Liên hợp quốc rút gần 13.000 lính gìn giữ hòa bình khỏi Mali

Liên hợp quốc đang phải đối mặt với điều mà Tổng thư ký António Guterres gọi là một cuộc rút quân trong 6 tháng 'chưa từng có' khỏi Mali, theo yêu cầu của chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi này.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Mali, El-Ghassim Wane đã trình bày quy mô của hoạt động này với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào thứ Hai rằng: Tất cả 12.947 người thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình và cảnh sát của Liên hợp quốc phải rút đi, 12 doanh trại của họ và một căn cứ tạm thời được bàn giao cho chính quyền Mali và 1.786 nhân viên dân sự bị chấm dứt hợp đồng trước hạn chót ngày 31/12.

 Lực lượng Liên Hợp Quốc tuần tra trên đường phố Timbuktu, Mali, vào ngày 26 tháng 9 năm 2021. Ảnh AP/Moulaye Sayah

Lực lượng Liên Hợp Quốc tuần tra trên đường phố Timbuktu, Mali, vào ngày 26 tháng 9 năm 2021. Ảnh AP/Moulaye Sayah

Đại sứ Liên hợp quốc của Mali, Issa Konfourou, cho biết chính quyền nước này đang hợp tác với phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (gọi là MINUSMA), nhưng họ sẽ không gia hạn thời hạn.

Đại sứ Liê Konfourou nói thêm rằng Liên hợp quốc cũng cần di chuyển khoảng 5.500 container thiết bị đường biển và 4.000 phương tiện của tổ chức này và các quốc gia khác khỏi Mali.

Mali đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2012, sau đó là phiến quân ở phía Bắc thành lập Nhà nước Hồi giáo hai tháng sau đó.

Phiến quân cực đoan này đã bị buộc phải từ bỏ khu vực miền Bắc do chiến dịch quân sự mà Pháp lãnh đạo, nhưng nhóm này đã chuyển từ miền Bắc khô cằn đến miền Trung đông dân cư hơn vào năm 2015.

Vào tháng 8 năm 2020, Tổng thống Mali bị lật đổ trong một cuộc đảo chính bởi một đại tá quân đội, người sau đó tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 6 năm 2021.

Liên hợp quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình vào năm 2013 và MINUSMA đã trở thành sứ mệnh nguy hiểm nhất của Liên hợp quốc trên thế giới, với hơn 300 nhân viên thiệt mạng.

Trong bức thư dài 13 trang gửi các thành viên Hội đồng Bảo an được công bố vào hôm thứ Hai, ông Guterres cho biết “thời gian, phạm vi và mức độ phức tạp của việc rút quân là chưa từng có”.

Ông cho biết “địa hình rộng lớn, môi trường hoạt động thù địch ở một số khu vực nhất định và khí hậu của đất nước này khiến việc rút quân trong khung thời gian sáu tháng trở nên vô cùng khó khăn”.

Ông cho biết công tác hậu cần cho việc di chuyển binh lính và trang thiết bị còn bị hạn chế hơn nữa do sự hiện diện của “các nhóm vũ trang khủng bố” và việc quân đội gần đây tiếp quản Niger, một quốc gia trung chuyển quan trọng.

Các chuyên gia Liên hợp quốc cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng các phần tử cực đoan IS đã tăng gần gấp đôi lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Mali trong vòng chưa đầy một năm.

Đặc phái viên Liên hợp quốc Wane nói với Hội đồng Bảo an rằng giai đoạn đầu của quá trình rút quân tập trung vào việc đóng cửa các tiền đồn nhỏ nhất và xa nhất đã hoàn thành vào ngày 25 tháng 8.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-rut-gan-13000-linh-gin-giu-hoa-binh-khoi-mali-post262605.html