếp nhận ý kiến rộng rãi từ đoàn viên và người lao động. Các ý kiến đóng góp được các cấp Công đoàn tổng hợp gửi bằng văn bản về LĐLĐ tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các nội dung cụ thể của bản Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, quyền của người lao động, tổ chức công đoàn, cũng như vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, như: đánh giá, xem xét các nội dung liên quan đến tính độc lập của tổ chức công đoàn thay vì quy định "các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ" thành "các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ" cho phù hợp; vị trí vai trò của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn...