Liên Hợp Quốc: Hơn nửa triệu người đã rời khỏi Ukraine

Ba Lan đã tiếp nhận một nhóm người tị nạn lên tới 281.000 người, còn Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cấp cho người Ukraine quyền ở lại và làm việc tại các quốc gia của khối này trong 3 năm.

Những người tị nạn Ukraine sẽ đi đâu?

Hơn nửa triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành một cuộc tấn công đặc biệt vào nước láng giềng, Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Hai. Trong đó, hơn một nửa số người này đã di tản sang Ba Lan.

Người dân đang ồ ạt rời khỏi Ukraine. Ảnh: DPA

Bài liên quan

Triều Tiên đổ lỗi khủng hoảng Ukraine là do 'chủ nghĩa bá quyền' của Mỹ

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận tổn thất ở Ukraine

Kêu gọi quyên góp, chính phủ Ukraine nhận hơn 10 triệu USD tiền ảo

Đàm phán Nga - Ukraine: Chưa có đột phá, nhưng còn nhiều hy vọng

"Hơn 500.000 người tị nạn hiện đã chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng", Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi, cho biết trong một đoạn tweet.

Trong khi đó, người phát ngôn cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc Shabia Mantoo cho biết con số hiện tại có 281.000 người tị nạn từ Ukraine ở Ba Lan và hơn 84.500 người ở Hungary. Bà cho biết thêm hơn 36.400 người khác đang ở Moldova, 32.500 người ở Romania và 30.000 người ở Slovakia.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết, tính đến nay đã có 1.800 người tị nạn từ Ukraine đến Đức. Hôm thứ Hai, một chuyến tàu chở hàng trăm người tị nạn đã đến thành phố Przemysl, phía đông nam Ba Lan.

EU cho phép người tị nạn Ukraine ở lại và làm việc

Các quan chức cấp cao của EU và Pháp cho biết EU đang chuẩn bị cho phép những người Ukraine có quyền ở lại và làm việc trong khối 27 quốc gia này với thời gian tối đa 3 năm.

Cũng theo EU, ít nhất 300.000 người tị nạn Ukraine đã vào EU cho đến nay, và khối cần chuẩn bị cho hàng triệu người nữa. Các thành viên của EU là Ba Lan, Romania, Slovakia và Hungary đều có biên giới trên bộ với Ukraine.

Các Bộ trưởng EU sẽ gặp lại nhau vào thứ Năm để thống nhất các chi tiết cụ thể hơn về chính sách đón người tị nạn Ukraine của mình. EU có quy chế về một Chỉ thị bảo vệ tạm thời, từng được đưa ra sau cuộc chiến tranh ở Balkan vào những năm 1990. Theo đó, quy định này sẽ giúp bảo vệ người tị nạn trong vòng một đến ba năm ở tất cả các quốc gia EU. Điều này bao gồm giấy phép cư trú, cũng như tiếp cận việc làm, phúc lợi xã hội và điều trị y tế.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-hon-nua-trieu-nguoi-da-roi-khoi-ukraine-post183513.html