Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ 1 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 16/2, Liên Hợp Quốc đưa ra lời kêu gọi quyên góp 1 tỷ USD để giúp đỡ 5,2 triệu người sống sót khỏi thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - trận động đất tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.
Nhằm giúp đỡ các nhóm viện trợ nhanh chóng gia tăng quy mô hoạt động cũng như giúp đỡ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều công tác hậu thảm họa bao gồm cung cấp lương thực, sự bảo vệ, nơi trú ẩn, nước và giáo dục, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã công bố lời kêu gọi trị giá 1 tỷ USD cho quốc gia này.
Theo ông Guterres, nhu cầu viện trợ hiện đang rất khổng lồ trong bối cảnh nhiều người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ chịu đau khổ và thời gian gấp rút. Ngoài ra, AP trích dẫn thông báo chính thức của ông Antonio Guterres cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới.
Trong nhiều năm qua, quốc gia này vẫn luôn thể hiện sự hào phóng với người tị nạn từ nước láng giếng Syria. Trên thực tế, hiện đang có hơn 1,74 triệu người tị nạn sống ở 11 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi trận động đất, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc. Thêm vào đó, trận động đất cũng ra vào lúc cao điểm của mùa đông, khiến hàng trăm nghìn người, bao gồm cả trẻ nhỏ và người già, không có nơi trú ẩn, thực phẩm, nước, máy sưởi và chăm sóc y tế.
Vì vậy, ông Guterres lên tiếng kêu gọi “cộng đồng quốc tế đẩy mạnh và tài trợ đầy đủ cho nỗ lực đối phó với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất của thời đại”. Trưởng ban Nhân đạo của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thế giới cùng sát cánh với Thổ Nhĩ Kỳ trong những giờ phút đen tối nhất và đảm bảo người dân nước này nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Động thái này diễn ra 2 ngày sau khi Liên Hợp Quốc kêu gọi 397 triệu USD nhằm giúp đỡ gần 5 triệu người Syria cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất trên.
Khi trả lời về lý do vì sao kêu gọi quyên góp cho Thổ Nhĩ Kỳ lớn gấp 2,5 lần so với Syria hay vì sao Liên Hợp Quốc chỉ kêu gọi quyên góp cho 5,2 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tổng số người bị ảnh hưởng tại quốc gia này lên tới hơn 15 triệu người, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric đã đưa ra một số câu trả lời.
Theo AP trích dẫn ông Dujarric, lời kêu gọi cho Thổ Nhĩ Kỳ “được thiết kế với sự hợp tác rất chặt chẽ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ”. Quốc gia này có một hệ thống tìm kiếm cứu nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo hiệu quả. Do đó, con số viện trợ 1 tỷ USD được 2 bên đưa ra nhằm tập trung vào những người cần viện trợ nhân đạo nhất một cách nhanh nhất và là nơi mà Liên Hợp Quốc có thể hoạt động hiệu quả nhất.
Trong khi đó, Syria đã có một “cộng đồng viện trợ nhân đạo” hoạt động lâu đời. Trước khi động đất xảy ra, đã có một lời kêu gọi viện trợ nhân đạo trị giá 4,8 tỷ USD cho quốc gia này, do đó Liên Hợp Quốc chỉ kêu gọi thêm 397 triệu USD cho các nạn nhân của thảm họa động đất tại vùng tây bắc của đất nước.
Ở một diễn biến khác, công tác viện trợ tại Syria, đặc biệt là ở vùng tây bắc cũng có nhiều tiến triển đáng chú ý sau khi Liên Hợp Quốc nhận nhiều chỉ trích vì các phản ứng chậm chạp của mình.
Sau chuyến thăm Damascus của ông Griffiths hồi đầu tuần này, ông Guterres thông báo rằng nhà lãnh đạo Syria Bashar Assad đã đồng ý mở thêm 2 cửa khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến phía tây bắc Syria, cụ thể là tại Bab Al-Salam và Al Raeé trong thời gian đầu là 3 tháng.
Hiện đã có 22 xe tải chở thực phẩm và hàng viện trợ đi qua cửa khẩu Bab Al-Hawa hôm 13/2 trong khi 2 xe tải chở lều trú ẩn đi qua cửa khẩu Bab Al-Salam hôm 16/2. Hiện vẫn chưa có bất kỳ đoàn xe viện trợ nào tiến vào vùng tây bắc Syria từ cửa khẩu Al Raeé.