Liên Hợp Quốc kêu gọi nỗ lực khẩn cấp ngăn chặn biến đổi khí hậu
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina J. Mohammed kêu gọi những nỗ lực khẩn cấp nhằm thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy hệ thống lương thực bền vững, đảm bảo việc làm bền vững và bảo trợ xã hội.
Thời tiết cực đoan có chiều hướng gia tăng
Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới liên tục đưa ra các cảnh báo đặc biệt về nắng nóng khi diễn biến tăng nhiệt của thời tiết tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Tại châu Á, Hàn Quốc ban bố cảnh báo sóng nhiệt ở hầu hết các vùng trên cả nước khi nắng nóng trở lại sau mùa mưa. Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi có tên là Luật Thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra mức “cảnh báo say nắng đặc biệt”, cao hơn mức cảnh báo say nắng thông thường hiện có.
Cảnh báo đặc biệt này nhiều khả năng có hiệu lực từ mùa hè năm 2024, sẽ được ban hành trong trường hợp được cho là gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng do nhiệt độ cực cao.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt với quy mô lớn cũng như các tác động khác của biến đổi khí hậu đang có chiều hướng gia tăng tại châu Á, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và hệ sinh thái của châu lục này.
Trong một báo cáo được công bố mới dây, WMO cũng cho biết, 81 thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước được ghi nhận ở châu Á vào năm ngoái, trong đó phần lớn là các trận lũ lụt và bão.
Những thảm họa thiên nhiên này đã trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 50 triệu người và gây ra cái chết cho hơn 5.000 người. Điển hình như những trận lũ từ mùa gió bão lịch sử ở Pakistan khiến hơn 1500 người thiệt mạng, gây ngập lụt diện rộng cả nước và cuốn trôi nhà cửa cùng cơ sở hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, Trung Quốc lại phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến nguồn cung điện và nước.
Còn tại Anh, theo Cơ quan Khí tượng Anh, nhiệt độ lần đầu vượt ngưỡng 40 độ C, lên tới 40,3 độ C trong năm 2022, buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do nắng nóng kéo theo cháy rừng, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người chết. Nước Anh cũng vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico cho biết, số ca tử vong ở Mexico do nắng nóng cực đoan đã lên tới 249 người trong bốn tháng qua. Một số bang của Mexico ghi nhận mức nóng kỷ lục, khi nhiệt độ lên tới 45 độ C. Các bang dọc biên giới Mexico - Mỹ phải hứng chịu đợt nắng nóng cường độ cao do hiện tượng thời tiết “vòm nhiệt” gây ra.
Hành động toàn cầu vì sự phát triển bền vững
Ngày 1/8, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina J. Mohammed kêu gọi những nỗ lực khẩn cấp nhằm thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy hệ thống lương thực bền vững, đảm bảo việc làm bền vững và bảo trợ xã hội.
Tại Brasilia, Brazil, bà Mohammed cho biết Brazil, với tư cách là Chủ tịch tiếp theo của G20 - có thể truyền cảm hứng cho hành động toàn cầu tập thể hướng tới Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Hành động này như sự ủng hộ gói khuyến khích SDG để cung cấp cứu trợ ngay lập tức, cải cách các Ngân hàng Phát triển Đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời đảm bảo rằng các nước đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ trong quá trình ra quyết định.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu bật những thách thức mà khu vực Mỹ Latinh phải đối mặt, nơi vốn chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng và gặp khó khăn về kinh tế. Phụ nữ trong khu vực bị ảnh hưởng nhiều hơn, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Bà Mohammed nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh về SDG vào tháng 9. Tổng thư ký kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh về SDG vào tháng 9 để sẵn sàng đóng góp cho Kế hoạch “giải cứu” con người và hành tinh. Điều này có nghĩa là đạt được các cam kết và kế hoạch hành động quốc gia cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDGs.
Bà kêu gọi Brazil chia sẻ những nỗ lực của mình để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong nước, những thách thức mà nước này phải đối mặt và những kinh nghiệm quốc gia này có thể chia sẻ với các nước khác.
Trước đó, ngày 28/7, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber, đã kêu gọi các nước đoàn kết và hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử carbon toàn diện hệ thống năng lượng và xây dựng một hệ thống không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ về khả năng thích ứng, một phần quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhắc lại sự cần thiết phải chú trọng tới các khoản chi hỗ trợ cho việc thích ứng, vốn hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số tiền được phân bổ cho các chương trình làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.