Liên Hợp Quốc cảnh báo về khủng hoảng nước toàn cầu
Đến năm 2050, dự kiến sẽ có tới 5 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với đủ lượng nước.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới Liên Hợp Quốc vừa công bố, phần lớn các quốc gia trên thế giới không được chuẩn bị điều kiện sẵn sàng để đối phó với lũ lụt, bão và hạn hán. Những hiện tượng thời tiết liên quan đến nước sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và cần trang bị hệ thống cảnh báo tốt.
Báo cáo cho thấy kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt trên toàn cầu đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước. Hầu hết số người tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt là ở châu Á, nơi lượng mưa cực lớn đã gây ra thiệt hại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nepal và Pakistan.
Tần suất các thảm họa liên quan đến hạn hán cũng tăng 29% qua hai thập kỷ. Báo cáo cho biết thiệt hại kinh tế nặng nề nhất do hạn hán là ở Bắc Mỹ, châu Á, vùng Caribê. Châu Phi là nơi ghi nhận số trường hợp tử vong liên quan đến hạn hán nhiều nhất.
Báo cáo cho thấy 25% các thành phố trên toàn cầu đang bị thiếu nước thường xuyên. Trong hai thập kỷ qua, nguồn cung gồm nước mặt, nước ngầm, nước có trong đất, tuyết và băng đã giảm 0,4 inch (1 cm) mỗi năm.
Theo Elfatih Eltahir, giáo sư thủy văn và khí hậu tại Viện Công nghệ Massachusetts, người không tham gia vào báo cáo trên, nhận định rằng sự gia tăng dân số sẽ gây áp lực lên nguồn cung cấp nước, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara.
Báo cáo cho rằng việc quản lý nước toàn cầu đang “manh mún và thiếu chặt chẽ”, với gần 60% trong số 101 quốc gia được khảo sát cần cải thiện hệ thống dự báo để ngăn chặn thiệt hại gây ra bởi thời tiết khắc nghiệt. Khi dân số tăng lên, số người không được tiếp cận với đủ lượng nước cũng dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người vào năm 2050, thay vì mức 3,6 tỷ người vào năm 2018.
Theo Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhân loại cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng nước đang rình rập.
Bất chấp một số tiến bộ trong những năm gần đây, báo cáo của LHQ cho thấy 10 quốc gia sẽ không đạt được các mục tiêu để quản lý bền vững nguồn cung cấp nước vào năm 2030 với tốc độ hiện tại.
Phạm Thu Thanh (theo AP)