Liên kết chống nguy cơ các đại dịch mới nổi
Ngày 20/1, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã tổ chức sự kiện điểm lại những thành tựu chính, bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 5 năm lần thứ hai Chương trình Các mối nguy cơ Đại dịch mới nổi (hay còn gọi là EPT‐2) tại Việt Nam và thảo luận cách duy trì và mở rộng những thành tựu này trong giai đoạn tới.
Bộ NN& PTNN và FAO Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ từ năm 1978. Kể từ đó, nhiều thành tựu đã đạt được thông qua quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược này. Trung tâm Phòng Chống và Kiểm soát khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) của FAO đã hỗ trợ Việt Nam đáp ứng với các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm độc lực cao kể từ năm 2004 và mở rộng phạm vi hỗ trợ sang các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa động vật và người và kháng kháng sinh (AMR), với sự hỗ trợ tài chính từ Chương trình Mối đe dọa Đại dịch (EPT) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
“Thông qua ECTAD, FAO đã hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hơn 16 năm qua, thực hiện cam kết chuẩn bị và đáp ứng các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt là những bệnh đe dọa đến sức khỏe con người và môi trường. Chúng tôi tin rằng khi động vật khỏe mạnh hơn sẽ làm cho mọi người, đặc biệt là chăn nuôi hạnh phúc hơn và bảo vệ Việt Nam an toàn hơn ”, TS. Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao của ECTAD cho biết.
Đặc biệt, dự án có một triển lãm trưng bày các ấn phẩm, ứng dụng công nghệ và video giới thiệu những thành tựu chính đã đạt được trong giai đoạn từ 2015 đến 2020. Các bài thuyết trình và triển lãm cho thấy FAO, với sự hỗ trợ tài chính từ USAID đã hỗ trợ Bộ NN&PTNT tăng cường năng lực cho ngành thú y, chăn nuôi và xây dựng các bộ công cụ để phòng chống, chuẩn bị, phát hiện sớm và đáp ứng với các bệnh lây truyền giữa động vật và người, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và AMR.
Tiến sĩ Padungtod nhấn mạnh, đây là hội thảo kết thúc dự án EPT2, nhưng sự hợp tác của FAO, Bộ NN&PTNT và USAID không kết thúc. FAO sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để giảm hơn nữa nguy cơ và tác động của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, xuyên biên giới và nguy cơ kháng thuốc và các mối đe dọa sinh học thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe toàn diện trong những năm tới, đóng góp vào Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu và các sáng kiến giám sát dịch bệnh toàn cầu.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các ngành thú y, y tế, quản lý và bảo tồn động vật hoang dã, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế.