Liên hợp quốc nỗ lực để gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
Ngày 12/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết ông đang thúc đẩy việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen để đảm bảo duy trì xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thế giới.
Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu LHQ bày tỏ lo ngại Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận dự kiến hết hạn vào ngày 17/7 tới. Ông khẳng định LHQ đang nỗ lực để có thể duy trì thỏa thuận, cũng như đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa của Nga.
Đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin từng đưa ra tuyên bố không thấy có triển vọng tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song cho biết Moskva tiếp tục tham vấn các đại diện của Liên hợp quốc về vấn đề xuất khẩu amoniac của Nga qua lãnh thổ Ukraine trong thỏa thuận này, coi đó như một giao dịch thương mại cùng có lợi.
Trên thực tế, xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị hạn chế theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan đến cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev, tuy nhiên, phía Nga cho rằng những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã trở thành rào cản đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa của nước này.
Sau cuộc gặp với quan chức thương mại đứng đầu của LHQ Rebeca Grynspan tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 9/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ Nga không hài lòng với cách thức thực hiện bản ghi nhớ thỏa thuận này.
Tuần trước, Nga cho biết một nhóm phá hoại Ukraine đã làm nổ tung một đoạn đường ống mà Nga sử dụng để xuất khẩu amoniac - một thành phần chính để sản xuất phân bón. Đoạn đường ống đó nằm ở Ukraine. Hai nước đã đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công.
Việc nối lại xuất khẩu amoniac của Nga thông qua đường ống này là một trong những điều kiện để Moskva tiếp tục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Điện Kremlin khẳng định vụ nổ đường ống sẽ có tác động "tiêu cực" đến các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.
Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới.