Liên hợp quốc đối diện áp lực cải tổ

Trước thềm khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), truyền thông quốc tế đều cho rằng chiến sự Nga - Ukraine và biến đổi khí hậu sẽ 'chiếm sóng'. Tuy nhiên, bài phát biểu của nguyên thủ nhiều quốc gia lại bất ngờ dấy lên một vấn đề không mới mà LHQ chứ không phải quốc gia đơn lẻ nào cần đối diện: thay đổi và cải tổ.

Kỳ họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc hôm 13/9, nhưng tâm điểm lại là hoạt động thảo luận chung diễn ra từ ngày 20-26/9. Sau hai năm tổ chức trực tuyến bởi COVID-19, khóa họp thứ 77 chào đón sự xuất hiện trực tiếp của nguyên thủ các quốc gia, với thông điệp mạnh mẽ và trực diện từ những phút đầu tiên.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu khai mạc phiên thảo luận chung khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu khai mạc phiên thảo luận chung khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu đa chiều, trong đó chú trọng kêu gọi cải cách LHQ để mang tính đại diện hơn cho cộng đồng quốc tế: "Tôi mong muốn cải cách Hội đồng Bảo an (HĐBA). Để mang tính đại diện hơn. Cơ quan này cần chào đón thêm các thành viên thường trực mới để có thể phát huy hết vai trò của mình, cũng như hạn chế việc lạm dụng quyền phủ quyết".

Cùng chung thông điệp này, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi "đã đến lúc bắt đầu đàm phán dựa trên văn bản để cải cách HĐBA". Nhà lãnh đạo Nhật Bản cảnh báo rằng, uy tín LHQ đang đứng trước rủi ro khi không đưa ra được giải pháp cho tình hình chiến sự Nga - Ukraine. Ông Fumio Kishida coi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine là sự "giẫm đạp lên tầm nhìn và nguyên tắc của Hiến chương LHQ". Từ đó, Thủ tướng Nhật Bản thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Tương lai, dự kiến diễn ra năm 2024, để khởi động các cuộc thảo luận toàn diện về cải tổ LHQ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong bài phát biểu của mình, cũng không ngại đề cập câu chuyện cải tổ. "Các thể chế cần được cải tổ để thích ứng với thực tế của thế kỷ 21. Hãy cùng hợp tác nhiều hơn nữa, trở thành các đối tác nhiều hơn nữa, bởi đây là cách duy nhất giúp nhân loại giải quyết các thách thực toàn cầu", Thủ tướng Đức nói, qua đó kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ, đề xuất Berlin có ghế thành viên thường trực và chịu trách nhiệm nhiều hơn trong tổ chức này.

Vấn đề cải tổ HĐBA LHQ thường được nêu ra mỗi khi thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Trong HĐBA gồm 15 thành viên, các ủy viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc giữ quyền phủ quyết, cho phép họ ngăn chặn việc thông qua bất kỳ nghị quyết nào. Nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng HĐBA LHQ nhằm tăng cường tính đại diện công bằng giữa các khu vực, nhất là nhóm châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh và các nước đang phát triển.

Cần phải nói thêm rằng, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và Đức vào năm 2005 đã đề xuất một dự thảo nghị quyết về cải cách LHQ nhưng không giành được nhiều sự ủng hộ. Kể từ đó, ít có tiến bộ trong việc đưa ra các đề xuất cụ thể. Bất cứ thay đổi nào đối với Hiến chương LHQ đều cần sự phê chuẩn của đa số 2/3 thành viên, bao gồm 5 ủy viên thường trực HĐBA - một tiêu chuẩn rất cao và khó vượt qua.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đối diện những xung đột không tưởng, mà chính Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng thừa nhận rằng chia rẽ địa chính trị đang ở mức "lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh" và "làm tê liệt phản ứng toàn cầu đối với những thách thức gay gắt mà chúng ta phải đối mặt", việc nhiều quốc gia đề nghị LHQ cải tổ là xu hướng tất yếu. Nhất là khi, HĐBA LHQ đã không thể ra được nghị quyết hay quyết sách nào kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc khóa họp Đại hội đồng LHQ hôm 20/9 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Guterres đã ít nhiều nhắc đến điều này, rằng "Hiến chương LHQ và những lý tưởng mà nó đại diện đang gặp nguy hiểm" và rằng "sự chia rẽ giữa các cường quốc trên thế giới đã phá hoại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin của người dân vào các thể chế dân chủ và phá hoại tất cả các hình thức hợp tác quốc tế". "Chúng ta không thể cứ tiếp tục như thế này", ông Guterres nhấn mạnh.

Trên thực tế, từ khi trở thành Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã nhấn mạnh đến cải cách và đưa ra các đề xuất phát triển và điều chỉnh sứ mệnh của tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề cải cách luôn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đáng lo ngại nhất chính là sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Tại phiên họp trực tiếp đầu tiên sau đại dịch, Tổng Thư ký Guterres đã phát đi thông điệp rằng, nền tảng lớn nhất cho mọi sự thay đổi vẫn là hợp tác đa phương dựa trên đối thoại.

"Không có thách thức toàn cầu lớn nào có thể được giải quyết bởi một liên minh của những người sẵn sàng. Chúng ta cần một liên minh của thế giới. Một liên minh như vậy phải vượt qua sự chia rẽ và cùng nhau hành động, bắt đầu bằng việc củng cố sứ mệnh cốt lõi của Liên hợp quốc - đạt được và duy trì hòa bình", ông Guterres khẳng định. Đây phải chăng sẽ là kim chỉ nam cho những nỗ lực tìm tiếng nói chung của các thành viên LHQ, trước khi hướng đến những cải tổ lớn lao hơn?

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/lien-hop-quoc-doi-dien-ap-luc-cai-to-i668320/