Liên hợp quốc: Báo động nước biển dâng nhanh đe dọa các quốc đảo tại Thái Bình Dương

Ngày 27/8, tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Tonga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra báo động khẩn cấp về tình trạng mực nước biển dâng cao nhiều hơn ở khu vực này.

Tín hiệu SOS

Theo hãng AP, nhấn mạnh về diễn biến mực nước biển đang dâng cao với tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là ở các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra báo động tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu trong cuộc họp tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương ngày 27/8.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Lần này, Người đứng đầu Liên hợp quốc đã "phát tín hiệu SOS toàn cầu - hãy cứu lấy biển của chúng ta - vì mực nước biển tăng nhanh". Ông nhấn mạnh "một thảm họa toàn thế giới đang đặt khu vực Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm".

Trước đó, Liên Hợp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới hôm 26/8 đã đưa ra các báo cáo về mực nước biển dâng cao, do tác động bởi Trái đất nóng lên, các tảng băng và sông băng tan chảy. Cả hai cơ quan này đều khẳng định khu vực Tây Nam Thái Bình Dương không chỉ bị tổn thương bởi mực nước biển dâng cao mà còn bị ảnh hưởng bởi tác động khác của biến đổi khí hậu do axit hóa đại dương và sóng nhiệt đại dương.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã đến thăm hai quốc đảo Samoa, Tonga và tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương vào ngày 27/8. Đây là khu vực đang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong tháng tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề mực nước biển dâng cao.

"Mực nước biển dâng cao là một cuộc khủng hoảng hoàn toàn do con người gây ra. Cuộc khủng hoảng sẽ sớm lan rộng đến mức gần như không thể tưởng tượng được, ví như không có 'xuồng cứu sinh' nào đưa chúng ta trở lại nơi an toàn. Một thảm họa toàn cầu đang đặt thiên đường Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm. Đại dương đang tràn bờ", ông cho biết.

Mực nước biển đang dâng cao

Một báo cáo cũng ghi nhận mực nước biển tràn vào thủ đô Nuku'alofa của Tonga đã tăng 21cm từ năm 1990 đến năm 2020, gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 10cm. Thủ đô Apia (Samoa) cũng chứng kiến mực nước biển dâng cao 31cm trong khi thủ đô Suva (Fiji) đã tăng 29cm.

"Điều này khiến các quốc đảo Thái Bình Dương rơi vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng. Khoảng 90% người dân sinh sống trong phạm vi 5 km (3 dặm) tính từ mực nước biển dâng cao", ông Guterres cho biết.

Kể từ năm 1980, lũ lụt ven biển ở đảo Guam đã tăng từ 2 lần/năm lên 22 lần/năm. Lũ lụt ven biển đã tăng từ 5 lần/năm lên 43 lần/năm ở Quần đảo Cook.

"Do mực nước biển dâng cao, đại dương đang chuyển từ người bạn thân thiết thành mối đe dọa ngày càng lớn", Celeste Saulo, tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới nói tại Nuku'alofa vào ngày 27/8.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong khi các rìa phía tây của Thái Bình Dương đang chứng kiến mực nước biển dâng cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu thì trung tâm Thái Bình Dương lại gần với mức trung bình toàn cầu hơn,

Các quan chức Liên Hợp Quốc khẳng định mực nước biển đang dâng nhanh hơn ở phía tây Thái Bình Dương nhiệt đới do băng tan từ phía tây Nam Cực đổ vào, vùng nước ấm hơn và gia tăng các dòng hải lưu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh ông có thể thấy những thay đổi trên kể từ lần cuối cùng ông đến khu vực này vào tháng 5/2019.

Trong khi đó, S. Jeffress Williams, một nhà khoa học về mực nước biển ở Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đã nghỉ hưu nhấn mạnh báo động về khí hậu là có cơ sở. Diễn biến đang trở nên đặc biệt tồi tệ đối với các đảo Thái Bình Dương vì hầu hết các đảo này đều ở độ cao thấp, vì vậy mọi người dễ gặp rủi ro hơn. Các báo cáo về mực nước biển cũng phản ánh chính xác những gì đang xảy ra.

Theo Liên Hợp Quốc, khu vực Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề mặc dù chỉ sản xuất 0,2% khí giữ nhiệt gây ra biến đổi khí hậu và đại dương mở rộng. Phần lớn mực nước biển dâng là do các tảng băng tan chảy ở Nam Cực và Greenland. Các sông băng trên đất liền cũng tan chảy góp phần làm tăng thêm mực nước biển dâng và nước ấm hơn.

Chuyên gia Williams, người không tham gia vào các báo cáo cũng đưa ra lập luận rằng "băng tan chảy ở Nam Cực và Greenland đã tăng tốc đáng kể trong 3-4 thập kỷ qua do tốc độ ấm lên cao ở các cực".

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 90% nhiệt lượng bị giữ lại bởi khí nhà kính đi vào đại dương. Mực nước biển dâng trên toàn cầu đang tăng tốc, giống như lập luận tại các nghiên cứu từng đưa ra trước đó. Ông Guterres cũng cho biết tốc độ này hiện là nhanh nhất trong 3.000 năm.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, từ năm 1901 đến năm 1971, mực nước biển dâng trung bình toàn cầu là 1,3cm mỗi thập kỷ. Từ năm 1971 đến năm 2006, mực nước biển tăng vọt lên 1,9 cm mỗi thập kỷ, sau đó từ năm 2006 đến năm 2018, mực nước biển tăng lên 3,7cm mỗi thập kỷ. Trong thập kỷ qua, mực nước biển đã dâng 4,8 cm.

Những tác động từ các thành phố giàu có trên thế giới

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng nêu bật các thành phố ở 20 quốc gia giàu nhất, chiếm 80% lượng khí giữ nhiệt, nơi mực nước biển dâng cao đang tràn vào các trung tâm dân số lớn. Trong 30 năm qua, những thành phố có mực nước biển dâng cao hơn 50% so với mức trung bình toàn cầu bao gồm Thượng Hải; Perth, Úc; London; Atlantic City, New Jersey; Boston; Miami; và New Orleans.

New Orleans đứng đầu danh sách với mực nước biển dâng cao 10,2 inch (26 cm) từ năm 1990 đến năm 2020. Các quan chức Liên Hợp Quốc cũng nêu bật tình trạng lũ lụt ở thành phố New York trong Siêu bão Sandy năm 2012 trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng cao.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã gọi hiện tượng này là "hỗn loạn khí hậu" và kêu gọi các quốc gia giàu có tăng cường nỗ lực giảm phát thải carbon, chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn.

Tuy nhiên, một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2023 cho thấy các kế hoạch năng lượng ở các quốc gia phát triển vẫn sản xuất gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, vượt mục tiêu đặt ra trên toàn cầu.

Tổng thư ký Guterres bày tỏ hy vọng các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ "lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng hơn" tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc trong thời gian tới để chia sẻ thông tin cấp bách với những người đang tạo ra mực nước biển dâng cao đồng thời nhanh chóng có giải pháp hợp lý giải quyết vấn đề này./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lien-hop-quoc-bao-dong-nuoc-bien-dang-nhanh-de-doa-cac-quoc-dao-tai-thai-binh-duong-20240827154403512.htm