Liên hợp quốc quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu
Báo cáo giữa năm của LHQ cho rằng đại dịch COVID-19 được cho là sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu gần 8.500 tỷ USD trong hai năm tới, xóa bỏ tất các các thành tựu đạt được trong bốn năm qua.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại London, Anh ngày 8-5-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.
Liên hợp quốc ngày 13-5 dự báo đại dịch COVID-19 sẽ làm kinh tế thế giới giảm 3,2% trong năm 2020, mức suy giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái trong những năm 1930, và tình hình có thể tồi tệ hơn nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát.
Báo cáo giữa năm của Liên hợp quốc cho rằng đại dịch COVID-19 được cho là sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu gần 8.500 tỷ USD trong hai năm tới, xóa bỏ tất các các thành tựu đạt được trong bốn năm qua.
Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo, nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị hạn chế trên diện rộng và bất ổn gia tăng, nền kinh tế toàn cầu đã thực sự chững lại trong quý 2 năm 2020. Hồi tháng Một, Liên hợp quốc dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,5% năm 2020.
Liên hợp quốc trong báo cáo cho biết gần 90% nền kinh tế thế giới đã bị phong tỏa, phá hủy chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và khiến hàng triệu người mất việc làm.
Báo cáo về Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới của Liên hợp quốc đánh giá dịch COVID-19 cũng sẽ "làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng," ước tính 34,3 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực nghèo trong năm 2020, 56% trong số này là tại châu Phi.
Báo cáo trên cũng đánh giá có thêm khoảng 130 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực nghèo vào năm 2030, là "cú đánh mạnh" đối với các nỗ lực trên toàn cầu để giảm tình trạng cực nghèo vào cuối thập niên này.
Liên hợp quốc cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020 nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai bùng phát và các biện pháp phong tỏa tiếp tục bị kéo dài sang quý 3 năm 2020.
Thương mại thế giới được dự báo giảm 15% trong năm 2020 do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu toàn cầu và gián đoạn các chuỗi nguồn cung thế giới.
Nguồn TTXVN
Xem thêm: Chung tay phòng chống Covid-19