Liên Hợp Quốc cảnh báo về mối đe dọa khủng bố tại các khu vực xung đột

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba cho biết mối đe dọa từ các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida vẫn ở mức cao tại các khu vực xung đột và các nước lân cận nơi chúng đặt căn cứ.

Trong một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các chuyên gia cho biết cả Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida đều hoạt động ở các khu vực đáng lo ngại nhất là châu Phi, Trung và Nam Á, và vùng "Levant", bao gồm Syria và Iraq.

Lực lượng khủng bố vẫn đang âm thầm mở rộng

Các chuyên gia cũng dẫn thông tin từ một quốc gia giấu tên báo cáo rằng ước tính có khoảng 120.000 người nước ngoài còn bị giữ trong 11 trại và khoảng 20 cơ sở nhà tù ở đông bắc Syria. Một quốc gia khác báo cáo rằng có khoảng 10.000 "chiến binh khủng bố nước ngoài" vẫn đang bị Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn giam giữ.

Ban chuyên gia giám sát các biện pháp trừng phạt chống lại al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo IS cho biết trong số những người bị giam giữ có 30.000 trẻ em dưới 12 tuổi, "những người có nguy cơ bị cực đoan hóa bởi hệ tư tưởng của IS".

Báo cáo cũng dẫn lời một quốc gia giấu tên khác cho biết IS đang tìm cách tạo ra một thế hệ phần tử cực đoan mới và đang tiếp tục phương pháp mở rộng mạng lưới từ khi chúng xây dựng được một caliphate ở Syria và Iraq từ năm 2014-2017.

Trung Đông vẫn là nơi có tình hình an ninh phức tạp với nguy cơ khủng bố luôn cận kề. Ảnh: AP.

Trung Đông vẫn là nơi có tình hình an ninh phức tạp với nguy cơ khủng bố luôn cận kề. Ảnh: AP.

IS đã bị lực lượng Iraq và liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bại vào năm 2017 nhưng các chuyên gia cho biết chúng vẫn duy trì hai cơ cấu tổ chức riêng biệt tại Iraq và Syria cũng như có mạng lưới khu vực đông đảo và được thiết lập tốt ở Afghanistan để vươn ra Nam Á, ở Somalia để hướng tới Mozambique và Congo, và trong lưu vực Hồ Chad để gây ảnh hưởng được ở Nigeria và Tây Sahel.

Các chuyên gia cho biết, điều đáng chú ý là "hai trong ba mạng lưới IS hoạt động mạnh mẽ nhất là ở châu Phi – nơi cũng là địa bàn của một số chi nhánh nguy hiểm nhất của al-Qaida".

Ban chuyên gia cũng cho biết "những diễn biến đáng chú ý nhất" trong sáu tháng đầu năm 2022 là vụ vượt ngục lớn do IS tiến hành ở thành phố Hassakeh, đông bắc Syria vào tháng Giêng, "giải phóng một số lượng lớn tù nhân trong khi chúng cũng chịu thương vong nặng nề" và vụ giết thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi vào ngày 3/2 trong một cuộc không kích chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Syria.

Tìm mọi cách để sinh tồn và thu hút sự ủng hộ

Vào ngày 10 tháng 3, IS thừa nhận cái chết của thủ lĩnh Ibrahim và công bố người kế nhiệm ông ta là Abu al-Hassan al-Hashemi al-Qurashi. Tuy nhiên, ban chuyên gia cho biết danh tính thực sự của người này vẫn chưa được xác định mặc dù đây đã là một chủ đề được nhiều quốc gia thảo luận rộng rãi. Nhiều bên cho rằng Bashar Khattab Ghazal al-Sumaida'i người Iraq "được coi là ứng cử viên khả dĩ nhất."

Ngược lại, các chuyên gia cho biết, thủ lĩnh của al-Qaida, Ayman al-Zawahri, người thường xuyên đưa ra các thông điệp qua video "cung cấp gần như bằng chứng thực sự về đời sống" của ông ta.

Ban chuyên gia dẫn lời các quốc gia giấu tên nói rằng "sự thoải mái và tần số xuất hiện tăng lên rõ ràng của al-Zawahri diễn ra đồng thời với việc Taliban tiếp quản Afghanistan (vào tháng 8 năm 2021) và việc các đồng minh chủ chốt của al-Qaida dần củng cố được quyền lực".

Khảo sát tình hình toàn cầu, ban chuyên gia cho biết, "bối cảnh quốc tế đang thuận lợi cho al-Qaida, tổ chức muốn giành được sự công nhận là thủ lĩnh của cuộc thánh chiến toàn cầu". Các chuyên gia cũng cho biết: "Tuyên truyền của Al-Qaida hiện đã được phát triển tốt hơn để cạnh tranh với IS".

Tuy nhiên, hoạt động của Al-Qaida thời gian tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi thủ lĩnh al-Zawahri vừa bị lực lượng Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch máy bay không người lái.

Đánh giá về IS, ban chuyên gia dẫn thông tin từ nhiều quốc gia cho biết nhóm thủ lĩnh của IS đang kiểm soát khoảng 25 triệu USD dự trữ, trong đó phần lớn tiền mặt còn nằm ở Iraq. Họ cho biết các khoản chi cho các tay súng và các thành viên gia đình đã vượt quá doanh thu hiện tại nhưng các nguồn thu bổ sung bao gồm tống tiền, bắt cóc để đòi tiền chuộc, quyên góp trực tiếp và thu nhập từ giao dịch và đầu tư đã giúp IS "thích nghi và duy trì sự sinh tồn cho chính chúng".

Các chuyên gia cho biết họ cũng đang tiếp tục nhận được báo cáo về việc IS và al-Qaida "sử dụng tiền điện tử để kêu gọi các hoạt động quyên góp và hỗ trợ".

Một quốc gia không xác định cho biết IS "đang cung cấp hướng dẫn về cách mở ví tài sản kỹ thuật số và thực hiện giao dịch bằng tiền điện tử" trong khi một nước khác nêu quan ngại về "các giao dịch tổng trị giá hơn 700.000 USD liên quan đến tiền điện tử" để tài trợ cho các hoạt động của IS ở Afghanistan. Điều này cho thấy sự tinh vi của lực lượng khủng bố khi chúng sử dụng các loại tiền điện tử ít được biết đến hơn.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lien-hop-quoc-canh-bao-ve-moi-de-doa-khung-bo-tai-cac-khu-vuc-xung-dot-20220802154152804.htm