Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024: Ngày hội của những người làm sân khấu

Từ ngày 12 đến 29-11, Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ 1 năm 2024 sẽ diễn ra với sự tham gia của đa số đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa trên địa bàn TPHCM. Đây được xem là một trong những hoạt động văn hóa trọng tâm nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và cũng là cuộc biểu dương lớn của những người làm sân khấu TPHCM.

Điểm son văn hóa thành phố

Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ 1 do UBND TPHCM giao Sở VH-TT TPHCM phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM và các sở ngành liên quan tổ chức. Trong cuộc họp báo giới thiệu về liên hoan, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết, liên hoan sẽ trở thành một sự kiện văn hóa thường niên của thành phố. Mỗi kỳ liên hoan tập trung vào một loại hình sân khấu cụ thể. Kỳ liên hoan đầu tiên này sẽ dành riêng cho loại hình nghệ thuật kịch nói. Lần liên hoan tiếp theo sẽ là cải lương.

 Cảnh trong vở kịch “Đồng chí” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Ảnh: THÚY BÌNH

Cảnh trong vở kịch “Đồng chí” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Ảnh: THÚY BÌNH

Liên hoan được tổ chức nhằm mục tiêu thông qua các tác phẩm tham gia, tìm kiếm, chọn lựa những vở diễn có đề tài, nội dung hay, có tính thẩm mỹ cao, có sự sáng tạo về chất liệu sáng tác, dàn dựng, có những đột phá về diễn xuất của đội ngũ diễn viên… Từ đó, giúp thành phố có đánh giá thực tế về thực trạng, chất lượng của nghệ thuật sân khấu trên địa bàn; có phương hướng, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ giới thiệu rộng rãi đến công chúng những vở diễn có chất lượng cao.

Liên hoan năm nay có 20 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa của TPHCM tham gia dự thi 25 vở kịch với sự đa dạng về đề tài như: lịch sử, truyền thống cách mạng, văn học, hài, trinh thám, xã hội, thiếu nhi…; được thể hiện qua tài năng diễn xuất của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Các vở diễn tham gia liên hoan có thời lượng 90 phút đến không quá 150 phút. Hầu hết đều là những tác phẩm tương đối mới, được dựng trong khoảng 2-3 năm qua và chưa tham gia liên hoan sân khấu nào khác. Tham gia liên hoan còn có một số vở diễn xưa được phục dựng nhưng chỉ lấy lại yếu tố tinh thần cốt lõi, còn toàn bộ hình thức thể hiện đều được sáng tạo mới, hứa hẹn đem đến cho khán giả những tác phẩm sân khấu nhiều ấn tượng.

Phong phú và đa dạng

Trong số các vở kịch nói tham gia liên hoan, một số vở đã khá quen thuộc với khán giả TPHCM thời gian qua, như: Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử, Cơn mê cuối cùng, Cánh đồng rực lửa, Bông cánh cò, Đêm vượn hú, Giáng Hương, Ông già đoàn lô tô, Tiếng chim vườn ngọc, Mễ Cốc phiêu lưu ký, Colora - Xứ sở rực rỡ, Khúc dạ tâm... Tuy nhiên, khi mang đến tham dự liên hoan, các đoàn đều có nhiều thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung chi tiết nhằm tạo thêm chiều sâu về nội dung và đầu tư mạnh trong khâu dàn dựng để đem đến sự mới lạ cho khán giả.

 Vở kịch lịch sử Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử của Nhà hát kịch Idecaf

Vở kịch lịch sử Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử của Nhà hát kịch Idecaf

Liên hoan còn có một số vở vừa mới được các đơn vị dàn dựng, như: Đồng chí, Khát vọng hòa bình, Ngày ấy Cổng Trời, Nữ tướng rừng Dừa, Cù lao dậy sóng, Vương quốc tâm hồn… Mỗi vở diễn đều có nội dung, cách thức thể hiện khác nhau nhưng tựu trung hướng khán giả đến vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, tinh thần kiên cường và yêu nước, sự sẻ chia, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau của người dân Việt Nam. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật liên hoan, các vở tham gia năm nay đều chú trọng khai thác đời sống tinh thần của các nhân vật, tạo nên nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc sâu lắng, sự rung động, chạm đến trái tim của người xem.

NSƯT Ca Lê Hồng, thành viên Hội đồng nghệ thuật liên hoan, chia sẻ: “Liên hoan như ngày hội của các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn sân khấu kịch, mọi người đang rất hồ hởi khi được góp mặt tại liên hoan lần này bằng các tác phẩm sân khấu được đầu tư dàn dựng công phu, chỉn chu, thể hiện sức mạnh và sự phát triển không ngừng của loại hình nghệ thuật kịch nói tại TPHCM, bất chấp thực tế đời sống sân khấu vẫn còn rất nhiều khó khăn”.

Liên hoan gồm nhiều hoạt động: thi diễn 25 vở kịch, triển lãm hình ảnh “Giới thiệu về những thành tựu của sân khấu TPHCM qua các thời kỳ và các hoạt động, vở diễn, nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan” tại Công viên Lam Sơn, quận 1; tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại…

Lễ khai mạc liên hoan diễn ra vào tối 12-11 tại Nhà hát TPHCM. Lễ bế mạc và trao giải thưởng diễn ra tối 29-11 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lien-hoan-san-khau-tphcm-lan-1-nam-2024-ngay-hoi-cua-nhung-nguoi-lam-san-khau-post767776.html