Liên hợp quốc báo động về 'quả bom hẹn giờ' ở Biển Đỏ

Theo hãng tin AFP, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30-8 kêu gọi khoản viện trợ 14 triệu USD khẩn cấp để ngăn chặn một tàu chở dầu nguy cơ gây ra thảm họa ngoài khơi Yemen có thể tốn 20 tỷ USD để khắc phục hậu quả. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo hãng tin AFP, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30-8 kêu gọi khoản viện trợ 14 triệu USD khẩn cấp để ngăn chặn một tàu chở dầu nguy cơ gây ra thảm họa ngoài khơi Yemen có thể tốn 20 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Chiếc tàu chở dầu FSO Safer 45 năm tuổi đã mục nát, từ lâu được sử dụng làm kho chứa nổi và hiện bị bỏ hoang ở cảng Hodeida của Yemen do phiến quân kiểm soát, đã không được đưa vào phục vụ kể từ khi Yemen rơi vào cuộc nội chiến hơn 7 năm trước. Nếu nó vỡ ra, nó có thể gây ra một thảm họa tràn dầu ở Biển Đỏ.

David Gressly, điều phối viên thường trú và nhân đạo của LHQ tại Yemen, đang dẫn đầu các nỗ lực của tổ chức này để đảm bảo an toàn cho FSO Safer. Cố vấn truyền thông của ông Gressly, Russell Geekie, cho biết: “Hiện cần thêm 14 triệu USD nhằm đạt được mục tiêu 80 triệu USD để bắt đầu các hoạt động khẩn cấp chuyển dầu từ tàu FSO Safer đến nơi an toàn”.

Công bố 4 nhân vật nhận giải thưởng được mệnh danh là “Nobel của châu Á”

Ramon Magsaysay là giải thưởng thường niên, được lập vào năm 1957 và đặt theo tên của vị tổng thống Philippines đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Được mệnh danh là “giải Nobel của châu Á”, giải thưởng Ramon Magsaysay nhằm mục đích tôn vinh những người đã “phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á”.

Ngày 31-8, Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay đã công bố 4 chủ nhân của giải năm nay, trong đó có ông Sotheara Chhim (54 tuổi) - một bác sĩ tâm thần người Campuchia - người đã nỗ lực vượt qua nỗi đau của bản thân và sau đó điều trị cho các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Ngoài bác sĩ Sotheara Chhim, giải thưởng Ramon Magsaysay cũng đã vinh danh nhà hoạt động môi trường và nhà làm phim người Pháp Gary Bencheghib (27 tuổi) vì nỗ lực làm sạch các nguồn nước ô nhiễm của Indonesia. Bencheghib và em trai đã chế tạo thuyền kayak làm bằng chai nhựa và tre để nhặt rác ở sông Citarum - một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới. Bác sĩ người Philippines - bà Bernadette Madrid (64 tuổi), cũng nhận được giải thưởng này về việc thành lập các trung tâm bảo vệ trẻ em trên khắp Philippines nhằm giúp đỡ các nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.

Nhật Bản chỉ thị đẩy sớm tiêm vắc-xin mới chống biến thể phụ của Omicron

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa chỉ thị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này đẩy sớm việc tiêm vắc-xin mới chống dòng phụ từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Thông tin trên được Thủ tướng Kishida cho biết trong buổi họp báo đầu tiên sau khi ông kết thúc điều trị COVID-19 và trở lại điều hành chính phủ. Thủ tướng Kishida nêu rõ bản thân ông đã tiêm 4 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 nên thực sự cảm nhận được tính hữu ích của vắc-xin khi mắc COVID-19. Sau khi nghe báo cáo về kế hoạch nhập khẩu vắc-xin mới do các Công ty Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển, Thủ tướng Kishida đã chỉ thị triển khai chương trình tiêm chủng này càng sớm càng tốt, tức là trong tháng 9 tới thay vì từ giữa tháng 10 như dự kiến. Vắc-xin mới do hai Công ty Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển. Thông qua việc kết hợp các thành phần từ vắc-xin ngừa COVID-19 hiện nay và biến thể phụ BA.1 của Omicron, sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lượng kháng thể trước biến thể phụ BA.5, vốn là nguyên nhân dẫn đến gia tăng số ca mắc COVID-19 hiện nay trên toàn đất nước Nhật Bản./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202209/lien-hop-quoc-bao-dong-ve-qua-bom-hen-gio-o-bien-do-2552803/