Liên hợp quốc: Không còn nhiều thời gian để giải quyết khủng hoảng khí hậu
Ngay cả với một kịch bản lạc quan, khi thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ là 1,8 độ C thì đến năm 2100, một nửa nhân loại có thể phải đối mặt với các điều kiện khí hậu đe dọa đến tính mạng.

Người dân tại Raipur, Ấn Độ, trùm kín tránh nắng nóng gay gắt do biến đổi khí hậu, ngày 15/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 24/2, phiên họp thứ 62 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã khai mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử và sự báo động ngày càng gia tăng về tốc độ nóng lên của Trái Đất.
Phiên họp quy tụ hơn 400 đại biểu từ 195 quốc gia thành viên của IPCC. Các đại biểu sẽ thảo luận về các mốc thời gian và ngân sách cho 4 báo cáo quan trọng của tổ chức này.
IPCC gồm ba nhóm công tác chính: nhóm 1 chuyên nghiên cứu cơ sở khoa học vật lý của biến đổi khí hậu; nhóm 2 tập trung vào tác động, sự thích ứng và mức độ dễ bị tổn thương; và nhóm 3 phụ trách các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Chủ tịch IPCC, ông Jim Skea, nhấn mạnh: "Phiên họp này đóng vai trò quyết định đối với việc triển khai Báo cáo Đánh giá thứ 7 của IPCC."
Phát biểu khai mạc phiên họp, các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình hiện tại.
Bà Ko Barrett, Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho biết những kết quả nghiên cứu của giới khoa học không chỉ mang tính học thuật mà còn là những chỉ dẫn quan trọng giúp các chính phủ ứng phó với các thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu.
Bà cũng nhắc lại rằng năm 2024 đã được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 1,55 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Lễ khai mạc cũng trình chiếu các thông điệp video từ bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), và ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
Trong đó, bà Andersen cảnh báo rằng dù mục tiêu của Hiệp định Paris là khống chế nền nhiệt tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp "vẫn khả thi về mặt toán học” nhưng thế giới đang tiến sát đến giới hạn đó.
Bà nhấn mạnh "thời gian không đứng về phía chúng ta," đồng thời kêu gọi các nước phải đưa ra những quyết định dứt khoát và hành động quyết liệt, đầy tham vọng để đạt được những kết quả có tác động thực sự, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
IPCC là cơ quan hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu trực thuộc Liên hợp quốc, được thành lập năm 1988. Đơn vị này cung cấp các báo cáo đánh giá tác động khủng hoảng khí hậu.
Báo cáo này quy tụ hàng nghìn nhà khoa học tham gia trong nhiều năm, được dùng như cơ sở khoa học để các quốc gia hoạch định chính sách thích ứng.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và tham vọng hơn là chỉ tăng khoảng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Kể từ cuối thế kỷ 19, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng hơn 1,1 độ C, đủ để khuếch đại mức độ thảm họa thời tiết ở mọi châu lục.
Ngay cả với một kịch bản lạc quan, khi thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ là 1,8 độ C, theo một số nhà khoa học, thì đến năm 2100, một nửa nhân loại có thể phải đối mặt với các giai đoạn điều kiện khí hậu đe dọa đến tính mạng do tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm cực cao.
Bên cạnh đó, đã có những dự đoán tương tự về sức khỏe, hệ thống lương thực toàn cầu và năng suất kinh tế./.