Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong phòng chống dịch

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm vi rút Corona chủng mới tới điều trị tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán - Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tân Hoa xã, ngày 6/2, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Fabrizio Hochschild đã đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra.

Ông Fabrizio Hochschild đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ nhất với người dân Trung Quốc, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như của các nước khác trên thế giới trong việc chống lại dịch bệnh đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như của các nước khác trên thế giới trong việc chống lại dịch bệnh nCoV.

Việc các nước trên thế giới chung tay chống lại dịch bệnh là một bằng chứng có tính chất quan trọng của sự tăng cường hợp tác quốc tế. Đặc biệt, khi trả lời các phóng viên, ông còn dùng câu tiếng Trung Quốc có nghĩa “Trung Quốc cố lên! Vũ Hán cố lên!” để biểu đạt sự ủng hộ của bản thân đối với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh chỉ cần mọi người cùng nhau nỗ lực thì nhất định sẽ chiến thắng bệnh dịch.

Cùng ngày 6/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ tổ chức một diễn đàn gồm các nhà khoa học toàn cầu, nhằm huy động các nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống nCoV. Diễn đàn dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12/2, với sự phối hợp của Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm. Sự kiện này cũng sẽ tập hợp các tổ chức và doanh nghiệp có vai trò lớn trong công tác nghiên cứu y tế công đồng quan trọng, hay phát triển vaccine, trị liệu, chẩn đoán, cũng như các nỗ lực đổi mới y tế khác.

Các đại biểu tham gia diễn đàn, bao gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới, đại diện các cơ quan y tế công cộng, các bộ y tế và các quỹ tài trợ nghiên cứu, sẽ cùng thảo luận về nhiều lĩnh vực như xác định nguồn gốc của chủng vi rút corona mới, cũng như chia sẻ các mẫu xét nghiệm sinh học và phân tích gien. Dựa trên các nghiên cứu sẵn có về Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), các chuyên gia sẽ xây dựng kho dữ liệu chung về vi rút Corona và xác định các lỗ hổng kiến thức và ưu tiên nghiên cứu, để đẩy nhanh thông tin khoa học và các sản phẩm y tế cần thiết nhất trong nỗ lực giảm thiểu tác động của đợt bùng phát của chủng mới của vi rút Corona.

Ông Tedros nhấn mạnh: "Khai thác sức mạnh của khoa học là công tác rất quan trọng để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh này. Có những câu hỏi chúng tôi cần câu trả lời, và các công cụ chúng tôi cần phát triển càng nhanh càng tốt. WHO đang đóng vai trò điều phối quan trọng bằng cách tập hợp cộng đồng khoa học lại cùng nhau, qua đó xác định và đẩy nhanh tiến độ của các nghiên cứu được ưu tiên”.

WHO kỳ vọng diễn đàn này sẽ mở ra một chương trình nghiên cứu toàn cầu về chủng mới của vi rút corona, đặt ra các ưu tiên và khuôn khổ hướng dẫn dự án nào cần được thực hiện trước, theo đó hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn, các nghiên cứu đạt chất lượng tốt hơn và sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu toàn cầu sẽ hiệu quả hơn. Nhà khoa học Soumya Swaminathan thuộc WHO cho biết: "Việc nắm rõ thông tin về dịch bệnh, các ổ dịch, cách lây truyền và mức độ nghiêm trọng lâm sàng, để theo đó phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả là rất quan trọng trong mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong và giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế".

Trong diễn biến khác, theo AFP, ngày 7/2, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra sau khi cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh do nCoV làm dấy lên sự tức giận của công chúng về cách chính phủ giải quyết tình trạng khẩn cấp do vi rút này gây ra.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết một nhóm điều tra sẽ tới TP Vũ Hán, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh do nCoV và cũng là nơi bác sĩ Lý Văn Lượng tử vong do nhiễm chính vi rút này, nhằm tiến hành cuộc điều tra toàn diện về các vấn đề liên quan tới bác sĩ Lý Văn Lượng mà công chúng nói tới”.

Cùng ngày 7/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng khẳng định nước này có nhiều công cụ chính sách để giảm bớt tác động trong ngắn hạn của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Phát biểu tại họp báo, ông Phan Công Thắng đánh giá dịch bệnh có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong Quý 1/2020, song ảnh hưởng này chỉ là tạm thời. Với kinh nghiệm trước đây, kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng ổn định sau khi dịch bệnh được kiểm soát, do nhu cầu bùng nổ sẽ giúp bù đắp cho những thời điểm kinh tế suy yếu. Quan chức này tin rằng, bất chấp dịch bệnh, những nguyên tắc kinh tế của Trung Quốc về tăng trưởng dài hạn và chất lượng cao sẽ không thay đổi.

Trước đó, ngày 6/2, TP Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, đã yêu cầu tất cả các cộng đồng cư dân áp dụng các biện pháp kiểm soát người và phương tiện ra vào, để ngăn ngừa và kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Thành phố đã yêu cầu các cộng đồng địa phương phong tỏa mọi lối vào không thực sự cần thiết và yêu cầu tất cả các cá nhân ra và vào thành phố phải đeo khẩu trang.

Các cộng đồng cũng phải kiểm tra và đăng ký thông tin người và phương tiện, ra và vào thành phố một cách nghiêm ngặt và cấm các hãng chuyển phát nhanh đi vào thành phố. Các cộng đồng địa phương cũng được yêu cầu hoãn các công trình xây dựng như trang hoàng hoặc phục dựng và đóng cửa mọi địa điểm công cộng như các sân bóng rổ.

Trong khi đó, từ ngày 7/2, TP Thượng Hải tuyên bố sẽ liệt vào danh sách đen những cá nhân có hành vi che giấu các triệu chứng mắc bệnh và vi phạm các quy định kiểm dịch. Đây là một phần nội dung của quyết định mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan mà Ủy ban thường trực của Hội đồng Nhân dân Thượng Hải vừa bỏ phiếu thông qua. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Cụ thể, những người vi phạm các quy định kiểm dịch hoặc che giấu triệu chứng mắc bệnh, lịch sử đi lại tới những vùng có dịch hoặc tiền sử tiếp xúc với các bệnh nhân đã được xác nhận hoặc nghi mắc bệnh, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị đưa vào danh sách đen của thành phố.

Theo phóng viên TTXVN, Malaysia sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại tạm thời đối với các du khách đến từ các tỉnh thành khác của Trung Quốc chứ không chỉ riêng các du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc như quy định hiện nay. Phát biểu tối 6/2, phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail cho biết Cục nhập cư nước này sẽ áp dụng lệnh cấm nói trên đối với các công dân đến từ tất cả cá tỉnh thành của Trung Quốc mà Bắc Kinh liệt vào danh sách hạn chế đi lại.

Bà Wan Azizah, người cũng là chủ tịch Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Malaysia, cho biết quốc gia này cũng bố trí thêm các máy đo thân nhiệt và các thiết bị y tế tại các điểm kiểm soát biên giới để đẩy nhanh quá trình kiểm tra những người nhập cảnh. Bên cạnh đó, giới chức cũng bố trí thêm các cơ sở y tế điều trị nCoV, cả các cơ sở y tế công và tư nhân.

Ở Hàn Quốc, Tập đoàn bán lẻ Lotte đã quyết định đóng cửa một cửa hàng chính tại khu vực Myeongdong thủ đô Seoul để triển khai công tác khử trùng sau khi một khách hàng từng tới đây được xác nhận nhiễm nCoV. Bệnh nhân là một nữ du khách đến từ TP Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc. Người này đã tới cửa hàng của Lotte hôm 2/2, chỉ một ngày trước khi được xác nhận nhiễm vi rút.

Cùng ngày, nữ du khách này cũng đã tới một của hàng giảm giá của E-Mart Inc. tại khu vực Mapo, phía Tây Seoul, buộc công ty này phải đóng cử cơ sở để khử trùng. Trong khi cửa hàng của Lotte sẽ mở cửa trở lại vào ngày 10/2 thì cửa hàng của E-Mart chưa có lịch mở cửa trở lại.

Giới chức y tế cũng đã triển khai hoạt động khử trùng ở một khách sạnh tại trung tâm thủ đô Seoul, nơi nữ bệnh nhân tạm trú trong thời gian qua. Trong ngày 7/2, Hàn Quốc mới xác nhận thêm một ca nhiễm vi rút, nâng tổng số ca nhiễm nCoV tại quốc gia này lên 24 người.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/234720/lien-hop-quoc-danh-gia-cao-no-luc-cua-trung-quoc-trong-phong-chong-dich.html