Liên hợp quốc: Các khoản hỗ trợ nông nghiệp đang làm sai lệch giá cả

Liên hợp quốc cảnh báo 87% khoản hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tương đương 470 tỷ USD đang làm sai lệch giá cả và có hại cho môi trường và xã hội.

Liên hợp quốc: Các khoản hỗ trợ nông nghiệp đang làm sai lệch giá cả. Ảnh minh họa TTXVN

Liên hợp quốc: Các khoản hỗ trợ nông nghiệp đang làm sai lệch giá cả. Ảnh minh họa TTXVN

Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố ngày 14/9, hỗ trợ toàn cầu cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp lên tới 540 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng hơn ba lần lên 1.759 tỷ USD. Tuy nhiên, 87% khoản hỗ trợ này, tương đương 470 tỷ USD, đang làm sai lệch giá cả và có hại cho môi trường và xã hội.

Báo cáo "Cơ hội trị giá hàng tỷ USD: Tái sử dụng hỗ trợ nông nghiệp để chuyển đổi hệ thống lương thực" do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) kêu gọi sử dụng lại các động lực gây tổn hại để đạt được nhiều hơn các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 và hiện thực hóa Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ.

Báo cáo nhận thấy rằng sự hỗ trợ hiện tại đối với các nhà sản xuất chủ yếu bao gồm các ưu đãi về giá, chẳng hạn như thuế nhập khẩu và trợ cấp xuất khẩu, cũng như trợ cấp tài khóa gắn liền với việc sản xuất một loại hàng hóa hoặc đầu vào cụ thể.

Những điều này không hiệu quả, làm sai lệch giá lương thực, làm tổn hại sức khỏe người dân, làm suy thoái môi trường và thường không bình đẳng, đặt hoạt động kinh doanh nông nghiệp lớn lên trước nông dân sản xuất nhỏ mà phần lớn trong số họ là phụ nữ.

Năm 2020, có tới 811 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói triền miên và cứ gần một trong ba người trên thế giới (2,37 tỷ người) không được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ quanh năm. Vào năm 2019, khoảng 3 tỷ người, ở mọi khu vực trên thế giới, không đủ khả năng có được một chế độ ăn uống lành mạnh.

Trong khi phần lớn hỗ trợ nông nghiệp hiện nay có tác động tiêu cực, khoảng 110 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, và mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp và thực phẩm nói chung.

Điều chỉnh lại hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp, thay vì xóa bỏ nó, sẽ giúp xóa đói giảm nghèo, đạt an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, giảm thiểu khủng hoảng khí hậu, khôi phục thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm và giảm bất bình đẳng.

Nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính từ các nguồn khác nhau, bao gồm phân trên đồng cỏ, phân bón tổng hợp, canh tác lúa, đốt tàn dư cây trồng và thay đổi sử dụng đất.

Đồng thời, các nhà sản xuất nông nghiệp đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như nắng nóng khắc nghiệt, mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt và châu chấu tấn công.

Tiếp tục hỗ trợ như bình thường sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hành tinh gấp ba lần và cuối cùng gây tổn hại đến hạnh phúc của con người. Để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chuyển đổi, đặc biệt là ở các nước có thu nhập cao đối với ngành sản xuất thịt và sữa ngoại cỡ, vốn chiếm 14,5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Ở các nước có thu nhập thấp hơn, các chính phủ nên xem xét việc sử dụng lại sự hỗ trợ của họ đối với thuốc trừ sâu và phân bón độc hại hoặc sự phát triển của các loại cây độc canh.

Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho rằng: Các chính phủ hiện có cơ hội để biến nông nghiệp thành động lực chính và thành giải pháp cho các mối nguy sắp xảy ra của biến đổi khí hậu, mất mát thiên nhiên và ô nhiễm.

Việc chuyển sang hỗ trợ nông nghiệp tích cực hơn, công bằng và hiệu quả hơn với thiên nhiên có thể cải thiện sinh kế, đồng thời cắt giảm khí thải, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái cũng như giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp.

Mặc dù không có chiến lược chung cho tất cả các quy mô để định hướng lại sự hỗ trợ của người sản xuất nông nghiệp, nhưng báo cáo khuyến nghị một cách tiếp cận 6 bước cho các chính phủ: Đo lường sự hỗ trợ được cung cấp; Hiểu được tác động tích cực và tiêu cực của nó; Xác định các lựa chọn tái sử dụng; Dự báo các tác động của chúng; Hoàn thiện chiến lược đã đề xuất và chi tiết hóa kế hoạch thực hiện chiến lược đó; Cuối cùng là giám sát chiến lược đã thực hiện.

Tối ưu hóa hỗ trợ cho ngành nông nghiệp thông qua cách tiếp cận minh bạch, linh hoạt và dựa trên bằng chứng, hành tinh của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống nông sản toàn cầu lành mạnh hơn, bền vững, công bằng và hiệu quả hơn./.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lien-hop-quoc-cac-khoan-ho-tro-nong-nghiep-dang-lam-sai-lech-gia-ca/212546.html