Liên Hợp Quốc rút khỏi Afghanistan và những số phận bỏ ngỏ

Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết họ sẽ buộc phải đưa ra quyết định 'đau lòng' là rút toàn bộ nhân viên khỏi Afghanistan vào tháng tới nếu Taliban không hủy bỏ sắc lệnh cấm phụ nữ địa phương làm việc cho tổ chức này. Sự ra đi của LHQ và các cơ quan quốc tế khác có thể ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em Afghanistan.

Một bé gái Afghanistan được các nhân viên Liên Hợp Quốc người Afhghanistan tiêm phòng bại liệt. Nguồn: UNNews

Một bé gái Afghanistan được các nhân viên Liên Hợp Quốc người Afhghanistan tiêm phòng bại liệt. Nguồn: UNNews

Các quan chức LHQ đang đàm phán với Taliban với hy vọng rằng chính phủ Hồi giáo sẽ đưa ra các ngoại lệ đối với một sắc lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho tổ chức này, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nói với hãng thông tấn AP.

Trước đó, LHQ đã chỉ trích gay gắt quyết định của Taliban ngăn cản phụ nữ Afghanistan làm việc cho tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và đang có nhiều hoạt động nhân đạo tích cực ở quốc gia này.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres viết trên Twitter rằng động thái của Taliban là một đòn giáng mạnh vào sự tham gia của phụ nữ vào công việc cứu sinh quan trọng của tổ chức. “Tôi cực lực lên án việc cấm các nữ đồng nghiệp Afghanistan của chúng tôi làm việc. Nếu biện pháp này không được đảo ngược, chắc chắn nó sẽ làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc cung cấp viện trợ cứu sinh cho những người cần nó”, ông Antonio Guterres viết.

LHQ có khoảng 3.900 nhân viên tại Afghanistan, trong đó có khoảng 3.300 nhân viên người Afghanistan và 600 nhân viên quốc tế. Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan, phái bộ chính trị của cơ quan này tại quốc gia Nam Á, do một phụ nữ, Roza Otunbayeva, từng là cựu tổng thống và bộ trưởng ngoại giao của Cộng hòa Kyrgyzstan, đứng đầu.

Toàn bộ 3.300 nhân viên người Afghanistan, bao gồm 2.700 nam và 600 nữ, đã được yêu cầu ở nhà từ ngày 12.4 nhưng vẫn tiếp tục làm việc và sẽ được trả lương. Trong số 600 nhân viên quốc tế của LHQ, 200 nữ nhân viên không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh trên của Taliban.

Richard Bennett, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Afghanistan, cho biết lệnh cấm mới nhất đối với phụ nữ là "một sự vi phạm thô bạo khác" đối với các quyền cơ bản của họ.

Hiện Taliban đã cho phép phụ nữ Afghanistan tham gia vào một số công việc cụ thể như y tế, giáo dục và dinh dưỡng. Nhưng một báo cáo của LHQ công bố hôm 18.4 cho thấy quốc gia Nam Á cần nhiều phụ nữ làm việc hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang bên bờ vực sụp đổ.

Nền kinh tế bên bờ vực

Afghanistan là nơi xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Hơn 28 triệu người, trong đó có hơn 15 triệu trẻ em, cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ trong năm nay - một sự gia tăng đáng kinh ngạc 4 triệu người vào năm 2022. Nạn đói và bệnh tật đang rình rập. Và nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ.

Báo cáo của UNDP cho biết, Afghanistan cần khoảng 4,6 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong năm nay để ngăn chặn tình hình xấu đi thêm, lặp lại mục tiêu tài trợ được công bố lần đầu tiên vào tháng 2.

Lời kêu gọi các nước tài trợ được đưa ra khi dự trữ ngân hàng trung ương của Afghanistan vẫn bị Mỹ và châu Âu đóng băng vì lo ngại nó sẽ được sử dụng để tài trợ cho khủng bố. Năm ngoái, Washington đã đồng ý giải phóng 1/2 số dự trữ để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng đã hoãn lại vào phút chót, sau khi Taliban cấm phụ nữ Afghanistan đi học, đi làm.

“Nền kinh tế và xã hội Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ”, ông Abdallah Al Dardari, đại diện thường trú của UNDP tại Afghanistan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi công bố báo cáo. “Bất kỳ cú sốc hoặc giảm viện trợ quốc tế nào ngày hôm nay sẽ đẩy một số lượng lớn người Afghanistan đến một tình cảnh tồi tệ hơn bao giờ hết, và hơn những gì họ đang phải đối mặt ngày nay”.

Theo tính toán của UNDP, nếu viện trợ nước ngoài tiếp tục ở mức như năm ngoái, GDP của Afghanistan dự kiến sẽ tăng lên 1,3% vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024. Năm ngoái, LHQ đã nhận được tới 73% trong số 4,4 tỷ USD được yêu cầu, nhưng cho thời điểm này của năm nay, tổ chức này mới chỉ nhận được 5,4% trong số 4,6 tỷ USD yêu cầu.

Mặc dù lên nắm quyền ở Afghanistan cách đây hơn một năm, chính quyền Taliban vẫn phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp và chi phí sinh hoạt gia tăng, trong khi vẫn phải giải quyết cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhà lãnh đạo về giáo dục cho phụ nữ và các cuộc tấn công mới từ các nhóm khủng bố. UNDP cho biết, số người nghèo ở Afghanistan đã tăng lên thành 34 triệu vào năm 2022, từ mức 19 triệu vào năm 2020. Dân số Afghanistan vào khoảng 40 triệu người.

Trong khi đó, Báo cáo của UNDP cảnh báo: “Bất kỳ sự cắt giảm viện trợ quốc tế nào cũng sẽ làm xấu đi triển vọng kinh tế của Afghanistan và tình trạng nghèo đói cùng cực sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ”.

Không thoát nghèo nếu không có phụ nữ tại nơi làm việc

Surayo Buzurukova, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Afghanistan, nói với UN News rằng quyết định của Taliban nhằm hạn chế cao khả năng học tập và làm việc của phụ nữ là một lý do quan trọng dẫn đến những khó khăn kinh tế của đất nước.

Bà Buzurukova cho biết: “Chúng tôi đã chạy các mô phỏng để xem việc loại bỏ phụ nữ khỏi lực lượng lao động sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai như thế nào. Chúng tôi đã tính toán rằng sẽ không thể đạt được tăng trưởng và giảm nghèo nếu không có phụ nữ. Đó là thông điệp mà chúng tôi cố gắng truyền tải khi nói chuyện với các nhà chức trách trên thực tế”.

Quyết định “đau lòng” của Liên Hợp Quốc

Đối với lệnh cấm mới nhất của Taliban, Tổng Giám đốc UNDP Steiner, cho biết những hạn chế hơn nữa đối với các nhân viên nữ của LHQ có nghĩa là “một thời điểm rất quan trọng” đang đến gần. “Công bằng mà nói, hiện tại chúng tôi đang ở thời điểm mà toàn bộ hệ thống LHQ phải lùi lại một bước và đánh giá lại khả năng hoạt động của mình ở đó”. Vị quan chức LHQ hy vọng họ sẽ thuyết phục được Taliban, nhưng cũng khẳng định rằng nhân quyền là không thể thương lượng, và họ sẽ rời đi vào tháng 5 nếu Taliban không nhún nhường, ông Steiner nói. “Chúng tôi đang cố thuyết phục Taliban rút lại quyết định nhưng sẽ không phải đàm phán về các nguyên tắc cơ bản và nhân quyền”.

Bất chấp những lời hứa ban đầu về một chế độ cai trị ôn hòa hơn so với thời kỳ nắm quyền trước đó vào những năm 1990, Taliban đã áp đặt một chế độ khắc nghiệt kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2021 khi các lực lượng Mỹ và NATO rút quân sau 2 thập kỷ chiến tranh. Taliban đã dần dần đưa ra các biện pháp hạn chế, đặc biệt là nhắm vào phụ nữ bằng cách đóng cửa các trường học, cao đẳng và đại học cùng với các lệnh cấm đối với giáo dục và hoạt động của tổ chức phi chính phủ, khiến cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.

“Không có quốc gia nào khác ngoài Afghanistan có phụ nữ và trẻ em gái nhanh chóng bị biến mất khỏi mọi lĩnh vực của đời sống công cộng và bị thiệt thòi trong mọi khía cạnh của cuộc sống”, ông Richard Bennet, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Afghanistan, đã kết luận vào năm ngoái.

Không khó để dự đoán rằng sự ra đi của LHQ và các cơ quan quốc tế khác có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến phụ nữ và trẻ em Afghanistan.

Một bài báo trên trang chính thức của UNICEF nói rằng: “Phụ nữ Afghanistan là huyết mạch trong phản ứng nhân đạo của chúng tôi. Họ có tay nghề cao và được bố trí đặc biệt để tiếp cận những người Afghanistan dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, người bệnh và người già, cũng như những người khuyết tật. Họ có quyền truy cập vào các quần thể mà các đồng nghiệp nam của họ không thể tiếp cận. Họ là các chuyên gia dinh dưỡng, y tế cộng đồng và nhân viên xã hội, giáo viên, người tiêm chủng, y tá, bác sĩ và nhiều hơn nữa.

Một báo cáo từ Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) hồi tháng 2 cho biết, phụ nữ và trẻ em gái thường nhận được phần lương thực nhỏ nhất trong các gia đình Afghanistan và dễ bị suy dinh dưỡng và bệnh tật hơn.

Báo cáo của ICG cũng bày tỏ lo ngại về tác động lâu dài của việc các nhóm viện trợ và những nhóm khác rút lui. “Nếu họ rời đi, các tác nhân quốc tế có thể gặp khó khăn khi quay lại Afghanistan trong tương lai”, báo cáo cho biết.

“Đàm phán tiếp cận các cộng đồng nông thôn không chỉ là vấn đề xin phép Taliban; ở nhiều nơi, các tổ chức phi chính phủ đã nuôi dưỡng mối quan hệ với dân làng trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Xây dựng lại mức độ tin cậy mà họ hiện đang được hưởng sau khi từ bỏ các cộng đồng này sẽ là một kỳ công không hề nhỏ”, báo cáo kết luận.

“Tôi nghĩ không có cách diễn đạt nào khác ngoài sự đau lòng”, ông Steiner nói. “Ý tôi là, tôi tưởng tượng nếu ngày hôm nay gia đình LHQ không còn hiện diện ở Afghanistan, thì trước mắt tôi là hình ảnh hàng triệu cô gái, cậu bé, người cha, người mẹ, những người về cơ bản sẽ không đủ ăn”.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lien-hop-quoc-rut-khoi-afghanistan-va-nhung-so-phan-bo-ngo-i324952/