Sau ba năm, xung đột Nga - Ukraine đứng trước ngã rẽ mới

Ngày 24/2/2025 đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Cuộc xung đột đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng và tài sản, đồng thời làm thay đổi cục diện chính trị toàn cầu.

Những dấu mốc nổi bật

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm mục đích phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine, bảo vệ những người nói tiếng Nga trên vùng đất mà ông cho rằng lịch sử thuộc về Nga và đảm bảo an ninh cho Nga trước nguy cơ Ukraine bị Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) biến thành bàn đạp chống lại Moscow.

“Cộng hòa Nhân dân Donbas đã yêu cầu Nga giúp đỡ. Về vấn đề này, theo Điều 51, Phần 7 của Hiến chương Liên hợp quốc, với sự chấp thuận của Hội đồng Liên bang Nhà nước Nga và theo các hiệp ước hữu nghị và tương trợ với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, được quốc hội Nga phê chuẩn vào ngày 22/2/2022, tôi quyết định tiến hành một hoạt động quân sự đặc biệt”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II đã gây chấn động thế giới. Trong giai đoạn đầu, Nga sử dụng các lực lượng tinh nhuệ, đánh thẳng vào Thủ đô Kiev của Ukraine và một số vùng phụ cận theo chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, cuộc xung đột trên thực tế đã không diễn ra như Nga suy tính khi các lực lượng Ukraine đã kiên cường chiến đấu và đẩy lùi quân đội Nga khỏi miền Bắc và sau đó phát động các cuộc phản công ở miền Đông và miền Nam.

“Chúng tôi đã trao vũ khí và sẽ trao chúng để bảo vệ đất nước cho bất kỳ ai muốn và có khả năng bảo vệ chủ quyền của chúng tôi. Tương lai của Ukraine phụ thuộc vào mọi công dân”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Nga sau đó đã điều chỉnh cả về mục tiêu, phương thức tác chiến, phạm vi chiến trường, quy mô sử dụng lực lượng khiến Ukraine vẫn mất nhiều vùng lãnh thổ trong năm đầu của cuộc chiến. Một số thành trì chiến lược ở phía Đông, Đông Nam đã rơi vào tay quân đội Nga.

Trong năm thứ hai, dù đã triển khai xe tăng, xe bọc thép cùng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp, nhưng cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2023 đã thất bại, khiến Kiev phải trả giá đắt. Quân đội hai bên tiếp tục giao tranh ác liệt dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km ở vùng phía Đông Ukraine trong tình thế tương đối bế tắc.

Bước vào năm thứ ba, cuộc chiến đã chuyển sang thế giằng co. Mặc dù Nga giành ưu thế trên chiến trường nhưng họ chỉ kiểm soát được diện tích lãnh thổ khiêm tốn. Theo số liệu, quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Trong năm 2024, Nga mở rộng thêm được hơn 2.000 km², chiếm chưa đến 1% diện tích Ukraine. Đáng chú ý, quân đội Nga vẫn chưa giành lại được phần lãnh thổ tại tỉnh Kursk mà Ukraine kiểm soát từ tháng 8 năm ngoái.

Về phía Ukraine, quân đội nước này cũng không thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các lãnh thổ được quốc tế công nhận. Kiev đang dần thiếu hụt quân số cần thiết để chống lại cuộc tấn công liên tục của quân đội Nga với quy mô lớn hơn nhiều. Ukraine cũng phụ thuộc lớn vào vũ khí và đạn dược từ phương Tây, trong khi nguồn cung này có nguy cơ bị gián đoạn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền.

Khác biệt lớn về điều kiện hòa bình

Xung đột kéo dài 3 năm khiến cả Nga và Ukraine đều phải chịu thiệt hại lớn về người và của. Theo ước tính của Liên hợp quốc, đã có hàng trăm nghìn người dân và binh sĩ Nga, Ukraine thương vong, trong khi thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Những con số này khẳng định mức độ tàn khốc của cuộc chiến, với những hậu quả sâu rộng cho cả khu vực và toàn cầu mà phải mất nhiều thập niên mới có thể khắc phục.

Trước tình hình ảm đạm trên chiến trường cùng những tổn thất khủng khiếp do cuộc chiến, tỷ lệ người dân Ukraine ủng hộ “chiến đấu đến cùng” đã giảm từ 73% khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra, xuống chỉ còn 38%. Trong khi đó, người dân Nga cũng ngày càng lo ngại về áp lực lạm phát trong nước do xung đột gây ra. “Hạ nhiệt” và “đàm phán hòa bình” đã trở thành một định hướng quan trọng của cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm khiến hai bên khó có thể tìm kiếm một điểm chung để bắt đầu đàm phán. Nếu không có sự nhượng bộ từ cả hai phía, khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình sẽ rất thấp.

Thời gian gần đây, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chuyển từ giọng điệu cứng rắn kêu gọi đánh bại Nga sang kêu gọi một “nền hòa bình công bằng” và “lâu dài”. Ông cũng cho biết, Ukraine có thể chấm dứt giai đoạn chiến tranh “nóng” trong năm nay nếu Mỹ và Liên minh châu Âu đưa ra bảo đảm an ninh cho Ukraine, Ukraine sẽ đàm phán với Nga và đề xuất rằng hoàn toàn có thể chấm dứt xung đột vào năm 2025.

Tương tự như vậy, Nga đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đàm phán một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp thực sự toàn diện, công bằng và bền vững, cũng như loại bỏ tận gốc rễ của vấn đề.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, Nga và Ukraine sẽ khó có thể đạt được hòa bình hoàn toàn trong thời gian ngắn.

“Sẽ không thể đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine nếu không thực hiện đầy đủ những gì Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố khi ông phát biểu với Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 14 tháng 6 năm ngoái.”

Ông Sergei Ryabkov - Thứ trưởng Ngoại giao Nga

Các yêu cầu mà ông Putin đặt ra bao gồm: Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền; tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa; cam kết trung lập, không liên kết và không có hạt nhân. Ngoài ra, phương Tây cũng cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

“Đó là lý do tại sao chúng ta đang nói về các đảm bảo an ninh. Và đó là lý do tại sao chúng ta tin rằng cốt lõi của bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine phải là tư cách thành viên NATO”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Điều kiện mà ông Zelensky đặt ra để từ bỏ mục tiêu Ukraine gia nhập NATO là những đảm bảo an ninh từ phía các đồng minh, bao gồm tên lửa mạnh, quy mô quân đội với 1,5 triệu quân - tương đương số quân của Nga, các khoản đầu tư, tư cách thành viên EU và các thỏa thuận quốc phòng tương tự như phương Tây dành cho Israel... Tuy nhiên, đây cũng là những “ranh giới đỏ” đối với Moscow và sẽ là những chủ đề mặc cả gay gắt cũng như những yếu tố có thể cản trở các bên đạt được thỏa hiệp trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

Không chỉ vậy, sự thiếu niềm tin giữa hai bên cũng là một yếu tố cản trở đáng kể. Cả Nga và Ukraine đều có những trải nghiệm lịch sử đau thương và các vi phạm thỏa thuận trước đó đã làm tăng thêm sự nghi ngờ lẫn nhau. Điều này không chỉ làm cho quá trình đàm phán trở nên khó khăn hơn mà còn khiến cho việc thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào đạt được sau này trở nên mong manh.

Sau ba năm, xung đột Nga - Ukraine đã chuyển từ “chiến tranh chớp nhoáng” sang “chiến tranh tiêu hao”. Thời gian tới, cuộc xung đột có thể bước vào một giai đoạn mới, nơi đàm phán và chiến đấu trên chiến trường đều quan trọng như nhau. Mặc dù Nga, Ukraine và các bên khác sẵn sàng đàm phán, nhưng vẫn còn những bất đồng cơ bản về các vấn đề như phân chia lãnh thổ. Xung đột khó có thể kết thúc sau một hoặc hai cuộc đàm phán và dự kiến sẽ bước vào thế trận “vừa đánh vừa đàm”. Các cuộc đàm phán trong tương lai giữa hai bên sẽ là “trò chơi sức mạnh và ý chí” và liệu các cuộc đàm phán hòa bình có thể đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nhiều cuộc đấu tranh về động lực quân sự, sự can thiệp của quốc tế và chính trị trong nước của cả hai bên.

Nỗ lực hòa giải của chính quyền Trump

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế. Những hệ lụy chưa thể đong đếm đầy đủ. Tuy nhiên, năm 2025, khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ tư, đã có những tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình sau khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Ông Donald Trump từng nhiều lần cam kết sẽ sớm chấm dứt xung đột tại Ukraine sau khi ông lên nắm quyền. Những động thái gần đây cho thấy, ông Trump đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết này. Một mặt, chính quyền Trump đã đưa ra thông điệp cứng rắn, cảnh báo sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga hay ngừng viện trợ cho Ukraine nếu hai bên từ chối đàm phán hòa bình, song cũng có những động thái tích cực để khuyến khích đối thoại.

Vào ngày 12/2, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với cuộc điện đàm này, tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chính thức bước vào giai đoạn mới. Trong cuộc điện đàm được mô tả là “hiệu quả cao”, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã đồng ý rằng sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình “ngay lập tức”.

“Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất tốt. Mọi người thực sự không biết Tổng thống Putin nghĩ gì. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể nói với sự tự tin lớn rằng, ông ấy cũng muốn thấy cuộc chiến kết thúc. Điều đó thật tốt. Và chúng tôi sẽ nỗ lực để chấm dứt nó và càng sớm càng tốt”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sau khi kết thúc cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Trump cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Ukraine Zelensky và dành một giờ để thảo luận về các điều kiện cho điều mà ông Zelensky gọi là “nền hòa bình lâu dài và đáng tin cậy”.

Ông Trump cũng đã thành lập một đội ngũ đàm phán chuyên trách gồm những nhân vật cấp cao như Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff để thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Ngày 18/2, các nhà ngoại giao cấp cao từ Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine. Sau cuộc đàm phán, hai bên nhất trí sẽ xem xét lợi ích của nhau, thúc đẩy quan hệ song phương và cam kết duy trì liên lạc. Hai bên cũng nhất trí chỉ định các nhóm đàm phán cấp cao để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian sớm nhất.

Giới phân tích nhận định, việc Mỹ và Nga ngồi vào bàn đàm phán là tín hiệu tích cực cho cuộc xung đột ở Ukraine. Thay vì chính sách đối đầu căng thẳng với Nga của người tiền nhiệm Joe Biden, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách hâm nóng quan hệ với Moscow, thúc đẩy đối thoại để thu hẹp bất đồng, tháo gỡ rào cản nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine được nhiều quốc gia trên thế giới hoan nghênh. Tuy nhiên, Kiev và châu Âu lại không hài lòng do lo ngại họ sẽ bị gạt ra lề tiến trình tìm kiếm thỏa thuận hòa bình.

“Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán về hòa bình, nhưng cần phải rõ ràng. Điều đó không có nghĩa là có một nền hòa bình áp đặt và Ukraine phải chấp nhận những gì được trình bày”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Hiện giữa các nước vẫn còn sự chia rẽ về việc kết nạp Ukraine vào EU hay triển khai quân tới bảo vệ Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Nhìn chung, cả Ukraine và EU đều thấy bất an trước nguy cơ Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận và bỏ qua các lợi ích sống còn của Ukraine hay EU.

Trước phản ứng của Kiev và châu Âu, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz phủ nhận việc các đồng minh của Mỹ và Ukraine không được tham vấn. Theo ông Waltz, thời điểm hiện tại cần tiến hành ngoại giao con thoi, bởi việc cùng lúc đưa tất cả các bên vào bàn đàm phán sẽ không mang lại hiệu quả.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha để tái khẳng định cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, trong đó có việc thông qua các hành động hiệu quả tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Để thúc đẩy chấm dứt xung đột, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu nỗ lực hòa giải, nhưng các bước đi của ông vẫn còn gây tranh cãi. Một giải pháp lâu dài mang lại nền hòa bình bền vững ở Ukraine trong bối cảnh Moscow và Kiev còn nhiều khác biệt sẽ đòi hỏi cả hai bên phải từ bỏ hoặc điều chỉnh lập trường cứng rắn của mình, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ và tư cách thành viên NATO. Nếu không có một chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực hòa giải có thể sẽ thất bại và xung đột sẽ tiếp diễn với hậu quả nghiêm trọng mà phải mất nhiều thập kỷ mới có thể khắc phục.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/sau-ba-nam-xung-dot-nga-ukraine-dung-truoc-nga-re-moi-305333.htm