Liên hợp quốc: Thao túng trực tuyến, thù hận phải chấm dứt

Một hội nghị của Liên hợp quốc tại Paris diễn ra vào thứ Tư (22/2) chỉ ra rằng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số đã thay đổi cách chúng ta tương tác và cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn việc thao túng người dùng và ngôn từ kích động thù địch.

Hàng trăm quan chức, đại diện công ty công nghệ, học giả và các nhà hoạt động đã được mời tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức để tìm cách tốt nhất bảo vệ quyền lợi của con người trên các nền tảng truyền thông trực tuyến.

 Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu tại một hội nghị về hướng dẫn điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 tại Paris, Pháp. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu tại một hội nghị về hướng dẫn điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 tại Paris, Pháp. Ảnh: AP

"Nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách chúng ta kết nối và đối mặt với thế giới, cách chúng ta đối mặt với nhau. Và chỉ bằng cách đánh giá đầy đủ cuộc cách mạng công nghệ này, chúng ta mới có thể đảm bảo đó là một cuộc cách mạng không ảnh hưởng đến nhân quyền, tự do ngôn luận và dân chủ" - Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu khai mạc.

Bất chấp lợi ích của chúng trong giao tiếp và chia sẻ kiến thức, UNESCO đã cảnh báo rằng các nền tảng truyền thông xã hội dựa trên các thuật toán "thường ưu tiên sự tham gia hơn là an toàn và nhân quyền".

Azoulay cho biết có quá ít tài nguyên để hướng dẫn người dùng hoặc kiểm duyệt nội dung, "điều này vẫn không tồn tại hoặc đáng nghi ngờ ở hầu hết các ngôn ngữ".

Nhà báo người Philippines Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2021, cho biết mạng xã hội đã cho phép những lời dối trá phát triển. “Các hệ thống thông tin liên lạc của chúng ta ngày nay đang ngấm ngầm thao túng chúng ta”, cô phát biểu tại hội nghị.

"Chúng ta đang chỉ tập trung vào kiểm duyệt nội dung. Giống như có một dòng sông bị ô nhiễm. Chúng ta chỉ lấy một cốc nước... rồi chúng ta làm sạch nó và đổ trở lại", nhà báo Ressa chia sẻ. “Điều chúng ta phải làm là đi đến tận cùng nhà máy gây ô nhiễm dòng sông, đóng cửa nó và sau đó hồi sinh dòng sông”.

Ressa nói rằng ở đỉnh điểm của các chiến dịch trực tuyến chống lại cô vì công việc của mình, cô ấy đã nhận được tới 98 tin nhắn thù ghét mỗi giờ. Cô cho biết thêm, hơn một nửa tìm cách làm giảm uy tín của cô với tư cách là một nhà báo, bao gồm cả những tuyên bố sai sự thật rằng cô ấy đã bán "tin giả".

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula cũng đã phát biểu trước hội nghị, chỉ ra việc những người dân bất mãn vì tin vào thông tin thù địch trên MXH đã chiếm đóng Dinh Tổng thống, Quốc hội và Tòa án Tối cao ở Thủ đô Brasilia vào ngày 8/1 năm nay.

Theo kết quả của hội nghị, UNESCO đặt mục tiêu soạn thảo các hướng dẫn toàn cầu để chống lại thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch cho các chính phủ, cơ quan quản lý và các công ty truyền thông kỹ thuật số vào giữa năm 2023.

Hoàng Anh (theo AFP, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-thao-tung-truc-tuyen-thu-han-phai-cham-dut-post236483.html