Liên hợp quốc thành lập Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy

Thông báo của Liên hợp quốc đánh giá 'giáo dục vẫn là trung tâm của các nỗ lực toàn cầu và các quốc gia nhằm phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền và duy trì hòa bình.'

Một lớp học tại Nsumbi, ngoại ô Kampala, Uganda. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một lớp học tại Nsumbi, ngoại ô Kampala, Uganda. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thành lập Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy, đồng thời bổ nhiệm cựu Tổng thống Estonia, bà Kersti Kaljulaid, và cựu Tổng thống Trinidad và Tobago, ông Paula-Mae Weekes, làm đồng chủ tịch.

Phó phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq, cho biết Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy được thành lập dựa trên kết quả của Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, diễn ra hồi tháng 9/2022.

Ban Thư ký chung của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ hoạt động của hội đồng.

Theo thông báo của Liên hợp quốc, hội đồng bao gồm Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo và ông Leonardo Garnier - cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc theo dõi việc thực hiện các nội dung của Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, cùng giới chuyên gia từ các bộ giáo dục và lao động; các giáo viên, học sinh, các đại diện của hiệp hội giáo viên, khu vực tư nhân và học viện.

Thông báo của Liên hợp quốc đánh giá “giáo dục vẫn là trung tâm của các nỗ lực toàn cầu và các quốc gia nhằm phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền và duy trì hòa bình.”

Tuy nhiên, “thế giới đang trải qua khủng hoảng về dạy học, các hệ thống giáo dục đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng."

Trong bối cảnh này, giáo viên - nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất trong việc đạt được kết quả dạy học - đang phải chịu áp lực đáng kể.

Việc thiếu giáo viên trên toàn cầu cùng những quan ngại về vai trò của giáo viên trong môi trường chuyển đổi số là hai trong số nhiều thách thức mà nghề dạy học đang phải đối mặt.

Chính vì vậy, Liên hợp quốc thành lập Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy sẽ căn cứ vào các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 9/2022 làm rõ vai trò của giáo viên trong việc chuyển đổi giáo dục.

Bên cạnh đó, hội đồng cũng sẽ đưa ra khuyến nghị nhằm đảm bảo giáo viên được đào tạo bài bản, có trình độ, được hỗ trợ tốt và có thể phát triển trong hệ thống giáo dục chuyển đổi

Báo cáo của hội đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11 tới, sẽ góp phần hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4), cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tương lai theo kế hoạch diễn ra vào năm 2024 và giúp thúc đẩy việc thực hiện nội dung hội nghị thượng đỉnh về giáo dục đã đề ra.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, các chính phủ của hơn 130 quốc gia đã cam kết hành động khẩn cấp.

SDG 4 - một trong 17 SDG của Liên hợp quốc đến năm 2030, kêu gọi thế giới xây dựng nền giáo dục chất lượng, toàn diện, công bằng và mang lại cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-thanh-lap-hoi-dong-cap-cao-ve-giang-day/869231.vnp