Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng: Làm sao để tránh 'nhàm chán'?

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF II) năm 2024 đã khép lại với Lễ Bế mạc ấn tượng cùng nhiều giải thưởng được trao. Tuy nhiên, để LHP trở nên quy mô và hấp dẫn hơn sẽ còn nhiều việc phải làm. TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF 2024 trao đổi với NB&CL về những điểm nhấn của DANAFF 2024 và định hướng cho những LHP tiếp theo.

+ Xin chúc mừng Ban tổ chức DANAFF vừa có một kỳ LH được đánh giá là chuyên nghiệp và thành công. Năm 2023, ngay lần đầu tổ chức, DANAFF cũng tạo được dấu ấn riêng. Vậy đâu là những nét nổi bật của DANAFF 2024, thưa bà?

- DANAFF được định hướng tổ chức theo chuyên đề “LHP Châu Á” vì mở rộng ra các khu vực trên thế giới cũng rất hay, nhưng dù sao điện ảnh Việt Nam vẫn gắn kết với Châu Á nhiều hơn. Với khẩu hiệu “Nhịp cầu Châu Á”, chúng tôi muốn hội nhập sâu rộng với thế giới nên chọn tiêu điểm về điện ảnh Pháp và những bộ phim Pháp về đề tài Việt Nam bởi vì điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam có nhiều duyên nợ. Khi chọn chuyên đề và tiêu điểm như vậy, chúng tôi có cảm giác là đi đúng với chủ đề của LHP là bắc một nhịp cầu Châu Á sang Châu Âu, từ phương Đông sang phương Tây.

Ngoài ra, tính chuyên môn của DANAFF II được nâng cao bởi vừa có những tham luận đi sâu vào nghề nghiệp lại vừa có những trao đổi gắn với cơ chế, chính sách. Điều này thiết thực cả cho các nhà làm phim và nhà quản lý. Hội thảo về điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam gợi ra được rất nhiều suy nghĩ về học thuật. Các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy ở đây những chất liệu dày dạn về mối quan hệ giữa hai nền điện ảnh Pháp - Việt. Trong khi đó, hội thảo về hợp tác sản xuất phim lại chia sẻ những kinh nghiệp quốc tế và gợi ý những giải pháp về phát triển hợp tác, thu hút đoàn làm phim…

 Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” được nhận Giải thưởng NETPAC (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á).

Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” được nhận Giải thưởng NETPAC (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á).

Tại DANAFF 2024 cũng là lần đầu tiên giải thưởng Thành tựu điện ảnh được trao. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì giải thưởng này, có thể là thường niên hoặc có thể vào thời điểm thích hợp và dự kiến sẽ mở ra để trao cho các nhà làm phim xuất sắc ở khu vực Châu Á. Khi mà giải thưởng mở rộng ra cho những nhà làm phim nước ngoài thì đồng nghĩa là LHP khẳng định được uy tín nghề nghiệp của mình.

Về mặt khán giả, mùa trước có những buổi chiếu phim chưa thực sự đông nhưng lần này khán giả đến nhận vé phải xếp hàng dài và vé đã hết ngay trước khi LHP khai mạc. Hiệu ứng phản hồi từ khán giả cũng rất tốt, nhiều buổi chiếu phim có phần trao đổi, hỏi đáp thú vị với đoàn phim như ở bất cứ một LHP quốc tế nào.

+ Muốn có một LHP chất lượng, trước hết phải tập hợp được nhiều bộ phim hay. Bà có nhận xét gì về việc tuyển chọn phim tham dự DANAFF 2024 và đánh giá của Ban giám khảo?

- Việc tuyển chọn phim tại LH này khá tốt. Các phim dự thi trong chương trình Điện ảnh Châu Á đều rất mạnh và ngôn ngữ điện ảnh của các tác phẩm này cũng khá độc đáo. Có chuyên gia điện ảnh nước ngoài nói với tôi rằng, ông vừa đến một vài LHP thì thấy tuyển chọn phim dự thi có những phim yếu, nhưng điều đó không xảy ra tại DANAFF 2024.

Đương nhiên, với một LHP, người ta sẽ nghĩ đến việc lựa chọn những bộ phim nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam nếu làm vậy thì chúng ta sẽ không có phim bởi vì số lượng phim nghệ thuật rất ít. Trong số khoảng 40 - 50 phim được sản xuất hàng năm thì chỉ có 1 - 2 phim theo dòng nghệ thuật, thậm chí có năm còn chẳng có phim nào. Vì vậy, đối với phim Việt Nam dự thi, chúng tôi chọn những bộ phim có chất lượng tốt nhất ra mắt trong năm và những phim được khán giả yêu thích.

Chúng tôi rất mừng là có nhà làm phim từ trước đến nay luôn từ chối gửi phim dự các LHP, nhưng lần này đã tham gia. Đưa phim dự thi sẽ khiến các nhà làm phim ngoài việc hướng đến mục tiêu doanh thu thì sẽ quan tâm hơn đến tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng nghệ thuật. Đặc biệt, tại DANAFF 2024, hai bộ phim Việt Nam ở hạng mục Phim châu Á dự thi đều rất mạnh, có cá tính cả trong cách kể chuyện cũng như trong ngôn ngữ điện ảnh. Và như chúng ta đã biết, một phim được giải xuất sắc nhất và một phim giành giải đạo diễn.

Về phía Ban giám khảo, DANAFF 2024 mời được những chuyên gia hàng đầu của điện ảnh thế giới. Năm ngoái đến với LHP chỉ có những chuyên gia châu Á nhưng năm nay có những chuyên gia đến từ Pháp (Nguyên Chủ tịch Cinefondation của LHP Cannes), từ Đức (Giám đốc LHP Berlin 2024 - 2029), diễn viên Trần Nữ Yên Khê (người góp phần quan trọng trong các phim thành công của đạo diễn Trần Anh Hùng), rồi các đạo diễn châu Á tên tuổi. Những chuyên gia này mang tới góc nhìn rất khách quan và chuẩn xác.

Bên cạnh đó là hai vị có thể nói là quan trọng nhất của LHP Busan là nhà sáng lập, cựu Chủ tịch Kim Dongho và tân Chủ tịch Park Kwangsu. Bởi thế chúng tôi đã tổ chức được 4 hội thảo và tọa đàm, trong khi năm ngoái chỉ có 2 hội thảo. Các hội thảo, tọa đàm có nội dung rất thiết thực, gợi mở ra nhiều vấn đề cho các nhà làm phim trong nước cũng như để các chuyên gia, các nhà làm phim nước ngoài hiểu biết thêm về điện ảnh Việt Nam.

 Phim “A girl named Ann” (Cuộc đời của Ann) của đạo diễn Yu Irie mang về hai giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc và Giải đặc biệt của Ban Giám khảo.

Phim “A girl named Ann” (Cuộc đời của Ann) của đạo diễn Yu Irie mang về hai giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc và Giải đặc biệt của Ban Giám khảo.

+ Đứng trên cương vị một nhà lý luận phê bình điện ảnh, việc không có giải biên kịch xuất sắc nhất phản ánh điều gì của điện ảnh Việt Nam, thưa bà?

- Từ lâu nay, khâu kịch bản ở Việt Nam khá yếu, chúng ta luôn thiếu những kịch bản hay để làm phim. Có một số phim kịch bản đặt ra nhiều vấn đề nhưng lại ôm đồm, nhiều tham vọng khiến người xem “rối trí” hoặc thờ ơ.

Theo tôi, cái quan trọng nhất của một bộ phim là cách kể chuyện. Cho nên, kịch bản dù không “áp” vào những vấn đề lớn nhưng khai thác được những nét tinh tế, sâu thẳm thì sẽ gợi mở hoặc tạo cho đạo diễn những cảm hứng để có cách kể chuyện hay, độc đáo. 10 phim tham dự hạng mục phim Việt Nam vừa qua không phải là phim thuộc dòng nghệ thuật, vì thế những khám phá trong cách kể chuyện cũng như trong ngôn ngữ điện ảnh còn hạn chế.

Tôi cho rằng, điều này phản ánh trung thực diện mạo của điện ảnh Việt Nam bây giờ. Nếu chỉ chọn phim nghệ thuật thì chúng ta sẽ rất khó có hạng mục phim dự thi cho phim Việt Nam. Nhưng cũng rất cần khích lệ các nhà làm phim trong nước cho nên Ban tổ chức đã mở hạng mục này để mời, để chọn những phim phục vụ thị trường. Chúng tôi cũng hoàn toàn tôn trọng quyết định của Ban giám khảo. Việc Ban giám khảo không chọn được giải kịch bản là điều chúng ta phải chấp nhận.

+ Có ý kiến của nhà làm phim nước ngoài chia sẻ rằng, việc họ đến với DANAFF - một LH rất “trẻ và nhỏ” vì cảm thấy những LHP lớn có phần nào đó nhàm chán. Theo bà, làm sao để DANAFF tránh được sự nhàm chán này khi tương lai sẽ có thêm nhiều kỳ tổ chức?

- Đây là điều những người tổ chức phải cố gắng hằng năm, phải tạo ra những dấu ấn trong mỗi kỳ LHP. Tất nhiên, điều đó tiêu tốn nhiều công sức và có thể coi là sức ép, là gánh nặng đối với Ban tổ chức, nhưng cần làm khi DANAFF đang xây dựng thương hiệu. Để chuẩn bị cho mùa 3, có những việc sẽ phải làm ngay từ bây giờ. Dự kiến trong tháng 8 này sẽ phải ra được concept cho năm tới rồi. Mục tiêu là chất lượng: Chất lượng trong các hạng mục phim dự thi, chất lượng trong các hạng mục chiếu giới thiệu phim, các hạng mục tiêu điểm... Đồng thời, phải mời được người có uy tín, người nổi tiếng và quan trọng phải tạo ra được cái gì đó mới mẻ.

+ Xin cảm ơn bà!

Khánh Ngọc (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hoan-phim-chau-a-da-nang-lam-sao-de-tranh-nham-chan-post303021.html